Video Player

Trẻ biếng ăn và cách nào khắc phục?

(VOH) - Cùng nghe bác sĩ Yến Phi chia sẻ nhiều thông tin bổ ích trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh và mới lớn không thể bỏ qua. (06/05/2016)

Kỹ năng làm cha mẹ - 06/05/2016

(VOH) - Cùng nghe bác sĩ Yến Phi chia sẻ nhiều thông tin bổ ích trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh và mới lớn không thể bỏ qua. 

Trong chương trình chúng ta sẽ được nghe bác sĩ Phi giải đáp nhiều điều về:

●        Trẻ sơ sinh chích ngừa viêm gan B nhưng không bị hành có nguy hiểm không?

●        Tư thế cho con bú như thế nào là đúng?

●        Có nên cho trẻ sơ sinh uống nước không?

●        Trẻ bị ho và sổ mũi nên làm thế nào?

●        Vì sao trẻ bị biếng ăn và cách khắc phục?

Thông tin bổ ích:

Chỉ số GI – chỉ số đường huyết

Một nguyên nhân gây bệnh tiểu đường là thường xuyên tiêu thụ thực phẩm có chỉ số GI (chỉ số đường huyết) cao. GI là viết tắt của cụm từ Glyxemic Index, là chỉ số phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết sau khi chúng ta tiêu thụ thực phẩm. Những thực phẩm như socola có chỉ số GI thấp hơn nhiều so với bột yến mạch. Điều này có nghĩa là, đối với những người bị bệnh tiểu đường hoặc đang thừa cân, béo phì, khi ăn bột yến mạch thì sẽ có chỉ số đường huyết cao hơn nhiều so với khi chúng ta ăn socola.

Tương tự, có một số thực phẩm có lượng đường huyết cao mà đôi khi chúng ta không lưu ý đến. Ví dụ như một trái bắp nướng hoặc một chén cơm trắng, một ổ bánh mì nướng, một bịch khoai tây chiên… Khi ăn chúng ta cảm thấy mùi vị của chúng rất nhạt nhưng khi những thức ăn này được dung nạp vào cơ thể, nó sẽ chuyển hóa thành lượng đường hấp thu. Đôi khi lượng đường này tương đương với một ly nước mía nguyên chất.

Đối với khoai: nếu là khoai lang luộc thì chỉ số đường huyết khá thấp (GI = 55), khoai sọ (GI = 48), khoai từ (GI = 47), khoai mì (GI = 45), trong khi đó khoai tây có chỉ số đường huyết rất cao (GI = 70). Do đó, những người thừa cân, bị bệnh béo phì hay tiểu đường nên tránh ăn khoai tây mà nên sử dụng khoai lang hoặc khoai sọ, khoai từ.

Miến có chỉ số đường huyết thấp hơn nhiều so với mì. Chính vì thế nên khi chúng ta đói bụng vào buổi tối nhưng lại không muốn tăng cân thì nên chọn ăn miến thay cho cơm hoặc mì. Danh sách những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (GI > 70) gồm có cơm trắng, cơm tấm, khoai tây chiên, dưa hấu, bí rợ, bắp nổ, bánh mì, nho khô…

Tuy nhiên, chỉ số đường huyết của thực phẩm còn tùy thuộc vào cách thức bảo quản cũng như phương pháp chế biến thực phẩm đó. Ví dụ, chỉ số GI của dưa hấu là 76, của xoài là 78, nhưng nếu chúng ta để trái cây chín lâu thì chỉ số GI sẽ tăng lên rất cao, có thể lên tới 100, 120. Khoai tây nghiền có chỉ số đường huyết cao hơn nhiều so với khoai tây nướng nguyên củ. Nước ép cam, nước ép nho cũng có chỉ số GI cao hơn so với khi chúng ta ăn cam, ăn nho trực tiếp.

Những người béo phì, hoặc những người bị bệnh tim mạch, tiểu đường, muốn giảm cân hay giảm lượng đường huyết thì chúng ta nên kết hợp linh động các thực phẩm có chỉ số GI cao và chỉ số GI thấp với nhau. Đây chính là một nguyên tắc trong dinh dưỡng hóa giải lượng đường huyết.

