Video Player

Triệu chứng và cách điều trị viêm nha chu

(VOH) - Bạn hoặc con nhỏ đang gặp vấn đề về viêm nướu và viêm nha chu? Nghe ngay chia sẻ về cách chăm sóc răng miệng và điều trị viêm nha chu từ TS.BS Lê Văn Nhân.(15/11/2015)

Thầy thuốc của bạn - 15/11/2015

(VOH) - Bạn hoặc con nhỏ đang gặp vấn đề về viêm nướu và viêm nha chu? Nghe ngay chia sẻ về cách chăm sóc răng miệng và điều trị viêm nha chu từ TS.BS Lê Văn Nhân.

Đối với người VN chúng ta, hiện nay, tình trạng răng miệng với những vấn đề sức khỏe đang có những vấn đề khá là phổ biến, và viêm nướu là một bệnh khá thường gặp. Thật ra viêm nướu cũng khống phải là một vấn đề quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị trong một thời gian dài, thì có thể ảnh hưởng về những bệnh về nướu, về nha chu, và nghiêm trọng nhất là tình trạng viêm nha chu, bởi vì nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe về răng miệng nói chung, cũng như là những vấn đề sức khỏe khác.

Trong chương trình ngày hôm nay, tiến sĩ bác sĩ Lê Văn Nhân sẽ có những thông tin, giúp chúng ta hiểu yếu tố và nguy cơ của viêm nướu, viêm nha chu như thế nào, dấu hiệu về tình trạng làm sao, hậu quả của nó đối với vấn đề sức khỏe răng miệng và vấn đề điều trị đối với viêm nướu viêm nha chu như thế nào. Một câu hỏi quan trọng nữa là làm thế nào để phòng ngừa viêm nướu, viêm nha chu nữa.

Hôm nay chúng ta đề cập tới vấn đề: các tổ chức liên quan đến răng.

Chúng ta biết rằng, một cái răng lành mạnh không thể đi một mình được. Trong một khoang miệng, răng được gắn kết với xương hàm bởi một số thành phần liên quan đến nó, ví dụ: xương ổ răng, dây chằng quanh răng và nướu răng. Vậy, một cái răng lành mạnh có nghĩa là các bộ phận đi kèm với nó cũng phải tốt: nướu răng thật khỏe, dây chằng chắc và xương ổ răng là bộ phận hỗ trợ cho răng. Nướu ôm chầm lấy răng để che chở các mô nhạy cảm ở dưới răng và ngăn ngừa không cho vi khuẩn xâm nhập vào răng, và làm hại cho răng chúng ta. Vậy, nướu và dây chằng tốt là nền tảng cho răng chúng ta tốt, chắc, khỏe và đẹp. Cho nên, vì một vấn đề nào đó làm tổn thương các bộ phận quanh răng, sẽ dẫn tới một vấn đề, đó là viêm nướu và dần dần dẫn đến vấn đề nha chu.

Có thể nói, bệnh nha chu là bệnh khá phổ biến ở vùng răng miệng, gặp phổ biến ở trung niên, người già, và là một trong những nguyên nhân của tình trạng mất răng ở người lớn.

Nha chu có thể gọi là bệnh mủ chân răng, bệnh ung xỉ hoặc bệnh xỉ mủ. Nguyên nhân chính của nó là do chúng ta vệ sinh răng miệng kém, từ đó tạo điều kiện để các mảng thức ăn bám dọc theo cổ răng, khe răng. Và vi khuẩn sẽ tích tụ trong các mảng thức ăn đó, sau đó sẽ tiết ra các độc tố làm tổn hại đến răng và mô xung quanh răng là nướu răng, thậm chí nó sẽ làm chung ta sưng đỏ khó chịu và gây nên bệnh viêm nướu. Và dần dần, nếu bệnh viêm nướu không được điều trị một cách triệt để thì bệnh sẽ ngày càng nặng hơn, và chuyển sang giai đoạn gọi là viêm nha chu.

