Di cư lao động và bài toán an toàn cho phụ nữ - Thời sự 5g30 20/3/2022

(VOH) - Đại dịch Covid -19 khiến cho các nữ lao động di cư bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với trước như: nhận lương thấp, làm việc đơn giản, ít được hỗ trợ...

Do đó, đào tạo nghề và tạo việc làm cho phụ nữ di cư rất quan trọng nhưng quan trọng đào tạo nghề phải gắn với việc làm, nếu chỉ đào tạo họ sẽ không quan tâm, hứng thú vì không hiệu quả, thiết thực. Ngoài ra, những chính sách cho họ phải cụ thể như vấn đề nhà ở, sử dụng dịch vụ công, sử dụng bảo hiểm y tế khám chữa bệnh,... sao cho thuận lợi và phù hợp với tính chất việc làm của họ. Đồng thời, với người lao động di cư nên miễn phí cho họ khi đến các khu vui chơi, thể thao, giải trí của Thành phố; tạo cơ hội  cho con em lao động nữ di cư tiếp cận dịch vụ công về giáo dục, y tế. Đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ...

Liên quan đến việc tìm kiếm một giải pháp căn cơ và bền vững để hỗ trợ cho nhóm đối tượng này, VOH có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Đức Lộc – Viện Trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội. Đây cũng là nội dung khép lại chủ đề “Phụ nữ di cư - nhọc nhằn mưu sinh chốn thị thành”

*VOH: Thưa ông, đa phần lao động nữ nhập cư không chỉ dừng lại ở chỗ tìm kiếm được việc làm ổn định, mà còn kéo theo rất nhiều “cái khó” khác như: Chỗ ở, chỗ gửi con và nhất là không được hưởng các chế độ xã hội vì không có hộ khẩu ở nơi di cư đến.. Theo ông, vì sao lại có tình trạng này?

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc: Phụ nữ di dân họ mang theo một gánh nặng kép. Ngoài việc kiếm tiền để nuôi sống bản thân thì họ còn trách nhiệm về mặt văn hóa, họ phải chăm lo cho gia đình rất nhiều: vừa quán xuyến việc gia đình vừa giáo dục con cái…v.v… Mặt khác, họ di cư ra đô thị thì cũng muốn tiết kiệm, dành dụm chi phí gửi về quê lo cho gia đình, điều này cho thấy một gánh nặng trên vai người phụ nữ.

Cái thứ 2, đối với người phụ nữ về mặt cơ chế sinh học cũng có bất lợi hơn so với nam giới, khi đến độ tuổi 40 thì năng suất lao động không được cao. Trong khi xu hướng các doanh nghiệp tuyển dụng thì cần sức khỏe. Thì đây là những cái rủi ro trước tuổi về hưu, họ không có nhiều cơ hội chính vì vậy họ phạt dạt ra ở các khu vực phi chính thức để kiếm sống. Còn thực tế Luật lao động về khu vực chính thức thì chúng ta phân loại ra gồm: có giao kết lao động và không có giao kết lao động.  Khi có giao kết lao động thì được Luật quy định rất nhiều để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, đối với nhóm lao động phi chính thức thì chúng ta chưa có nhiều mạng lưới. Đối với nhóm lao động chính thức thì mạng lưới về BHXH, BHTN để phòng ngừa rủi ro, còn đối với nhóm lao động phi chính thức thì họ không có những lưới an sinh này và họ luôn gặp phải những rủi ro.

*VOH: Có một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng nghèo trong nhóm lao động nữ nhập cư là do chúng ta chưa có những chính sách cụ thể dành riêng cho họ, ông nghĩ sao?

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc: Không chỉ riêng cho lao động nữ di dân mà chúng ta cần nhìn rộng hơn trong đối tượng lao động phi chính thức. Đặc biệt trong nhóm này nữ chiếm tỷ lệ cao. Sắp tới, về mặt pháp luật tôi nghĩ chúng ta cần phải có một hành lang pháp lý, chính sách và quyền lợi cho những người lao động trong khu vực dịch vụ. Như vậy xu hướng lao động được trả lương, trả công theo xu hướng dịch vụ đang tăng cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp người ta đang muốn chuyển dịch sang hình thức này để họ cởi bỏ bớt phần trách nhiệm của mình. Ví dụ như dịch vụ chạy xe công nghệ Grap hay các dịch vụ khác thì họ làm bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu, không có bất cứ một trách nhiệm doanh nghiệp nào đối với người lao động, nhất là hành lang pháp lý. Hiện nay chúng ta chưa có cơ sở pháp lý để ràng buộc các bên liên quan. Chính vì vậy, về chính sách cần phải có hành lang đủ rộng để những người lao động dịch vụ, phi chính thức có cơ hội làm việc bền vững.