Một lưu ý khác về sức khỏe cũng tương đối thiết thực đối với mỗi người:

Ở thời điểm mùa nắng nóng như hiện tại, chúng ta rất hay tắm, thậm chí có người tắm những 3, 4 lần trong ngày. Nếu chúng ta theo dõi tin tức thời sự sẽ thấy đã có nhiều người tắm quá nhiều dẫn đến đột quỵ và tử vong trong lúc tắm dù tuổi đời còn rất trẻ và không có tiền sử bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên nhân là do các biến cố mạch máu tim, nhồi máu cơ tim, mạch máu não được cho là do sự thay đổi đột ngột nhiệt độ của cơ thể khi tắm gây ra sự sụt giảm nhanh chóng huyết áp. Tắm không đúng cách có thể dẫn đến cảm lạnh, tiêu hóa kém, chóng mặt, các bệnh lý phụ khoa như viêm âm đạo, nấm da, nấm tóc, tóc không bóng mượt, da khô, viêm da, mụn nhọt… Những lưu ý khi tắm vào mùa nóng:

1>    Giữ chênh lệch nhiệt độ bên trong và bên ngoài phòng tắm không được quá cao, tối ưu nên dao động trong khoảng từ 2 – 3 độ C.

2>    Dù tắm bằng hình thức nào (vòi sen, bồn tắm, tắm ngồi, tắm đứng…) thì chúng ta cũng nên hạn chết việc thay đổi thân nhiệt trung tâm cơ thể quá đột ngột bằng cách tiếp xúc dần từng bộ phận cơ thể với nước. Sau khi tắm xong nên lau khô người, mặc quần áo thoáng mát để thấm mồ hôi .

3>    Về y học, từ 11h khuya – 3h sáng là lúc sức chống đỡ của cơ thể chúng ta bị suy giảm nhiều nhất. Do vậy, nếu chúng ta tắm trong khoảng thời gian này thì khí lạnh rất dễ xâm nhập vào cơ thể gây cảm lạnh.

4>    Khi sử dụng rượu bia, chúng ta phải tránh tiếp xúc quá nhiều với nước. Chúng ta không nên bơi hoặc tắm quá lâu để không ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng.

Hỏi đáp với chuyên gia

Thính giả VOH:: Em mới sinh mổ bé gái khoảng 10 ngày, cháu được 2 kí 7. Lúc mới sinh cháu bị hạ đường huyết và bị viêm phổi nên em không thể cho cháu chích hai mũi chích ngừa đầu tiên. Hiện tại em đã xuất viện và cháu vẫn bú bình thường. Chỉ có vấn đề là cháu ngủ rất nhiều, khoảng chừng 5,6 tiếng. Em sợ cháu đói nên cứ 1,2 tiếng cho cháu bú, nhưng cứ bú sữa xong cháu lại ngủ tiếp. Nhờ bác sỹ Yến Phi tư vấn giúp làm như thế có đúng?

Bác sĩ Yến Phi: Tuy bé nhà chị sinh ra có hơi nhẹ cân một chút nhưng số cân bị thiếu chúng ta hoàn toàn có thể giúp bé phục hồi trong 6 tháng đầu tiên nên chị không phải lo lắm lắm ạ. Riêng vấn đề bất thường khiến chúng ta lo ngại nhất đó chính là bé bị viêm phổi sơ sinh khá nặng. Vì viêm phổi sơ sinh gây nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng hệ tiêu hóa và có khả năng lan rộng thành nhiễm trùng huyết – một loại nhiễm trùng nặng cần phải theo dõi nhiều.

Tuy nhiên, bé đã qua cơn nhiễm trùng và được cho xuất viện bình thường thì chị không cần lo về chuyện bé bị viêm phổi nữa. Còn về việc trẻ mới sinh ra và ngủ liên tục trong ngày là chuyện hoàn toàn bình thường. Trong thời gian từ 1 – 2 tuần sau sinh, nhiều trẻ sơ sinh cần được ngủ từ 22 – 23 tiếng đồng hồ mỗi ngày, tức là hầu như trẻ không hề thức một tí nào hết.

Tạm thời trong thời gian này chị làm như thế thì cũng tốt, nhưng không cần cứ mỗi tiếng đồng hồ là cho bú một lần, mà thường khoảng 2 – 3 tiếng, khi cháu hơi tỉnh dậy. Một đứa trẻ sinh nhẹ cân thì điều đáng lo lắng chính là tình trạng viêm phổi hít sặc. Cho nên khi con đang ngủ mà chị cho nó bú thì phải ngồi dậy bồng cháu bé với tư thế đầu cao thay vì nằm cho con bú.