Và bệnh sẽ tiến triển rất nhanh, nếu trong một trường hợp nào đó chúng ta có bệnh lý toàn thân, ví dụ như bệnh rối loạn chuyển hóa, đái thái đường và một số bệnh nhiễm trùng khác, và có thể gặp ở phụ nữ có thai…

● Các bệnh viêm nướu, nha chu thường có những triệu chứng gì?

- Hay chảy máu nướu khi đánh răng
- Nướu sưng đỏ, dễ chảy máu
- Vôi răng đóng ở cổ răng
- Hơi thở hôi
- Có mủ chảy khi ấn tay vào nướu bị sưng
- Thậm chí chỉ có cảm giác không bình thường khi nhai
- Có thể răng lung lay, di chuyển, thưa ra.

Từ các nguyên nhân đó, có thể kết luận là: chúng ta đang bị viêm nướu, hoặc nặng hơn là viêm nha chu.

● Các bệnh về viêm nướu, viêm nha chu diễn biến như thế nào?

Thông thường, người ta nhận thấy các vấn đề liên quan đến viêm nướu, nha chu diễn biến rất từ từ, và thầm lặng. Tất nhiên, có một số trường hợp diễn biến nhanh, VD bệnh nhân có rối loạn chuyển hóa, bệnh nhiễm trùng hoặc sức đề kháng, sức miễn dịch của bệnh nhân giảm. Nhưng đa số là thầm lặng và người bệnh không chú ý và bỏ qua, hoặc thấy nướu sưng to đã xẹp lại thì nghĩ là mình hết bệnh, nhưng thật ra nó ủ một giai đoạn, và thậm chí thầm lặng, lây lan sang những cái răng khác, làm tổn thương nhiều răng hơn.

Nếu bệnh nhân không điều trị gì cả, các tổ chức quanh răng, nâng đỡ răng, dây chằng dần dần bị phá hủy và làm tiêu các tổ chức xung quanh, tiêu xương ổ răng. Răng bệnh nhân sẽ lung lay, cuối cùng bệnh nhân sẽ mất răng. Mặc dù thấy răng còn nguyên, không bị sâu nhưng lại bị rớt ra hoặc tổn thương nặng hơn. Từ đó bệnh nhân sẽ thấy không an toàn, thiếu tự tin trong quá trình ăn uống, giao tiếp, thậm chí không muốn giao tiếp với người khác. Hoặc dẫn tới một số vấn đề khác như: bị đau khớp thái dương-hàm dẫn tới uống nước khó, nuốt khó, nói khó và một thời gian dài có thể liên quan tới các bệnh đau dạ dày do ăn uống không tốt. Trong trường hợp này, bệnh nhân chắc chắn phải điều trị.

● Dự phòng và điều trị như thế nào ?

Điều đầu tiên, xin khuyến cáo rằng nếu chúng ta thấy có những triệu chứng đã nêu ở phần đầu, hoặc có bất kì trục trặc gì liên quan đến răng miệng, hoặc là khi soi gương thấy có những điểm bất thường thì ngay lập tức chúng ta phải đến các bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt như bệnh viện răng hàm mặt ở đường Trần Hưng Đạo TPHCM, các khoa răng hàm mặt của bệnh viện đa khoa hoặc bệnh viện quận huyện để được khám và xem xét vấn đề ở mức độ nào và tiến hành điều trị một cách tích cực .

● Vậy phòng ngừa như thế nào ?

Việc phòng ngừa liên quan đến việc vệ sinh răng miệng mà nó là một lĩnh vực rất lớn, liên quan từ chế độ dinh dưỡng đến các yếu tố ngoại lai bên ngoài, đến chuyện vệ sinh răng.

