Thời sự 17h00 (28/11/2016)
(VOH) - Dù đã có nhiều biện pháp phòng ngừa nhưng mỗi năm nước ta vẫn có tới vài chục trường hợp bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết, sốt rét.
Mỗi năm cả nước có khoảng 40.000 - 50.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, với vài chục trường hợp tử vong; khoảng 20.000 trường hợp mắc bệnh sốt rét, một số bị sốt rét ác tính và cũng có trường hợp tử vong do sốt rét. Bên cạnh đó, mới đây nhất là dị tật trẻ đầu nhỏ liên quan đến virus Zika.
Các dịch bệnh này vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Đây là những bệnh dịch trên người, có liên quan đến côn trùng chích hút máu là loài muỗi, đang được nhà nước, các bộ ngành, địa phương quan tâm, theo dõi, xử lý.
Muỗi là côn trùng có mặt ở khắp nơi, nhất là những nơi có nguồn nước ngọt, ao tù nước đọng là nơi để muỗi sinh sôi, phát triển. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, một số loài muỗi như muỗi vằn Aedes và muỗi Anopheles là những tác nhân trung gian, khi chích hút máu từ người bệnh này sang người bình thường sẽ làm lây lan các mầm bệnh, như sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika và sốt rét cho con người.
Những loại muỗi mang mầm bệnh này có thể di chuyển từ nơi này đến nơi khác hoặc do con người đi vào vùng có muỗi và có mầm bệnh lưu hành.
Bệnh sốt xuất huyết và sốt rét là những bệnh đã xuất hiện từ lâu. Trong hàng chục năm qua, mỗi khi bùng phát dịch bệnh, ngành y tế, chính quyền địa phương và các hộ gia đình phải thực hiện nhiều biện pháp để phòng chống. Tuy nhiên, dịch bệnh hàng năm vẫn xảy ra, có những năm xảy ra nhiều và có năm xuất hiện ít hơn, số trường hợp người mắc bệnh.
Nguyên nhân do chưa thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống muỗi chích, diệt trừ lăng quăng, dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh nhà, vườn cây, kênh rạch...
Một vấn đề đáng nói là khi ở một vùng nào có dịch, mọi người sẽ tập trung vào thực hiện các biện pháp này. Sau đó, dịch bệnh tạm lắng, mọi người ít quan tâm hơn đến việc phòng chống dịch bệnh.
Mặt khác, ở những nơi chưa hoặc không có dịch thì mọi người càng lơ là với những biện pháp phòng trừ muỗi, vệ sinh môi trường... Và như đã nói ở trên, những con muỗi mang mầm bệnh có thể bay từ vùng có bệnh sang nơi khác để truyền bệnh hoặc những người ở vùng chưa có bệnh, khi đi vào vùng đang có dịch và khi bị muỗi đốt sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao.
Đối với bệnh sốt xuất huyết và virus Zika, đều do muỗi Aedes gây ra, mọi người, mọi nhà, không để khi bùng phát dịch mới thực hiện các biện pháp như ngủ mùng, chống muỗi đốt, diệt muỗi, diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường sạch sẽ, quang đãng... mà phải thực hiện thường xuyên. Và khi nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến cơ sở y tế để được theo dõi, chăm só để có biện pháp xử lý kịp thời.
Với bệnh đầu nhỏ ở trẻ em liên quan đến virus Zika, bệnh này tác động đến phụ nữ mang thai trong khoảng thai kỳ đầu. Do vậy, phụ nữ mang thai giai đoạn này, khi nghi ngờ mắc bệnh do virus Zika cần đến các bệnh viện để khám chữa bệnh.
Đối với bệnh sốt rét, những người sinh sống hoặc từ nơi khác đến ở vùng có bệnh sốt rét lưu hành như ở Tây nguyên, Nam bộ... bên cạnh các biện pháp phòng trừ muỗi tương tự như với dịch bệnh sốt xuất huyết, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để được xét nghiệm máu phát hiện ký sinh trùng sốt rét và sử dụng thuốc điều trị bệnh phù hợp.
Cùng với mọi người mọi nhà thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh do muỗi gây ra thì chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền thường xuyên, tăng cường kiểm tra, giám sát, huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia phòng chống dịch bệnh. Có như vậy thì mới phòng tránh được những dịch bệnh do muỗi gây ra.