Thầy thuốc của bạn 26/06/2016
(VOH) - Việt Nam có khoảng 200.000 người đột quỵ mỗi năm. Căn bệnh này đứng thứ ba về nguyên nhân gây tử vong và thứ nhất về nguyên nhân gây tàn tật. Có hai dạng đột quỵ là nhồi máu não chiếm 85% và xuất huyết não chiếm 15%.
VOH : Những dấu hiệu đặc trưng của tình trạng đột quỵ não là gì?
Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng : Có ba triệu chứng phổ biến nhất.
Đầu tiên là khuôn mặt và miệng bị méo. Điều này sẽ thấy rõ khi nói và đặc biệt khi cười.
Thứ hai là yếu liệt ở một bên tay, chân. Tay cầm nắm không chắc và khi đứng thường không vững.
Thứ ba là giọng không tốt, không nói được hay thậm chí không nghe được người khác nói.
Khi xảy ra một hoặc cả ba triệu chứng trên một người khỏe mạnh thì đó là dấu hiệu của đột quỵ và phải xử lý ngay.
VOH : Đâu là dấu hiệu nhận diện và phương pháp điều trị trường hợp nhồi máu não?
Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng : Triệu chứng của xuất huyết não thường nhanh và nhiều hơn nhồi máu não. Nhưng để phân biệt nhồi máu não và xuất huyết não cần có nhận định chuyên môn thông qua ảnh chụp khi xét nghiệm.
Nhồi máu xảy ra khi mạch máu bị tắc nghẽn và máu không lên được não làm cho một phần não bị tổn thương.
Như vậy, trong những giờ đầu tiên phải thông được mạch máu để não không hư hại. Sau đó, bệnh nhân cần đến bệnh viện để điều trị ngăn ngừa não sưng phù và gây ảnh hưởng đến những cơ quan, chức năng khác. Ngoài ra, chúng ta cần phục hồi chức năng cho bệnh nhân.
Quan trọng là ngừa không cho bệnh tái phát.
VOH : Phương pháp điều trị xuất huyết não có gì khác hơn so với nhồi máu não?
Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng : Xuất huyết não là khi mạch máu bị vỡ khiến máu tràn ra và chảy trong não. Lúc này, máusẽ gây hại, đè ép khiến não sưng phù nề. Điều trị xuất huyết não không có sự tiến bộ vượt bậc như nhồi máu não.
Do đó, chúng ta cần tập trung chống sưng phù não và điều chỉnh huyết áp để không ảnh hưởng đến não đồng thời chống biến chứng.
Trong một vài trường hợp bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật để làm giảm khối máu chảy trong não. Cuối cùng, chúng ta phải tiếp tục điều trị và phòng ngừa những nguyên nhân gây đột quỵ.
VOH : Tình trạng đột quỵ gây ra hậu quả thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng : Đột quỵ sẽ làm hư hại não tùy vào mức độ mà hậu quả sẽ khác nhau. Nghiêm trọng nhất là người bệnh có thể tự vong. Tỷ lệ này chiếm khoảng 10%.
Những người còn sống sẽ có nhiều di chứng khác nhau chủ yếu là di chứng liên quan đến vận động như bị yếu liệt các cơ quan. Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể nằm liệt giường hoặc ở trong trạng thái thực vật.
VOH : Đột quỵ lần sau biến chứng thường nặng hơn lần trước. Bác sĩ giải thích về điều này như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng : Sau lần đột quỵ đầu tiên, nhiều người chưa hồi phục hoàn toàn và não vẫn tổn thương. Như vậy, khi bị thêm lần nữa, triệu chứng cộng dồn với lần trước và sẽ nặng hơn rất nhiều. Do đó, người đã từng bị đột quỵ có nguy cơ tái phát cao hơn nhiều so với người chưa bị bao giờ.
VOH : Những biện pháp phòng ngừa đột quỵ?
Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng : Những người bị các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim phải điều trị liên tục để tránh dẫn đến đột quỵ. Giảm ăn mặn và đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ.