Vậy đầu tiên, phải chú ý rằng, cần phải thường xuyên khám răng định kỳ tại các phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt, và thông thường từ 3 đến 6 tháng khám răng 1 lần để biết tình trạng răng miệng của chúng ta.

Thứ hai, vệ sinh răng miệng bằng cách chải răng đúng phương pháp. Một ngày có thể chải răng từ 2 lần đến 3 hoặc 4 lần. Tức là ngay sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Và tất nhiên là phải lựa chọn những bàn chải phù hợp: bàn chải mềm, tốt, có thể đi vào những khe kẽ giữa các răng với nhau, hoặc là giữa nướu răng với răng. Cách chải răng cũng phải đúng. Và chúng ta nên chọn các sản phẩm liên quan có Flo hoặc Canxi, ví dụ: kem đánh răng, chỉ tơ nha khoa. Ngoài ra cần tránh các yếu tố có hại cho răng như hút thuốc lá…

Về mặt dinh dưỡng, ngoài việc sử dụng các loại dinh dưỡng cân đối, cần dung thêm các sản phẩm dinh dưỡng nào đó mà trong thành phần của nó bổ sung cho răng, tốt cho răng , ví dụ sản phẩm có thêm canxi…

Và tất nhiên chúng ta phải chú ý, đặc biệt là trẻ con hay người già, cần tránh dùng những sản phẩm mà bám chắc vào răng, có mức độ dính cao, quá dẻo hay nhiều bột, chất đường sẽ làm tổn hại răng và tổ chức xung quanh răng .

Ngoài ra còn có thể sức dụng các kháng thể tiêu diệt các chất do vi khuẩn gây viêm nướu tạo ra. Khi nghiên cứu, người ta nhận thấy, có một loại vi khuẩn tổn hại về nướu là vi khuẩn tạo men làm tổn thương nướu. Khi dùng kháng thể, đi vào miệng sẽ kết hợp với men, làm giảm tác hại của các men này, từ đó làm giảm các vấn đề về viêm nướu.

Vậy, nếu chúng ta phương pháp dự phòng thường xuyên, kiên nhẫn để đảm bảo sức khỏe răng miệng tốt, thì đã góp phần vào việc giúp cho sức khỏe ngày càng tốt hơn, và tránh được các vấn đề liên quan vùng răng miệng, và vấn đề liên quan đến bệnh lý về viêm nướu, nha chu và bệnh lý liên quan đến sâu răng.


 

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC

Câu hỏi 1: Thưa bác sĩ, em có một bé gái 2 tuổi rưỡi răng đã phát triển nhiều, nhưng bé không chịu đánh răng. Trên răng của bé, bắt đầu ở chân răng, có các vết ố. Thì không biết làm sao để bảo vệ răng của bé được?

TS. BS Lê Văn Nhân giải đáp: Thực tế thì vấn đề của bạn vừa nêu thì rất nhiều vị phụ huynh có con còn bé, tức là trong lứa tuổi mầm non, thì rất đau đầu. Vì trong trường hợp này, bé bắt đầu có răng sữa, và nếu chúng ta chăm sóc răng sữa cho tốt, thì nó là điều kiện làm răng vĩnh viễn sau này phát triển đúng chuẩn, đẹp và đều.

Vậy việc làm sao tạo cho bé thói quen đánh răng? Đầu tiên, về trường hợp con của bạn, bé mới 2 tuổi rưỡi và không chịu đánh răng, chân răng có các vết ố rồi. Thực chất các vết ố, một số vết ố lấm tấm ở răng các bé, có thể nói rằng đó là mầm mống của sâu răng rồi. Tức là chỗ đó, phần men răng đã bị tổn thương. Lúc đó các yếu tố bên ngoài, sự phát triển của vi khuẩn sẽ làm đổi màu vùng đấy và tạo ra các mảng bám.

Trong trường hợp này, thứ nhất bạn nên đưa bé đến các phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt. Tại đây, các bác sĩ sẽ xem xét và có ý kiến khuyên bạn về: điều trị các vấn đề đó như thế nào, chuẩn bị cho bé ra sao.