Cuối cùng, về việc chị chưa thể cho cháu chích ngừa hai mũi đầu tiên thì chị hãy chủ động liên lạc với trạm y tế phường/xã, hoặc trung tâm y tế quận/huyện thì ở đó đều có chích ngừa cho cháu.

Lam_cha_me

Thính giả VOH: Cháu nhà em hiện tại gần được 2 tuổi rưỡi. Hai ngày nay cháu bị sổ mũi kèm theo ho. Em có nhỏ nước muối sinh lý cho cháu thì thấy cháu hơi nóng nhưng em không cho cháu uống kháng sinh và thấy cháu tự hết nóng. Nhưng từ 4h sáng đến bây giờ cháu đi ngoài những 4,5 lần. Mỗi lần cháu chỉ đi một ít và phân hơi nhão, có chất nhầy. Lần gần đây nhất em thấy phân của cháu có dính một xíu máu màu đỏ. Em muốn hỏi bác sỹ là cháu nhà em bị gì ạ?

Bác sĩ Yến Phi: Trước hết, những bệnh lý như cháu nhà chị thì chị không nên xin tư vấn trực tuyến như vậy. Cháu đã bệnh được 2 ngày trước thì lẽ ra chị nên đưa cháu đi khám trực tiếp bác sỹ, chứ không phải chờ cho bé tự qua khỏi và tự hào là chị không dùng kháng sinh cho con. Như vậy là rất nguy hiểm, đặc biệt trong trường hợp cháu bị viêm phổi, viêm màng não (triệu chứng cũng là hơi nóng, hơi sốt sốt) mà chị không đưa con đến bệnh viện kịp thời thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Trong trường hợp của cháu thì có thể cháu bị bệnh tiêu chảy nhiễm trùng. Hai ngày trước khi cháu bị ho và sổ mũi thì đường hô hấp có khả năng bị nhiễm trùng và khi cháu nuốt đàm xuống thì gây nhiễm trùng cả ống tiêu hóa. Chắc chắn trường hợp này của cháu là do vi trùng chứ không phải do siêu vi. Bởi vì chúng ta đã thấy những triệu chứng của tiêu chảy nhiễm trùng như tiêu phân xanh hoặc tiêu phân máu.

Chị phải mang cháu lên phòng khám ở bệnh viện để bác sỹ kê toa thuốc kháng sinh điều trị trong vòng 5 – 7 ngày cùng các loại thuốc hỗ trợ khác để làm lành đường ruột. Thời gian điều trị tối thiểu là 5 ngày. Nếu quá trình theo dõi chị thấy cháu đi ngoài nhiều thì đó là dấu hiệu cháu bị mất nước (đi tiểu ít, môi khô, khát nước dữ dội…), do đó chị cho cháu nhập viện sớm là điều cần thiết.

Thính giả VOH: Có một bé trai hiện 3 tuổi rưỡi. Vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy thì dương vật của cháu có hiện tượng căng lên. Anh muốn hỏi bác sỹ không biết điều này có biểu hiện vấn đề gì về sinh lý của đứa bé sau này không?

Bác sĩ Yến Phi: Đối với một bé chỉ mới 3 tuổi rưỡi thì rất khó để chúng ta có thể chẩn đoán chính xác được điều gì. Có một số trường hợp cháu dậy thì sớm thì sẽ có tình trạng gia tăng nội tiết tố sinh dục sớm hơn. Lúc đó, ngoài biểu hiện mà anh Linh vừa chia sẻ thì cháu sẽ có thêm một số biểu hiện khác mà chúng ta có thể khám thông qua sự thay đổi màu sắc của bìu, sự mọc lông hoặc gia tăng sắc tố ở các vùng kín trên cơ thể (nách, bộ phận sinh dục…).

Tuy nhiên, có những trường hợp khi cháu ngủ dậy vào sáng sớm, cháu sẽ buồn tiểu nên có thể tạo ra các kích thích làm to các cơ trơn ở vùng bàng quang và quanh dương vật, từ đó gây ra triệu chứng trên. Ngoài ra, chúng ta cũng nên cho cháu đi khám ở khoa nội tiết của bệnh viện Nhi để kiểm tra xem cháu có bị tình trạng tăng nội tiết tố hay không.