*VOH: Qua thực tế khảo sát các mô hình, theo ông đánh giá, hiện nay chúng ta có những mô hình hỗ trợ nào dành cho lao động nữ nhập cư được xem là hiệu quả nhất, thưa ông? 

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc: Có rất nhiều mô hình, mô hình từ các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội, các gói hỗ trợ của các tổ chức ISO cũng có rất nhiều. Tuy nhiên, phần nhiều mới dừng lại ở mức độ hỗ trợ mà chưa tập trung vào hỗ trợ nâng cao năng lực để họ tự phát triển công việc của mình. Theo tôi, hiện nay cũng có những mô hình đang thành công trên thế giới và Việt Nam cũng manh nha áp dụng, và chúng ta phải kiên trì áp dụng đó là mô hình tiết kiệm vi mô được tổ chức theo nhóm những phụ nữ cùng ngành nghề tương trợ lẫn nhau và họ có cách thức quản lý tài chính tương trợ nhau trong công việc. Và chính những người phụ nữ, những người yếu thế người ta lại hiểu nhau hơn. Từ đó các đơn vị hỗ trợ bên ngoài cung cấp nguồn lực hỗ trợ và thúc đẩy họ, nâng cao năng lực cho họ từ đó tạo ra sinh kế bền vững. 

*VOH: Theo ông, thời gian tới các cơ quan hữu quan cần làm gì để hoàn thiện chính sách giảm nghèo đa chiều cũng như hỗ trợ tích cực nhóm lao động nữ di cư để họ có cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội?

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc: Đây là một bài toán lớn không chỉ liên quan đến vấn đề an sinh, xã hội mà là câu chuyện về chiến lược phát triển và chúng ta cần phải chú trọng về phát triển vùng để giảm thiểu và cân bằng khoảng cách giữ nông thôn và thành thị. Khi ở nông thôn người ta cảm thấy mình vẫn có thể sống với những điều kiện đầy đủ về sinh kế, an sinh xã hội thì người ta sẽ ở lại nông thôn. Còn hiện nay mức sống giữa nông thôn và thành thị còn chênh lệch quá cao, chính vì vậy đô thị luôn luôn là điểm đến hấp dẫn nên dòng người đổ về. Chính vì vậy, về mặt chính sách thì chúng ta có những đôi khi lại không sử dụng chính sách đó thì chúng ta phải tính toán đến việc liên kết vùng. Các mối quan hệ và phát triển vùng nông thôn theo định hướng để người ta ở nông thôn có nhà cửa, ruộng đất, vấn đề an sinh và điều kiện sinh kế tốt thì người ta mới an tâm ở với quê nhà.

Hiện nay các địa phương cũng đang quy hoạch lại nhưng tôi thấy cái quy hoạch mag tính chất theo vùng thì chưa rõ. Ví dụ như ở các tỉnh ĐBSCL hiện nay cũng mở các Khu công nghiệp giống như Bình Dương và TPHCM cách đây 2 thập kỷ. Đáng lẽ chúng ta phải tính đến các nguồn lực và thế mạnh của địa phương mình và có tính liên kết khu vực, tỉnh này hỗ trợ cho tỉnh kia để tạo ra động lực phát triển sinh kế bền vững cho người dân thì sẽ tốt hơn. Còn về chính sách an sinh thì theo tôi là một chính sách chung. Cái chúng ta cần quan tâm chính là nhóm lao động bị lọt ra ngoài, nhóm lao động phi chính thức mà chúng ta chưa có nhiều hành lang pháp lý để thúc đẩy các doanh nghiệp, các đơn vị dịch vụ thực hiện trách nhiệm của mình.

*VOH: Xin cám ơn ông!

Phương Dung

Bình luận

  • Khiem Nguyen Tien 07:02, 21/03/2022
    Cám ơn Giáo sư nhiều. Một đề tài rất hay và bổ ích

Đọc Báo