Còn làm sao để bảo vệ răng của bé, ngoài các biện pháp đã nêu như 3 đến 6 tháng mang bé đi khám răng một lần, cho bé dung các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm thực phẩm không quá ngọt như bánh, kẹo. Tránh dung các sản phẩm có độ dính, độ dai sẽ làm tang độ bám. Và cái quan trọng là vệ sinh răng miệng.

Thực tế, bạn nêu ra vấn đề là bé không chịu làm vệ sinh. Trong trường hợp này, thứ nhất bạn nên tập cho bé làm vệ sinh bằng cách là vệ sinh giúp bé. Sau mỗi bữa ăn, có thể quấn một cái khăn mỏng vào ngón tay mình, và tập cho bé động tác chà răng bằng các miếng gạc hoặc gòn quấn xung quanh ngón tay. Rồi kêu bé tự làm. Và nếu bé đã quen với động tác này, thì chuyển qua dùng bàn chải và kem đánh răng cho bé để cho bé cảm giác việc này không đau.

Và tất nhiên phải lựa bàn chải và kem đánh răng phù hợp với kích cỡ và lứa tuổi của bé. Tức là bé còn nhỏ, miệng bé như thế nào thì mua bàn chải kích cỡ như vậy, lông bàn chải phải thật mềm. Còn kem đánh răng thì dùng các kem đánh răng cho trẻ con như: có màu sắc, mùi thơm, vị hơi ngọt ngọt. Bé sẽ cảm thấy an tâm hơn, thấy không đau, màu sắc hấp dẫn, mùi vị thơm tho…và bé sẽ hợp tác với mình từng bước từng bước như vậy. Đây là những cách áp dụng để các bé hợp tác với chúng ta.

Câu hỏi 2: Cho em hỏi là, em bị viêm lợi, hay tái phát. Em có nghe quảng cáo về sản phẩm viêm ngậm từ kháng thể lòng đỏ trứng gà. Không biết em có sử dụng viên đó được không ạ?

TS. BS Lê Văn Nhân giải đáp: Đầu tiên, xin thông cảm với chị bởi thực tế các vấn đề viêm lợi, viêm nha chu hầu như ai cũng bị trong đời. Và trường hợp tái đi tái lại người ta gọi là viêm lợi tái phát.

Thực chất, khi để phòng ngừa những vấn đề viêm lợi thế này, những biện pháp đơn giản hàng ngày, chúng ta vẫn phải chú ý. Đó là khám răng định kỳ 3 đến 6 tháng 1 lần, rồi chú ý về mặt dinh dưỡng, tránh các sản phẩm tổn hại cho răng.

Chú ý đến vấn đề vệ sinh răng miệng mỗi ngày. Ví dụ dùng bàn chải, kem đánh răng có flo, dùng chỉ tơ nha khoa có flour để vệ sinh răng miệng, vệ sinh các vùng kẻ răng, giữa vùng nướu răng với răng. Để loại trừ vi khuẩn làm tổn hại răng, loại trừ đi các mảng bám, các loại men do vi khuẩn tiết ra và ảnh hưởng đến vùng viêm, nướu của răng.

Ngoài ra còn có biện pháp nữa là dùng viên ngậm kháng thể lòng đỏ trứng gà. Đây là loại mà trong đó người ta tạo ra loại kháng thể trong quá trình tác động vào lòng đỏ trứng gà. Nó có 2 nhóm: 1 nhóm tác động lên vi khuẩn gây sâu răng, và 1 nhóm tác động lên vi khuẩn gây viêm nướu. Khi kháng thể này vào gặp vi khuẩn sẽ làm mất tác dụng của cái men do vi khuẩn này tiết ra. Chính các men này khi giảm số lượng, hàm lượng, thì việc làm tác hại để nướu răng cũng sẽ giảm theo. Vậy trong trường hợp này, chị vẫn có thể dùng sản phẩm này được

Câu hỏi 3: Tôi có đứa cháu nội, năm nay 3 tuổi rưỡi. Răng hàm trên của nó mòn hết. Vậy bây giờ phải nhổ hay làm sao?

