Đây là kết quả bước đầu của việc chuyển hướng đầu tư trọng điểm, khắc phục việc đầu tư dàn trải như trước. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, đây cũng là nỗ lực lớn của ngành thể dục thể thao, đồng thời việc đầu tư này chắc chắn sẽ còn được triển khai quyết liệt hơn trong thời gian tới, chuẩn bị cho quá trình đầu tư dài hơi, nâng tầm thể thao nước nhà. Phóng viên Hoàng Lĩnh có cuộc phỏng vấn ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao xung quanh chiến lược đầu tư trọng điểm, song song với các bước chuẩn bị cho đấu trường SEA Games, Olympic sắp tới. Mời quý vị cùng nghe:
VOH: Thưa ông, thời gian qua, khắc phục việc đầu tư dàn trải, thể thao Việt Nam chuyển hướng đầu tư trọng điểm và bước đầu có những kết quả rất tích cực. Năm qua, 2018 - tại đấu trường ASIAD, hay các sân chơi đỉnh cao khác, thể thao Việt Nam cũng có những thành tích nổi bật. Ông đánh giá như thế nào về những tín hiệu đầy lạc quan này?
Ông Trần Đức Phấn: Có thể nói là trong thời gian qua, việc chuyển hướng đầu tư đã có những hiệu quả bước đầu. Điều đó cho thấy trong điều kiện, nguồn lực của thể thao thành tích cao còn hạn chế, chúng ta không thể đầu tư dàn trải, mà phải đầu tư trọng điểm mới giúp cho các vận động viên có điều kiện đạt được thành tích ở các đấu trường. Thể thao Việt Nam hiện đang tiến đến các đấu trường lớn như ASIAD, Olympic, vì thế đầu tư trọng điểm là giải pháp không thể không tiếp hành và sắp tới sẽ tiếp tục được triển khai, mà còn phải đầu tư quyết liệt hơn. Chúng ta phải có những vận động viên lớn của Việt Nam thì mới đủ sức gánh vác nhiệm vụ này, vì càng ngày thể thao thế giới càng đi vào chiều sâu, ngoài việc huấn luyện, công tác chăm sóc về y học, dinh dưỡng, ứng dụng thành tựu Khoa học công nghệ vào việc đào tạo vận động viên, nếu mình không triển khai theo hướng đó thì sẽ tụt hậu. Những năm tới đây, ngoài việc đầu tư đặc biệt cho các vận động viên, còn phải quan tâm các vấn đề dinh dưỡng, ứng dụng thành tựu khoa học nữa.
VOH: Ngành thể dục thể thao cũng vừa công bố danh sách các HLV, vận động viên được đầu tư đặc biệt, hướng đến các đấu trường thể thao lớn thời gian tới. Ông có thể thông tin thêm về danh sách này cũng như quan điểm, định hướng của ngành trong việc đầu tư cho đội ngũ tài năng đặc biệt này?
Ông Trần Đức Phấn: Trong tổng số hơn 50 vận động viên mà chúng ta đầu tư trọng điểm thì có phân thành 3 loại. Vận động viên chính hiện nay là nhóm vận động viên làm nhiệm vụ ở đấu trường SEA Gamés, nhiệm vụ trọng tâm của năm. Nhóm này chiếm đa số, nhất là các nhóm môn Olympic và ASIAD. Nhóm thứ 2 là nhóm vận động viên có thể không tham dự SEA Games nhưng tham dự vòng loại Olympic 2020. Nhóm thứ 3 là nhóm triển vọng có thể tham gia SEA Games chưa có thể đạt thành tích cao, hoặc chỉ tham dự vòng loại Olympic. Đây là nhóm vận động viên chuẩn bị cho nhiệm vụ liên thông cả SEA Games, ASIAD và Olympic, vì thế phải đầu tư cho các vận động viên này, và chọn lựa những nội dung chính có thể đáp ứng các điều kiện đảm bảo lấy được thành tích cao ở các đấu trường thì phải đầu tư ngay từ bây giờ.
VOH: Trong danh sách trọng điểm này thì tất cả đều là nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước hay từ các nguồn lực xã hội hoá khác?
