15 công trình y tế tiêu biểu - Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam 14/2/2023

Sơ lược 15 công trình y tế tiêu biểu của Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam lần 3 - năm 2022 và cách thức bình chọn.

Sự kiện: Thành tựu Y khoa

15 công trình y tế tiêu biểu của Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam lần 3 - năm 2022 (xếp theo thứ tự ABC).

1. ACOCU - Mô hình chăm sóc người bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại cộng đồng (Liên Chi hội Hen - Miễn dịch lâm sàng)

ACOCU là mạng lưới các đơn vị chăm sóc người bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại cộng đồng, giúp người bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tiếp cận điều trị ngay tại tuyến y tế cơ sở, giảm áp lực về lượt khám, độ nguy kịch của bệnh do đợt cấp gây ra cho tuyến trên, giảm gánh nặng kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội. Đồng thời qua đó nâng cao năng lực chẩn đoán, quản lý người bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại cộng đồng.

2. Bệnh viện Nhân ái - Nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái (Bệnh viện Nhân Ái)

Đây là bệnh viện duy nhất trực thuộc TPHCM nhưng đặt tại tỉnh Bình Phước. Bệnh viện Nhân ái là nơi hội tụ của nhiều y, bác sĩ, điều dưỡng nhiều tâm huyết, yêu nghề tham gia hỗ trợ chăm sóc cho những người bệnh suy giảm miễn dịch ở giai đoạn cuối, những người bệnh nguy kịch bị người thân xa lánh, xã hội kỳ thị. Một số trường hợp đã được cứu sống và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.

3. Cấp cứu trầm cảm - Một giải pháp khẩn cấp cứu người (Trung tâm Cấp cứu 115 - Bệnh viện Tâm Thần)

Sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ người mắc bệnh trầm cảm tăng cao và gây các hậu quả nghiêm trọng như kích động, tấn công người xung quanh hay tự sát. Trên cơ sở mạng lưới cấp cứu vệ tinh của Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm đã phối hợp với Bệnh viện Tâm Thần triển khai mạng lưới cấp cứu trầm cảm nhằm cấp cứu kịp thời người bệnh có hành vi mưu toan tự sát.

4. Chăm sóc người bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường tại cộng đồng (Trung tâm Y tế quận Tân Phú)

Đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người bệnh, Trung tâm Y tế quận Tân Phú đã phối hợp với Bệnh viện quận Tân Phú và một số bệnh viện lân cận triển khai quy trình chăm sóc quản lý 2 chiều giữa trạm y tế và bệnh viện. Người bệnh đến khám đầu tiên tại trạm y tế được xét nghiệm nhanh đường huyết và đo huyết áp, nếu đường huyết hoặc huyết áp cao sẽ được giới thiệu đến bệnh viện để chẩn đoán xác định và điều trị.

Sau khi điều trị ổn định, người bệnh sẽ được chuyển từ bệnh viện về trạm y tế để quản lý, theo dõi. Tính đến nay mô hình này đã được triển khai nhân rộng tại 21 quận, huyện, thành phố Thủ Đức (trừ Quận 8).

5. Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân xã đảo Thạnh An (Đoàn Thanh niên ngành y tế - Trung tâm Y tế Cần Giờ)

Đây là lần đầu tiên Đoàn Thanh niên Ngành y tế Thành phố phối hợp Trung tâm Y tế Cần Giờ tổ chức luân phiên bác sĩ là đoàn viên Đoàn Thanh niên, đang công tác tại các bệnh viện thành phố đến xã đảo Thạnh An để trực tiếp tham gia công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên xã đảo.

Bên cạnh việc tăng cường bác sĩ, ngành Y tế Thành phố còn triển khai đồng bộ nhiều hoạt động khác hướng đến tăng cường năng lực cho y tế xã đảo như: đầu tư mới về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho trạm y tế, tổ chức. khám sức khỏe, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân… nhằm quản lý sức khỏe người dân trên xã đảo 1 cách toàn diện.

6. Đội đặc nhiệm kiểm dịch – Kịp thời đáp ứng khẩn cấp tại các ổ dịch (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố)

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cùng với cả hệ thống chính trị triển khai hàng loạt các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đã nhanh chóng thành lập đội đặc nhiệm với vai trò hỗ trợ cho chính quyền địa phương kịp thời triển khai các giải pháp nhằm khống chế dịch, không để dịch bệnh lan rộng và bùng phát.

7. Câu lạc bộ Hy vọng - Đồng hành cùng trẻ em mồ côi cha mẹ do Covid-19 (Bệnh viện Lê Văn Thịnh)

Đây là hoạt động mang tính chất thiện nguyện, thiết thực để giúp ổn định cuộc sống, nuôi dưỡng, phát triển về thể chất cũng như tinh thần cho các bé để bù đắp phần nào những tổn thất mà các bé phải gánh chịu sau đại dịch Covid-19.