Tăng cường rau xanh trong chế độ ăn kết hợp rèn luyện sức khỏe để tránh béo phì. Với người từng đột quỵ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị nguyên nhân gây bệnh. Có thể là do mạch máu bị hẹp hay tim bị rối loạn.
VOH: Những biện pháp tập luyện vật lý trị liệu dành cho người từng bị đột quỵ?
Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng : Biện pháp chung là lặp đi lặp lại những động tác chúng ta còn yếu. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp mà chuyên gia vật lý trị liệu sẽ đưa ra những bài tập cụ thể.
Với người ở giai đoạn đầu thì nên tập với các chuyên gia. Còn trong giai đoạn sau, khi đã hồi phục phần nào thì có thể tự tập.
Quá trình tiến triển hồi phục diễn ra từ từ, nhanh nhất trong những tháng đầu tiên. Đặc biệt, nếu cấp cứu kịp thời thì sự hồi phục sẽ nhanh nhất trong những giờ đầu, càng về sau, người bệnh vẫn phục hồi dần nhưng chậm hơn.
VOH: Bác sĩ đưa ra lời khuyên khi có tình trạng đột quỵ xảy ?
Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng : Với đột quỵ thì thời gian là vàng, thời gian là não. Mất thời gian là mất não vì trong một phút hàng triệu tế bào thần kinh sẽ bị tổn thương và không thể cứu chữa.
Do đó, khi có dấu hiệu đột quỵ thì ngay lập tức phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời. Người bệnh có thể cứu được tốt trong vòng 3 giờ đầu tiên và hiện nay có những phương pháp giúp điều trị trong 6 giờ.
Sau 6 giờ đầu, chúng ta có thể dùng biện pháp khác nhưng hiệu quả không bằng những biện pháp đầu tiên.
VOH: Tại TP HCM có những đơn vị đột quỵ nào có thể liên hệ khi thấy có dấu hiệu đột qụy?
Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng : Điển hình như bệnh viện Đại học Y dược với các biện pháp cấp cứu từ dùng thuốc chích đường tĩnh mạch cho đến dùng dụng cụ hút huyết khối giúp thông mạch máu. Bên cạnh đó còn có bệnh viện 115 là trung tâm lớn về đột quỵ.
Ngoài ra, có các bệnh viện khác như bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viện An Bình, bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Thủ Đức.
Những vùng lân cận có bệnh viện Tiền Giang, bệnh viện Đồng Nai. Nhưng những nơi này chỉ thực hiện cấp cứu ban đầu sau đó sẽ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.
Thính giả VOH: Sau khi bị đột quỵ, tay chân thường xuyên bị múa giật không kiểm soát. Bác sĩ chỉ cho tôi cách khắc phục tình trạng này?
Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng : Đó là một triệu chứng ít gặp khi đột quỵ. Triệu chứng này nhiều hay ít tùy thuộc vào việc não bị tổn thương nhiều hay không.
Trước mắt, để hồi phục, bác sĩ sẽ dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng. Do đó, nếu thuốc không giúp tình trạng bệnh khởi sắc thì nên quay lại bệnh viện để bác sĩ tái khám và điều chỉnh liều thuốc.
Thông thường bác sĩ sẽ không dùng liều mạnh ngay từ đầu mà phải theo dõi tác dụng của thuốc và phản ứng phụ mà bệnh nhân gặp phải để có điều chỉnh thích hợp.
Thính giả VOH: Vì sao độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa và có dấu hiệu nào để những người trên 30 tuổi nhận biết được bản thân có bị đột quỵ hay không?
Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng : Nguyên nhân khiến người trẻ đột quỵ tương đối giống với người lớn tuổi như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, xơ vữa động mạch hay béo phì.
Để phòng ngừa, chúng ta phải tầm soát những nguyên nhân bằng cách khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, có những nguyên nhân riêng ở người trẻ như có dị dạng bất thường trong trong não hoặc mạch mãu não; hay có yếu tố đông máu trong người.
Căng thẳng trong cuộc sống do công việc cũng là nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ.
Để giảm những yếu tố này chúng ta cần cân bằng cuộc sống. Đồng thời phải khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng sức khỏe, tránh cho những dấu hiệu mệt mỏi xuất hiện thường xuyên.