Chuyển đổi số: cần đi vào thực chất để làm tốt hơn nhiệm vụ hàng ngày – Thời sự 17g00 16/10/2022

Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TPHCM năm 2022 vừa diễn ra tại TPHCM, với 95% các sự kiện liên quan đến chủ đề chuyển đổi số.

Hiện nay, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là những tổ chức tiên phong và xem chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội thông minh trong thời kỳ mới.

Các hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thời gian qua có sự chuyển biến tích cực, nhận thức rất rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số để làm tốt hơn nhiệm vụ hàng ngày của mình.

Minh chứng rõ nét nhất, có thể thấy qua không khí sôi động của Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TPHCM năm 2022 vừa diễn ra tại TPHCM, với 95% các sự kiện liên quan đến chủ đề chuyển đổi số. Nổi bật tại Chương trình này còn có hoạt động chuyển đổi số của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hoạt động triển lãm Tech4life; nhóm tài chính ngân hàng cũng triển lãm nhiều sản phẩm dịch vụ ứng dụng chuyển đổi số của ngân hàng…Thành phố cũng chọn chủ đề “Chuyển đổi số - động lực mới cho phát triển của Thành phố”, thể hiện mong muốn của Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số, là một trong các nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Nhìn lại quá trình chuyển đổi số thời gian vừa qua, ông Phí Anh Tuấn, Trưởng ban tư vấn Chuyển đổi số mảng doanh nghiệp Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhận thức về chuyển đổi số, trong nhiều đối tượng đã có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên trong giai đoạn mới cần đi vào chiều sâu thiết thực hơn, chuyên môn hơn, ông đánh giá: "Tôi cho rằng, đến thời điểm này, chúng ta đã làm được một việc lớn đối với vấn đề chuyển đổi số: đó là thay đổi về mặt nhận thức một cách tổng thể về ứng dụng công nghệ số, không chỉ trong doanh nghiệp mà cả trong cơ quan quản lý nhà nước, cho người dân. Thế nhưng, đến thời điểm này, nhất là khối doanh nghiệp cần những gì cụ thể hơn, thực tiễn hơn, phù hợp với công việc của họ. Đồng thời, cần đi vào chuyên môn hoá, cá nhân hoá theo từng ngành. Bởi vì, chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ khác với chuyển đổi số trong sản xuất cơ khí, khác với chuyển đổi số trong sản xuất dược phẩm...Do đó, chúng ta cần đi sâu vào câu chuyện trải nghiệm của từng ngành, cụ thể cho từng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”

Theo ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ewater Engineering cũng cho rằng, đừng để chuyển đổi số chỉ là “phong trào”, mà nên nhận thức chuyển đổi số với mục đích cuối cùng là mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, cần đi vào từng công việc, khía cạnh cụ thể: “Đối với doanh nghiệp muốn hiệu quả, từ góc độ công ty Ewater  - tôi nghĩ khi nói đến chuyển đổi số thì phải đi vào thực chất của vấn đề, ứng dụng chuyển đổi số vào trong sản phẩm. Ví dụ, hiện chúng tôi đang cần một máy để sản xuất nước nhuộm màu hoa, nước dưỡng hoa. Yêu cầu những máy này phải mang tính hiện đại, ứng dụng kỹ thuật số vi xử lý, vi điều khiển được tích hợp vào để thiết bị mang tính tự động. Công ty cũng đang nghiên cứu những sản phẩm phần cứng, liên quan đến số hoá trong quá trình sản xuất. Trước đây, chúng ta đo lường bằng thủ công, thì hiện tại có những thiết bị, những cảm biến đo lường một cách tự động, số hoá trong quá trình sản xuất”

Còn ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc công nghệ Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – Trách nhiệm hữu hạn Một Thành Viên (Satra), thì cho hay: “Đối với vấn đề chuyển đổi số, là vấn đề chúng tôi rất quan tâm, Satra cũng vừa thành lập Ban Chuyển đổi số để tận dụng, phát triển những thành tựu công nghệ mới như AI, IoT để áp dụng vào nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Giữa công nghệ và con người trong việc chuyển đổi số, tôi nghĩ hai yếu tố này luôn luôn bổ sung cho nhau”

Gắn đổi mới sáng tạo với chuyển đổi số, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chuyển đổi số nên bắt đầu từ những việc làm cụ thể, hàng ngày, là sự suy nghĩ, sáng tạo liên tục để làm tốt hơn công việc của mình: “Câu chuyện chuyển đổi số bắt nguồn từ câu chuyện đổi mới tư duy, phải sáng tạo trong hoạt động của mình hàng ngày. Mô hình nào, cách thức nào có thể làm tốt hơn cái hiện hữu hay không, và với công nghệ hiện có, giúp cho mình thực hiện mô hình đó ra sao. Cho nên, nó phải bắt đầu từ đổi mới tư duy trong thiết kế lại các mô hình hoạt động của mình, hoặc sáng tạo ra dịch vụ mới để mang lại giá trị cho xã hội. Đó mới là điều quan trọng”

Để thúc đẩy chuyển đổi số, Thành phố đã ban hành chỉ thị số 17 ngày 27/08/2022 về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh theo đó tập trung vào các nhiệm vụ chính như: nâng cao năng lực chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số: phát triển nền tảng số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số. Hơn 900 đơn vị trên địa bàn Thành phố, bao gồm cơ quan nhà nước, các tổng công ty, các đơn vị sự nghiệp… đã liên thông văn bản điện tử thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục đào tạo, môi trường, quy hoạch đô thị, an ninh trật tự cũng triển khai nhiều ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn và cung cấp dịch vụ cho người dân.

Thuỳ Linh

Bình luận

Đọc Báo mới