Các bé mồ côi sẽ được chăm sóc sức khỏe định kỳ 01 năm 01 lần hoặc khi các bé có nhu cầu thăm khám thì có thể đến khám, điều trị miễn phí tại bệnh viện. Đặc biệt, là các em được giáo dục về các kỹ năng sống, kỹ năng sơ cấp cứu, các kiến thức cơ bản về sức khỏe giới tính…

8. Đưa công nghệ AI chẩn đoán X quang phổi về phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người dân tại xã đảo Thạnh An (Trần Đặng Minh Trí, Trần Đặng Đình Áng)

Tại xã đảo, nơi xa đất liền nhất của Thành phố, việc không thể tuyển dụng bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đã không còn quan trọng bởi vì đã có máy chụp X quang phổi được tích hợp phần mềm hỗ trợ chẩn đoán toàn diện X quang lồng ngực (Annalise CXR).

Đây là một ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp phát hiện các bất thường trên phim X quang ngay sau khi chụp, các bác sĩ và nhân viên y tế dễ dàng chẩn đoán chính xác các tổn thương, từ đó có can thiệp điều trị thích hợp. Càng ý nghĩa hơn, phần mềm này chính do các tác giải nguyên là công dân của TPHCM (Trần Đặng Minh Trí, Trần Đặng Đình Áng) tạo ra và đã được nhiều nước có nền y tế tiên tiến công nhận như Úc, Nhật…, các tác giả đã gửi tặng sản phẩm trí tuệ này đến người dân xã đảo Thạnh An như là món quà của người con Thành phố.

9. Khai báo F0 trực tuyến - Một giải pháp giảm tải cho trạm y tế trong phòng chống Covid-19 (Phòng Công nghệ Thông tin - Sở Y tế TPHCM)

Tại thời điểm số ca mắc tăng nhanh trên địa bàn Thành phố, Sở Y tế đã triển khai chuyển đổi số công tác quản lý F0 cách ly tại nhà theo hướng cung ứng dịch vụ công cấp độ 4. Người dân khi có triệu chứng nghi mắc Covid-19, thực hiện xét nghiệm nhanh tại nhà, nếu có kết quả dương tính thì đăng nhập vào địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn trên máy vi tính hoặc điện thoại thông minh để khai báo và được xác nhận là F0.

Khi đủ thời gian cách ly, người F0 thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà, nếu có kết quả âm tính thì gửi hình ảnh xét nghiệm vào “Nền tảng số quản lý Covid-19” để nhận được Giấy hoàn thành cách ly y tế tại nhà được gửi qua email đến người F0. Ứng dụng này đã giúp giảm tải cho trạm y tế trong phòng chống Covid-19 và đã mang lại sự hài lòng cho người dân bị mắc F0.

10. Trả lại giọng nói và nụ cười cho 10.000 trẻ bị sứt môi chẻ vòm (Bệnh viện Nhi Đồng 1)

Trước năm 2009, việc điều trị cho trẻ bị sứt môi chẻ vòm chỉ tập trung vào việc phẫu thuật khâu môi và vòm mà chưa chú ý tới khuôn mặt kém thẩm mỹ, giọng nói còn ngọng nghịu, khả năng nghe kém, tổng trạng ốm yếu, khả năng học tập và tiếp thu kém, tâm lý tự ti - mặc cảm cao, khả năng hòa nhập vào xã hội thấp…

Trên cơ sở đó, từ năm 2009, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã chủ động triển khai phương pháp điều trị mới nhằm mang lại cho các cháu có khuôn mặt thẩm mỹ hơn, tập cho các bé phát âm tròn vành, rõ chữ, từ đó các bé không còn mặc cảm và có thể tự tin hòa nhập với bạn bè và cộng đồng.

11. Phát hiện chùm ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới)

Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm, mới nổi trên thế giới trong thời gian gần đây và cũng có những trường hợp tử vong do bệnh đậu mùa khỉ. Trên cơ sở đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố phối hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Da liễu tổ chức tập huấn cho mạng lưới và đẩy mạnh truyền thông về bệnh đậu mùa khỉ.

Ngay khi ca bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện, đội giám sát tiếp cận và khai thác lịch sử tiếp cận và những người tiếp xúc với ca bệnh. Qua đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đã nhanh chóng phát hiện trường hợp thứ 2 tại cửa khẩu Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất ngay khi máy bay vừa hạ cánh, kịp thời xử lý, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan mầm bệnh.

12. Phát hiện sớm dịch bệnh mới nổi bằng công nghệ giải trình tự gen (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới - Oucru)

Gần đây, bệnh truyền nhiễm mới nổi xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới trong thời gian qua trên thế giới, cụ thể như Covid-19, viêm gan cấp trẻ em và đậu mùa khỉ.

