Chuyển mùa, lưu ý phòng bệnh cho nhóm nguy cơ cao - Thời sự 11g00 25/11/2020

(VOH) - Trong sự thay đổi về thời tiết, cũng như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nên mùa cuối năm cũng là mùa mà nhiều bệnh có thể tấn công cùng lúc.

Trong các bệnh lý hô hấp xảy ra ở trẻ thì viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở các bộ phận thuộc đường hô hấp trên bao gồm mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản. Đây là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên rất dễ xảy ra tình trạng viêm nhiễm. Các bệnh lý hô hấp như viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản là những bệnh thường gặp khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 khi thời tiết chuyển mùa và mỗi năm có khoảng 10 triệu ca tử vong theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong nhóm mắc bệnh thì trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên nhiều hơn so với người lớn do hệ miễn dịch còn non nớt và bệnh cũng dễ tái phát nhiều lần khiến cho nhiều bậc cha mẹ không khỏi lo lắng. Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 lưu ý khi nhà có trẻ bị viêm hô hấp trên trong mùa này thì phụ huynh cần biết là: "Khi có em bé bị viêm hô hấp trên phải bình tĩnh vì bệnh này không hết nhanh được đâu. Nếu có sổ mũi thì nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, ho thì cho uống thuốc ho thông thường, thảo dược. Rồi quan trọng mình phải theo dõi sát cách thở, cách bú của em bé nếu thở nhanh, khó thở, tím tái phải đi đến bệnh viện ngay. Và bệnh này thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày và thậm chí kéo dài hơn".

Bên cạnh viêm đường hô hấp ở trẻ em thì  cuối năm khi thời tiết chuyển mùa, đây là thời điểm thuận lợi cho vi-rút phát triển và các bệnh thường gặp ở người lớn  là cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp. Với cúm, Bác sĩ Phạm Văn Chín – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố lưu ý, nhóm nguy cơ cao khi mắc cúm rất dễ biến chứng nên mọi người không được chủ quan, nên chủ động phòng bệnh: "Phải phân biệt cúm và cảm lạnh, thường thì cúm nó nặng hơn dù là hai bệnh nhiễm vi rút hết. Triệu chứng cúm là sốt, đau đầu, đau cơ rất mệt mỏi, ho kéo dài.Có thể kèm triệu chứng tiêu hóa như nôn ói, tiêu chảy, đặc biệt là trẻ em. Tùy theo sức đề kháng của mình mà bệnh khỏi nhanh hay kéo dài lâu. Tuy nhiên, nhóm người như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mãn tính là những người rất dễ bị biến chứng từ cúm như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não…rất dễ tử vong".

Ghi nhận từ các cơ sở khám chữa bệnh cho thấy, hiện nay bệnh tay chân miệng vẫn là căn bệnh khiến các bậc phụ huynh rất lo lắng vì những ảnh hưởng đến sức khỏe của con trẻ. Bệnh lý này bước vào đợt chu kỳ dịch thứ 2 trong năm từ tháng 9 đến tháng 12 nên trẻ em cũng rất dễ mắc trong thời điểm hiện tại.

Trong các biện pháp phòng bệnh thì với những bệnh đã có vắc xin thì phụ huynh hãy đưa con em mình đi tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch. Nhất là với bệnh sởi vì nếu một khi trẻ mắc bệnh kép cùng lúc như sởi và các bệnh khác, thì sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe thậm chí cả tính mạng. Bác sĩ Nguyễn Thanh Khê - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 6 khuyến cáo trong tiêm ngừa để trẻ không phải mắc sởi: "Theo thông tư quy định của Bộ Y tế sởi là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm phải tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Để tiêm đảm bảo phòng bệnh trẻ phải được tiêm đầy đủ 2 mũi. Những trường hợp tiêm trễ tháng, trễ mũi thì phụ huynh cứ thực hiện tiêm bù với điều kiện 2 mũi này cách nhau 4 tuần".

Cả nước đang vào mùa đông xuân thời tiết chuyển mùa, đây là thời điểm thuận lợi cho vi-rút phát triển, nên cộng đồng cần tăng cường các biện pháp phòng chống. Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng nên tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc, lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo ngay cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm.Cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Bên cạnh đó là các biện pháp chúng ta nên nhớ là thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo an toàn thực phẩm, giữ ấm khi thời tiết lạnh, nhất là ở trẻ em và người già. Đảm bảo ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cân đối kết hợp với vận động thể dục thường xuyên để tăng cường đề kháng.

Hải Anh

VOH

Bình luận

Đọc Báo