TS. BS Lê Văn Nhân giải đáp: Thực tế các bé ở lứa tuổi mầm non, nếu không chăm sóc các bé tốt, không hướng dẫn các bé, để các bé muốn ăn gì thì ăn. Thậm chí trong quá trình răng bị tổn thương, sâu răng cũng không quan tâm. Thì ta đã góp phần cho việc tổn thương răng sữa các bé. Và nó sẽ ảnh hưởng đến các răng vĩnh viễn sau này của bé.

Trong trường hợp này, điều đầu tiên, tốt nhất là chị mang cháu đến phòng khám răng hàm mặt vì chắc chắn hàm răng của bé đã bị tổn thương. Và về mức độ tổn thương thì phải khám để đánh giá chính xác về răng cũng như nướu của bé. Tiếp theo sau đó, phải chú ý đến sức khỏe răng miệng của các bé bằng cách: thứ nhất là dạy cho các bé vệ sinh răng miệng từ bây giờ.

Đó là biết cách đánh răng, sử dụng kem đánh răng, chỉ các bé cách vệ sinh răng miệng một cách thông thường. Thứ hai là chú ý đến vấn đề ăn uống của bé, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm có chất đường, có độ dai, đô dính, tạo các mảng bám trên răng. Đó là cái chúng ta có thể làm được đối với các thành viên trong gia đình trong việc bảo vệ răng miệng, bảo vệ răng sữa được tốt.

Câu hỏi 4: Con của em 12 tuổi, cháu đang làm niềng răng. Cháu vẫn đang đi học, và vấn đề vệ sinh răng miệng của cháu không được tốt. Em có thể dùng viên ngậm phòng ngừa sâu răng và nha chu cho cháu được không ạ?

TS. BS Lê Văn Nhân giải đáp: Điều đầu tiên, xin chia sẻ với anh, thực tế trong một số trường hợp, kể cả các bé hay người lớn. Khi có hàm răng không được đẹp, lệch lạc, ngã tới ngã lui, các ông bố bà mẹ sẽ lo cho hàm răng của con mình và đến các chuyên khoa răng hàm mặt để niềng răng. Mục đích niềng răng là chỉnh lại cho thẳng nhưng rất tốn thời gian 1 năm hoặc 2,3 năm và gây bất lợi tạo điều kiện cho thức ăn bám vào các nơi niềng, vệ sinh rất khó. Và bác sĩ sẽ hướng dẫn sử dụng bàn chải đánh răng rất chuyên dụng cho người niềng răng, hướng dẫn sử dụng chỉ tơ nha khoa, và sử dụng các sản phẩm bổ sung như nước súc miệng.

Một trong những thứ mà bây giờ chúng ta có thể tạo điều kiện cho các bé sử dụng tốt cũng như những người niềng răng nói chung thì có thể sử dụng viên ngậm cũng được. Các loại viên ngậm này khi ngậm trong miệng, sẽ tan ra và giải phóng, tác động các loại vi khuẩn trong miệng như vi khuẩn gây sâu răng, gây viêm lợi. Như vậy nó hỗ trợ chúng ta vệ sinh răng miệng, tránh các vấn đề viêm nướu…

 

VOH

Bình luận

  • Tran cam thu 15:00, 24/03/2019
    Em bị viêm nha chu hiện tại đang bị nhức cách khoảng vài phút là nhức 1 lần uống thuốc chỉ tạm thời giảm cơn đau mà em đang có thai không biết làm sao cho hết nhức mong bác sĩ giải đáp dùm em.

Đọc Báo mới