Với sự phối hợp tốt và thành công trong những năm qua giữa Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực công nghệ giải trình tự gen (Oucru) đã giúp phát hiện sớm các chủng bệnh và biến chủng nguy cơ như phát hiện sớm biến chủng Omicron. Đặc biệt trong thời gian gần đây, bệnh viện cùng Oucru đã góp phần không nhỏ trong việc phát hiện sớm trường hợp đậu mùa khỉ và nhanh chóng được giám sát và khoanh vùng kịp thời, không lây lan cộng đồng.

13. Sàng lọc lao chủ động tại cộng đồng bằng chiến lược 2X (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch)

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm và nếu trong gia đình có người bị bệnh lao sẽ nguy cơ lây cho những người trong gia đình. Trên cơ sở đó chiến lược 2 X (X quang và xét nghiệm Xpert) gồm các hoạt động tầm soát chủ động cho các thành viên hộ gia đình có người mắc lao, người có triệu chứng nghi mắc lao trong cộng đồng; tăng cường tập huấn, phối hợp với mạng lưới y tế tư nhân trong phát hiện sớm các người mắc lao khi đến khám chữa bệnh; từ đó tiến hành điều trị lao tiềm ẩn cho nhóm nguy cơ.

14. Tăng cường hiệu quả điều trị tại trạm y tế qua hội chẩn từ xa (Phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế TPHCM)

Trạm y tế là cơ sở y tế gần dân nhất, tuy nhiên trong những năm qua trạm y tế chưa tạo được niềm tin cho người dân trong việc chăm sóc và điều trị một số bệnh lý thông thường.

Nhằm tạo được lòng tin về việc chăm sóc sức khỏe cho người dân tại trạm y tế, Sở Y tế đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để người dân có thể trao đổi trực tiếp với các bác sĩ của bệnh viện tuyến trên ngay tại trạm y tế.

Bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh, khai thác bệnh sử và xem qua các xét nghiệm và từ đó chẩn đoán được bệnh. Người dân đến khám cảm thấy an tâm hơn và tin tưởng bác sĩ tại trạm y tế hơn.

15. Ứng dụng Y tế trực tuyến để người dân cùng giám sát ổ dịch sốt xuất huyết tại TPHCM (Thanh tra - Sở Y tế và Khoa Ký sinh trùng, côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố)

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh trên địa bàn, ngành Y tế TPHCM đã cập nhật và bổ sung nội dung phản ánh nơi có nhiều lăng quăng, muỗi trong ứng dụng "Y tế trực tuyến".

Người dân có thể phản ánh đến Sở Y tế những địa điểm trong cộng đồng có nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết qua chụp ảnh, quay clip hoặc nhắn tin phản ánh với địa chỉ cụ thể.

Khi nhận được những phản ánh này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố sẽ xác nhận và chuyển thông tin phản ánh đến chính quyền địa phương để xử lý, trong đó có việc xử phạt hành chính theo quy định.

Từ 15 công trình khoa học do Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP đề cử, Đài VOH đã tổ chức công bố phát sóng truyền thông để công chúng tham gia bình chọn 10 Thành tựu tiêu biểu được vinh danh trong Lễ trao giải Thành tựu Y khoa Việt Nam 2022.

Từ 15 giờ ngày 8/2/2023 đến 15 giờ ngày 14/2/2023, công chúng bắt đầu tham gia bình chọn cho các Thành tựu Y khoa được đề cử qua 2 cổng thông tin bình chọn:

Cổng 1: Bình chọn qua tin nhắn tổng đài

Cú pháp : TTYK {khoảng trắng} mã số đề cử. Gửi 8136 Cước phí 1500 đồng/ tin nhắn hợp lệ

Mỗi số điện thoại được nhắn tin bình chọn cho nhiều đề cử, nhưng chỉ được nhắn tin 01 lần cho 01 đề cử.

Cổng 2: Bình chọn qua mạng xã hội Facebook

Bỏ phiếu bình chọn cho đề cử yêu thích theo các bước :

Bước 1: Truy cập đường link https://www.facebook.com/groups/ttykvn/

Bước 2: Bấm bình chọn cho đề cử yêu thích

(Mỗi tài khoản có thể bình chọn cho nhiều đề cử)

Kết quả bình chọn cuối cùng sẽ được cộng tổng số tin nhắn bình chọn và số lượt bình chọn trên mạng xã hội.

Kết quả được công bố trong Lễ trao giải vào 14 giờ ngày 23/2/2023. Theo dõi mã số bình chọn các đề cử và tin tức cập nhật tại Fanpage Thành tựu y khoa Việt Nam.

VOH

Bình luận

Đọc Báo