Cần linh hoạt hơn trong điều hành giá và Quỹ Bình ổn xăng dầu – Thời sự 11g00 23/2/2022

(VOH) - Tình hình giá cả xăng dầu của thế giới đang biến động, kéo theo giá xăng dầu trong nước tăng theo.

Giá xăng tăng cao ở mức kỷ lục sẽ gây ra những tác động lớn tới ngành vận tải, giá cả hàng hóa tiêu dùng, chi phí kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp…, đặc biệt khi những tác động của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đó. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu cần có sự linh hoạt hơn trong điều hành giá xăng dầu, như không nhất thiết phải chờ đúng 10 ngày như quy định, mà có thể 3 hoặc 5 ngày điều chỉnh…

Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ, đề nghị cho phép Liên Bộ Công thương-Tài chính linh hoạt hơn trong điều hành, để giá mặt hàng này tiệm cận thế giới. Bên cạnh đó, việc dự trữ lưu thông xăng dầu và Quỹ Bình ổn cũng cần được điều hành linh hoạt để phát huy tác dụng trong những lúc cần thiết như hiện nay. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOH phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn - Chuyên gia kinh tế - Luật.

xăng

Ảnh minh họa: TTO

*VOH: Trong bối cảnh thị trường có biến động về giá cả, cung cầu và có sự biến động mạnh như vừa qua mà không điều chỉnh đúng chu kỳ cho phù hợp sẽ tác động đến giá cả, cung cầu thị trường. Ông có thể phân tích làm rõ hơn các yếu tố dẫn đến bất cập trong điều hành giá xăng dầu gần đây?

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn - Chuyên gia kinh tế - Luật: Khung pháp lý cho việc điều hành giá xăng dầu đã được thực hiện theo Nghị định 83 năm 2014 của Chính phủ và nghị định 95 năm 2021 của Chính phủ liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Giá xăng dầu được thực hiện theo nguyên tắc thị trường nhưng không được cao hơn giá điều hành đối với giá bán lẻ.

Vì vậy, việc điều hành theo giá bán lẻ xăng dầu được điều hành theo khung giá mà Liên Bộ Tài chính, Bộ Công thương ban hành cho từng chu kỳ giá, cụ thể là ngày 1, 11, 21 hàng tháng.

Thế thì việc điều hành giá xăng dầu sẽ là bình thường, ổn thỏa trong điều kiện bình thường, và cân đối được quyền lợi của doanh nghiệ và người tiêu dùng trong điều kiện bình thường. Vậy thì trong điều kiện không bình thường, nghĩa là trong điều kiện giá xăng dầu thế giới có những biến động thì cách thức quản lý giá xăng dầu có những lúng túng và bất cập. Bởi vì, giá điều hành, giá cơ sở của xăng dầu là Liên bộ ban hành sẽ dựa vào diễn biến giá nhập khẩu của xăng dầu.

Như vậy chúng ta nên lấy giá quá khứ để định cho giá cơ sở và quyết định cho giá tương lai, trong khi đó, giá bán xăng dầu liên tục thay đổi trong điều kiện bất thường, nhất là trong giai đoạn thì giá xăng dầu thế giới có những biến động mạnh và biến động liên tục theo từng ngày, dẫn đến kết quả là việc điều hành giá xăng dầu không đảm bảo được hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

*VOH: Như vậy, tác động của biến động thị trường xăng dầu chắc hẳn ảnh hường rất lớn đến doanh nghiệp?

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn - Chuyên gia kinh tế - Luật: Có những trường hợp, giá xăng dầu đang trên đường biển chuyển về Việt Nam thì doanh nghiệp đã bị lỗ, chưa cần phải bán ra bên ngoài. Nếu bán ra bên ngoài với mức giá được điều tiết theo chu kỳ 10 ngày, thì doanh nghiệp còn lỗ nhiều hơn nữa. Và như vậy, việc điều hành giá xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động theo chu kỳ 10 ngày như hiện nay đã không đảm bảo sự cân đối giữa quyền lợi của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.

Vấn đề thứ hai liên quan đến sự bất cập, đó là qua diễn biến giá xăng dầu bất thường trong giai đoạn vừa rồi, và sự lúng túng của các cơ quan có thểm quyền dẫn đến kết quả là Quỹ bình ổn giá xăng dầu dường như không có giá trị đối với việc bình ổn giá xăng dầu trong điều kiện có biến động bất thường.

Vấn đề thứ ba, là giá xăng dầu chịu các loại thuế và phí và các loại thuế, phí này không có sự linh hoạt trong điều kiện thị trường có những biến động vì các loại thuế, phí gần như đã cố định. Như vậy sẽ dẫn đến kết quả là, quyền lợi của nhà nước, của doanh nghiệp và người tiêu dùng không có sự chia sẻ trong bối cảnh người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng lên. Doanh nghiệ gặp lỗ do biến động giá xăng dầu thế giới thì nhà nước vẫn thu thuế và phí đầy đủ, và như vậy, không có sự cân đối về quyền lợi. Do đó tôi cho rằng, có 3 vấn đề lớn liên quan đến khó khăn này.

*VOH: Một số ý kiến cho rằng, nhà điều hành có thể "xả mạnh" quỹ bình ổn, vừa giữ ổn định giá để tránh tác động đến mặt bằng chung của thị trường, vừa giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, tránh tình trạng phải đóng cửa, nghỉ bán. Quan điểm của ông như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn - Chuyên gia kinh tế - Luật: Một là cơ chế điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày nó không linh hoạt trong điều kiện bất thường về giá xăng dầu thế giới, thì không có sự linh hoạt.

Thứ hai, Quỹ bình ổn giá xăng dầu gần như không phát huy tác dụng trong điều kiện bất thường về giá xăng dầu thế giới.

Thứ ba, chưa cân đối được quyền lợi, chia sẻ trách nhiệm, lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Vấn đề là chúng ta phải xác định, đối với quỹ bình ổn, thì rõ ràng chúng ta phải xác định lại mục tiêu của Quỹ bình ổn này. Quỹ Bình ổn này được bàn hành để làm gì và được sử dụng trong điều kiện nào. Tôi cảm giác như Quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập nên như vậy thôi, mà nó không được sử dụng trong những tình huống cấp bách nhất của thị trường xăng dầu.

Đặc biệt, trong những điều kiện mà giá xăng dầu có những biến động, doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng đang phải chịu những bất lợi về những biến động của giá xăng dầu thế giới. Như vậy, vấn đề tôi cho rằng, cần phải làm rõ là mục tiêu của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Thứ hai là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được sử dụng lúc nào. Và thứ ba, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phải được duy trì như thế nào. Thì các cơ chế về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chưa được làm rõ. Và nhất là trong thời điểm khó khăn nhất của doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong điều kiện kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn, thì Quỹ bình ổn xăng dầu không được sử dụng, không phát huy tác dụng trong điều kiện như vậy.

*VOH: Xin cảm ơn ông.

Lệ Loan

Bình luận

Đọc Báo mới