Để không còn những cánh tay nối dài cho việc lạm thu

(VOH) -  Nên giữ hay nên bỏ Hội phụ huynh học sinh là câu hỏi nhận được sự quan tâm của nhiều gia đình, cá nhân cũng như xã hội.

Thậm chí khảo sát trên một trang báo điện tử, hơn 80% người tham gia cho rằng nên bỏ hội phụ huynh, một tổ chức được cho là đại diện vai trò quyền lợi của  gia đình học sinh, thể hiện sự quan tâm của gia đình đối với việc học, định hướng giáo dục của con cái.

Vậy mà phần lớn những bậc làm cha làm mẹ, những người rất mực quan tâm lại cho rằng nên bỏ tổ chức này? Vì đâu có sự trớ trêu như thế?

Ảnh minh họa: giadinh.net.vn

Đầu năm học, tình trạng lạm thu bắt đầu gây sự chú ý khi một trường tiểu học thu tiền học sinh lớp 1 lên đến hàng chục triệu đồng, thậm chí còn dự kiến trang bị cho cô giáo laptop để phục vụ việc học của học sinh. Đáng nói hơn, lý giải về mức thu gây ra  sự bức xúc, ngành giáo dục địa phương cho rằng do mức thu chưa có sự thống nhất cao từ hội phụ huynh.

Trong khi đó, rất nhiều khoản thu trong các trường thuộc phạm trù thoả thuận, tự nguyện, nhưng lại quy định mức giá chung, thậm chí đưa ra chỉ tiêu cho từng lớp. Không ít phụ huynh dù không thực sự đồng tình nhưng lo lắng con em bị phân biệt đối xử vẫn phải bấm bụng đóng góp.

Máy lạnh, sàn gỗ, tivi, rèm cửa... phần lớn đều nhờ đến nguồn thu từ đóng góp của phụ huynh.

Trong khi đó, theo Thông tư 55 quy định ghi rõ không cho phép Ban đại diện cha mẹ học sinh  quyên góp các khoản thu như sửa chữa nâng cấp xây dựng mới các công trình của nhà trường, mua sắm trang thiết bị đồ dùng cho lớp.

Đỉnh điểm của tình trạng này là sự kiện một ông bố của một học sinh trường tiểu học đã gửi đơn kiến nghị "giải tán" hội phụ huynh khi mà thực tế thời gian qua hội này hoạt động như một "hội phụ thu" đề ra, "vẽ ra" các khoản đóng góp, chứ không làm đúng trách nhiệm của mình.

Những sai phạm rõ ràng không nên dung túng. Điều này lại càng phải quyết liệt hơn trong môi trường học đường. Nhưng không vì vậy mà chúng ta dứt bỏ hội phụ huynh một cách không cân nhắc.

Thực tế sự phát triển nhân cách học sinh luôn đặt trong mối tương quan giữa 3 lực lượng giáo dục chính là nhà trường - gia đình và xã hội. Trong đó, nhà trường đóng vai trò định hướng, thực hiện; gia đình hỗ trợ giám sát và xã hội sẽ là nơi để những kiến thức kỹ năng các em được cọ sát và công nhận. Sẽ thật là khiếm khuyết nếu con trẻ thiếu 1 trong 3 lực lượng giáo dục này.

Trong đó, hội phụ huynh với vai trò quan trọng, đại diện cho sự giám sát, hỗ trợ  của gia đình đã được thể hiện rõ trong Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Cụ thể, nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh là phối hợp với giáo viên tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh, tham gia giáo dục đạo đức, bồi dưỡng khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh bỏ học trở lại trường, giúp đỡ học sinh nghèo, khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.

Đồng thời, hội có quyền kiến nghị với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn biện pháp nâng cao chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục, phối hợp tổ chức các hoạt động ngoại khoá, hoạt động giáo dục. Nếu làm tốt các nhiệm vụ này, chắc hẳn sự có mặt của hội phụ huynh sẽ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình không chỉ trong từng lớp học mà của cả cộng đồng, chứ không bị xem xét, quy tội như hiện nay.

Vì vậy, thay vì xoá bỏ Hội Phụ huynh học sinh, ngành giáo dục cần xác định rõ, chấn chỉnh và tạo điều kiện để Hội thực hiện tốt vai trò nhiệm vụ của mình.

Tại nhiều quốc gia khác, hội phụ huynh học sinh làm rất tốt vai trò phối hợp giáo dục với nhà trường. Đơn cử như, hoạt động liên kết giám sát bảo vệ sự an toàn cho trẻ trên đường đến trường - về nhà của hội phụ huynh ở Nhật. Phụ huynh Anh thì có hoạt động tổ chức các hội chợ, các cuộc thi, gắn kết học sinh với gia đình nhà trường, đồng thời tạo cơ hội gây quỹ từ các hoạt động này.

Ở Mỹ, hội phụ huynh không chỉ gồm những bà mẹ gặp nhau  lên kế hoạch nướng bánh mà còn là tổ chức vận động hành lang có sức ảnh hưởng trong các cơ quan lập pháp của tiểu bang, đại diện cho lợi ích của học sinh và các trường.

Trong khi đó, có bao nhiêu ban đại diện cha mẹ học sinh ở nước ta được dự giờ hoặc tham gia trực tiếp tiết học để biết con mình được học tập như thế nào và có ý kiến để nhà trường phát triển chuyên môn tốt hơn.

Nhiệm vụ tham gia giáo dục đạo đức hầu như lại càng mờ nhạt khi chủ yếu gia đình nào chỉ tác động ảnh hưởng đến con cái của chính mình. Điểm đặc biệt so với các nước có chăng chính là các khoản thu được cho là  "tự nguyện".

Vì vậy, sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra và có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó có thể xoá bỏ quy định cho hội phụ huynh thu tiền. Đây có thể được xem là giải pháp cơ bản để ngăn chặn lạm thu trong trường học.

Quá trình này còn được kỳ vọng sẽ thay đổi nhận thức của xã hội về tổ chức này, để hội phụ huynh không còn bị liên tưởng với hình ảnh cánh tay nối dài của nhà trường mà thực sự là những cánh tay kết nối tạo nên môi trường giáo dục thực sự an toàn, lành mạnh và hiệu quả cho sự phát triển của con trẻ.

 Hữu Vinh  

Tuyết Nhung

Bình luận

Đọc Báo mới