Thính giả VOH : Con em được 7 tháng tuổi mà cháu đổ mồ hôi ướt hết cả gối mỗi lúc tối đi ngủ. Buổi tối em thấy cháu cũng khó ngủ, cứ dậy bú mẹ những 9, 10 lần. Bé được 7 kí 5 (lúc mới sinh bé được 3 kí 4), còn về chiều cao thì em không đo được.

Bác sĩ Yến Phi: Một đứa bé 7 tháng tuổi với cân nặng 7 kí 5 thì cũng không phải là tệ. Nhưng vì chị không đo được chiều cao cho nên bác Phi không dự trù được sự cung cấp canxi, vitamin D và những chất dinh dưỡng hỗ trợ chiều cao là bao nhiêu. Bởi những triệu chứng mà chị vừa mô tả có khả năng liên quan đến tình trạng thiếu canxi và vitamin D ở trẻ.

Đa số trường hợp thiếu canxi là do chúng ta cho bé uống sữa không đủ số lượng cho nên chị hãy kiểm tra lại khẩu phần sữa trong ngày của bé xem sao. Một đứa bé từ 7 – 7 tháng tuổi rưỡi bình thường sẽ tiêu thụ khoảng 900 – 1000 ml sữa mỗi ngày.

Về phần vitamin D. Vitamin D có được chủ yếu nhờ vào phơi nắng. Buổi sáng chị hãy cho bé phơi nắng sớm chiếu trực tiếp vô da khoảng 30 phút. Ngoài ra, đối với những bé phơi nắng để bổ sung vitamin D thì chúng ta phải bổ sung đủ lượng cholesterol trong bữa ăn bằng cách cho bé ăn thêm mỡ động vật vào 2 bữa ăn trong ngày.

Có thể là một bữa chị cho vào bữa ăn một muỗng dầu, bữa còn lại thay bằng một muỗng mỡ (mỡ heo, gà, vịt, cá…). Vì ở trong sữa có đến 40 chất dinh dưỡng khác nhau nên chị không cần phải cho bé uống thêm các chất bổ sung canxi khác.

Ky_nang_lam_cha_me

Thính giả VOH: Em có một số câu hỏi muốn xin tư vấn từ bác Phi.

1>    Con em hiện nay 4 tháng 21 ngày, cháu cân nặng được 7 kí, cao 88 cm. Em muốn hỏi bác sỹ tại sao trong khoảng một tháng nay con em không hề tăng cân được một gram nào hết. Mặc dù trong tháng vừa rồi con em không bị bệnh và em vẫn cho cháu bú sữa mẹ bình thường.

2>    Em có cho cháu chích ngừa viêm gan mũi đầu tiên ở bệnh viện nhưng khi về nhà cháu không có hành cũng như không có vết sẹo ở chỗ vừa tiêm. Như thế có nguy hiểm gì không thưa bác sỹ?

3>    Khi nào mình mới ngưng cho bé bú mẹ vào ban đêm ạ?

4>    Em muốn xin tư vấn cho con gái lớn của em. Cháu năm nay đang học lớp 3. Tuy nhiên cân nặng của cháu chỉ có 26 kí và cao 1m23. Bác sỹ đánh giá như thế nào về việc phát triển như thế của con gái em ạ?

5>    Em đang cho con bú nhưng hiện tại em tăng cân nhiều quá. Bác sỹ tư vấn giúp em làm sao để em vẫn đảm bảo được sữa cho con bú mà khi mặc áo dài đi dạy nhìn em vẫn không quá khổ ạ?

Bác sĩ Yến Phi: Về những câu hỏi của chị thì bác sỹ Phi sẽ tư vấn lần lượt cho chị cụ thể như sau:

1>    Hiện tại đang vào khoảng thời gian nắng nóng cho nên trẻ con sẽ ăn uống khó khăn hơn và rất dễ bị mất nước. Chiều cao và cân nặng của con chị như vậy là tốt cho nên chị không cần phải can thiệp quá nhiều gây ảnh hưởng đến tâm lý của đứa bé.

