Cổng dịch vụ công TP sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn phần - Thời sự 11g 16/8/2022

(VOH) - Dự kiến, tháng 10 sẽ hoàn thành xong dịch vụ công này, phấn đấu công bố trong tuần lễ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Thành phố diễn ra vào trung tuần tháng 10.

Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2022 và phân tích, đánh giá các Chỉ số liên quan công tác cải cách hành chính năm 2021 của TPHCM, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết: Sở Thông tin và Truyền thông nhận nhiệm vụ triển khai Cổng dịch vụ công Thành phố từ tháng 5/2022, Sở đã tập trung, huy động toàn bộ lực lượng triển khai nhiệm vụ này cùng phối hợp với các đơn vị có liên quan.

Dự kiến, tháng 10 sẽ hoàn thành xong dịch vụ công này, phấn đấu công bố trong tuần lễ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Thành phố diễn ra vào trung tuần tháng 10.

"Cổng dịch vụ công Thành phố sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn phần với các thủ tục hành chính đủ điều kiện. Cụ thể: cung cấp 403 dịch vụ công trực tuyến theo các quyết định của UBND Thành phố và 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với hệ thống thông tin một cửa của Thành phố, sẽ thiết lập 1454 thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, các quận huyện phường xã, để người dân nộp hồ sơ trực tiếp và trực tuyến. Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của Thành phố từ tháng 10 sẽ trở thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất của toàn thành phố và cổng này sẽ kết nối với hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia của Văn phòng Chính phủ và hệ thống định danh của Công an. Khi Cổng dịch vụ công này vận hành thì có khả năng là công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính của từng sở, ngành, địa phương trên mạng internet. Thì đây cũng là một công cụ để giám sát hiệu quả và thúc đẩy trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, để giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Để chuẩn bị cho công tác triển khai Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của Thành phố thì Sở Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các đơn vị chủ động đăng kí chữ kí số chuyên dùng do Ban cơ yếu Chính phủ cấp để phục vụ cho việc tiếp nhận và xử lí hồ sơ hành chính trên hệ thống này khi hệ thống được triển khai.

Về cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, gọi tắt là 1022, qua 7 tháng đầu năm, thì hệ hống 1022 được tiếp tục mở rộng, có sự tham gia của 86 đơn vị, 625 đầu mối xử lí. Vào tháng 4/2022, cổng 1022 phát triển thêm một nhánh là hệ thống trực quan giám sát việc xử lí, kiến nghị của người dân trên cổng thông tin 1022. Đây là hệ thống trực quan giúp theo dõi theo thời gian thực, có bản đồ, có biểu đồ nhiệt, có biểu mẫu thống kê, để giúp lãnh đạo Thành phố theo dõi từng ngành, từng địa phương đến từng phường xã và từng phản ánh kiến nghị của người dân khi được phản ánh đến tổng đài 1022. Trong tháng vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã phát triển thêm 2 tính năng. Một là tính năng chỉ đạo điều hành trực tiếp trên hệ thống với từng lĩnh vực, từng địa phương hoặc từng kiến nghị của người dân, dành cho lãnh đạo cấp trên đối với cấp dưới. Thứ hai, hệ thống nhắn tin tự động vào chiều thứ 6 hàng tuần để báo cho lãnh đạo Thành phố, hoặc lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành đó biết trong tuần vừa qua có bao nhiêu kiến nghị của người dân được gửi đến, được xử lí như thế nào, chậm trễ như thế nào, và các đồng chí có thể vào 1022 để theo dõi trực tiếp, cụ thể.

Sở Thông tin và Truyền thông sắp tới sẽ bổ sung tính năng xác định vị trí cuộc gọi và hệ thống giải đáp thông tin tự động cho người dân Thành phố qua cổng 1022.

Trước năm 2021, mỗi một năm thì có khoảng 10 ngàn đến 20 ngàn cuộc gọi nhưng năm 2021 thì cuộc gọi đến là hơn 2 triệu, trong 7 tháng đầu năm 2022, có 24 ngàn cuộc gọi đến tổng đài 1022. Qua đó cho thấy sự tín nhiệm và mong muốn của người dân thông qua 1022 là rất lớn và ngày càng tăng.

Về lâu dài, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ kiến nghị Thành phố sử dụng cổng 1022 thành một tổng đài thống nhất để xử lí phản ánh kiến nghị của người dân. Điều này giúp cho người dân đỡ nhớ nhiều số điện thoại khi giao tiếp với hệ thống chính quyền thành phố, đồng thời giúp cho các cơ quan đơn vị không phải tốn tiền đầu tư hệ thống tổng đài riêng. Điều quan trọng là chúng ta có hệ thống dữ liệu từ thành phố đến cấp phường xã, và từ đó có thể phân tích đánh giá về những phản ánh, kiến nghị nội dung như thế nào, mà chúng ta có những chính sách, quyết sách phù hợp. Đồng thời khi sử dụng chung hệ thống này thì người cao nhất của Thành phố là Bí thư Thành ủy đến chủ tịch UBND phường xã thị trấn, đến người dân, đều có thể giám sát một cách công khai minh bạch đến từng kiến nghị phản ánh của người dân.

Triển khai một hệ thống ứng dụng di động thống nhất nhằm nâng cao sự tương tác giữa hệ thống chính quyền và người dân. Hiện, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đang nghiên cứu giải pháp để triển khai ứng dụng này và dự kiến vào cuối năm 2022 sẽ đi vào vận hành, trước mắt sẽ triển khai những nhóm tính năng phục vụ cho người dân. Thứ nhất, có kết nối với cổng 1022. Thứ hai, có kết nối với cổng dịch vụ công. Thứ ba, giúp người dân có thể nhận được những thông báo chính thức từ chính quyền Thành phố. Về lâu dài, ứng dụng sẽ tích hợp những ứng dụng chuyên ngành của các sở ngành, địa phương thành phố. Như vậy, người dân giao tiếp với chính quyền thành phố chỉ qua một ứng dụng duy nhất."

Ngọc Bích

VOH

Bình luận

Đọc Báo mới