Ông Trần Đức Phấn: Tất cả nhóm trọng điểm này đều từ kinh phí nhà nước. Tuy nhiên, đối với mỗi môn thể thao khác nhau, các vận động viên có thể hưởng thêm chế độ chính sách từ các Liên đoàn thể thao quốc gia có các vận động viên xuất sắc. Tuy nhiên, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao chăm sóc cho các vận động viên có thành tích qua các kỳ thi đấu là chính, thưởng thêm khi có thành tích. Chỉ có vài liên đoàn, Ví dụ như Liên đoàn cử tạ, ngoài chế đôh chính sách của Nhà nước, Liên đoàn còn hỗ trợ chăm sóc thêm cho các vận động viên về dinh dưỡng chuyên biệt. Hay một vài môn khác cũng bổ sung thêm các thuốc bổ dưỡng cho các vận động viên, chứ còn bổ sung thêm các nguồn khác cho các vận động viên này vẫn còn hạn chế.
VOH: Năm nay, thể thao Việt Nam sẽ tham dự SEA Games 30, kỳ Đại hội thể thao lớn nhất khu vực với những khó khăn, thuận lợi và mục tiêu như thế nào?
Ông Trần Đức Phấn: SEA Games 30 đối với thể thao Việt Nam sẽ khó khăn hơn so với kỳ SEA Games vừa qua. Số lượng rất nhiều môn thi đấu, 56 môn, trong đó có nhiều môn thế mạnh của Việt Nam bị cắt giảm. Vì vậy chúng ta phải tập trung cho những môn Olympic thi đấu tại SEA Games lần này, có khả năng đạt thành tích cao, mang lại HCV cho đoàn Việt Nam. Chúng ta đặt mục tiêu vào top 3 Đại hội.
VOH: Cùng với việc chuẩn bị cho SEA Games, chúng ta cũng bước vào giai đoạn nước rút tranh suất dự Olympic 2020. Tuy nhiên, những công bố mới về chuẩn Olympic cho thấy, các vận động viên chúng ta còn cách rất xa đấu trường này, dù có nhiều nỗ lực. Ông có quan điểm và đánh giá như thế nào về thực tế này?
Ông Trần Đức Phấn: Càng ngày thì việc tham dự Olympic càng trở nên khó khăn với các nước nói chung và với chúng ta nói riêng. Tôi nghĩ rằng các vận động viên chúng ta, ở các nội dung thi đấu, trong điều kiện đầu tư của chúng ta vẫn có thể qua được vòng loại. Còn có huy chương hay đạt thành tích cao là cả một vấn đề. Nhưng vượt qua vòng loại thì tôi cho rằng chúng ta có nhiều cơ hội.
VOH: Đầu tư trọng điểm là hướng đi đúng và đã cho thấy hiệu quả. Nhưng để vươn tầm thì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Theo ông, đâu là những điểm then chốt nhất để thể thao Việt Nam bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt hướng đến mục tiêu 2035 chúng ta vươn tầm châu lục, như Đề án Chiến lược mà Chính phủ mới phê duyệt?
Ông Trần Đức Phấn: Đúng là phải đặt vấn đề, chúng ta có nhiều vận động viên ở nhiều môn có thể tiến tới được đấu trường ASIAD và Olympic. Tuy nhiên, công tác, chuẩn bị, đầu tư của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế nhất định. Tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc đầu tư của chúng ta đối với các vận động viên trọng điểm cũng là giải pháp tức thời thôi. Còn để cho vận động viên phát triển và phát triển một cách bền vững, kể cả thành tích thể thao thì phải có nguồn lực đầu tư thật tốt. Cũng rất vui khi Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đào tạo tài năng thể thao, trong đó có mấy nguồn nhân lực chúng ta phải đầu tư là vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao, trong đó có nguồn nhân lực về cán bộ, cán bộ quản lý, các nhà khoa học và tài năng liên quan chuyên môn kỹ thuật. Tôi cho rằng đề án tương đối tổng thể, và nguồn lực này nếu được đầu tư bài bản, đội ngũ này sau này nếu chúng ta đầu tư đến 2035 thì thể thao Việt Nam sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn rất nhiều.
VOH: Xin cảm ơn ông!