Tuy nhiên, thông qua việc suốt cả một tháng mà bé không tăng cân thì có khả năng việc cung cấp chất dinh dưỡng bằng cách cho bé bú sữa mẹ bị hụt đi, không đủ cho sự tăng cân của bé mặc dù bé vẫn phát triển rất tốt nhờ vào giai đoạn trước đó. Bác Phi tư vấn cho mẹ như thế này: Nếu khẩu phần sữa mẹ đủ thì chị chịu khó vắt phần sữa đầu dòng đi bởi vì phần đó chứa nước rất nhiều nên khi bé bú no thì cũng chỉ toàn nước không thôi. Chị nên cho bé bú sữa ở phần cuối của dòng vì đây là phần chứa nhiều chất đạm hơn, giúp bé dễ dàng tăng cân hơn.

Thứ hai là chị đừng cho bé uống nước. Nếu chúng ta cho bé uống nước kèm theo bú sữa trong vòng 6 tháng đầu tiên thì lượng nước đó sẽ chiếm một phần đáng kể của lượng sữa do đó bé không bổ sung đủ chất cần thiết để tăng cân.

2>    Trẻ con dưới 6 tháng tuổi thì miễn dịch còn rất yếu, chủ yếu dựa vào miễn dịch của người mẹ truyền cho con trong lúc mang bầu. Vậy nên có khả năng vì miễn dịch của chị mạnh nên giúp bé vượt qua được con vi trùng luôn và không tạo thành sự miễn dịch rõ ràng nên bé không hành nhiều. Vậy nên chị không cần lo lắm nếu sau lần chích ngừa đầu tiên mà bé không có biểu hiện hành rõ ràng. Đây cũng chính là lí do các bác sỹ thường cho trẻ chích ngừa viêm gan nhiều lần thay vì chỉ chích ngừa duy nhất một mũi đầu tiên.

3>    Tùy theo từng bé khác nhau sẽ có những mốc thời gian cho bé ngưng bú mẹ khác nhau. Bình thường những trẻ trên 6, 7 tháng tuổi, khi hệ thần kinh của trẻ đã phát triển tốt, ngủ đủ giấc vào ban đêm, ngủ một mạch từ tối đến sáng thì chị không cần đánh thức bé dậy để cho bú. Nhưng vẫn có những đứa trẻ thần kinh phát triển kém hơn một chút thì phải đến 12 tháng tuổi chúng mới bỏ bú đêm.

4>    Con gái lớn của chị 8 tuổi mà cân nặng, chiều cao cỡ đó thì tuy gầy gầy nhưng cũng không sao. Tại vì những trẻ từ 7 – 15 tuổi mà không khám trực tiếp thì rất khó nói lên được điều gì. Cũng những đứa trẻ ở độ tuổi đó, nếu như trẻ dậy thì rồi thì thường chiều cao của trẻ phải lớn hơn chiều cao của con chị hiện tại thì mới đạt yêu cầu.

Nhưng nếu trẻ chưa dậy thì thì cân nặng và chiều cao như hiện tại cũng không hề có nguy cơ bệnh lý nào cả. Dù cho chưa có biểu hiện dậy thì thì bác Phi nghĩ chắc con chị cũng sắp sửa bước vô giai đoạn đầu dậy thì. Chị chỉ cần lưu ý cho bé uống đủ lượng sữa cần thiết (800 – 1000 ml) và tập thể dục thể thao đầy đủ (khoảng một tiếng đồng hồ mỗi ngày) để giúp phát triển chiều cao tối đa. Chiều cao thường phát triển trong khoảng thời gian tối đa từ 3 – 5 năm trong giai đoạn dậy thì, do đó chị nên tranh thủ bổ sung cho cháu đủ khẩu phần  sữa cần thiết trong giai đoạn này để giúp cháu phát triển hoàn thiện nhất.

5>    Có một nguyên tắc chị cần nhớ đó là: khi chúng ta cho con bú thì chúng ta tuyệt đối không được áp dụng bất cứ chế độ giảm cân nào ngoài việc luyện tập thể dục (cụ thể là chúng ta không được ăn kiêng). Chị có thể chia nhỏ bữa chính và bổ sung xen kẽ giữa các bữa chính là những bữa phụ với khẩu phần ít, hiệu quả nhất là dùng sữa (400 ml sữa đậu nành hoặc 1 chén bánh, bún…). Ngoài ra chị nên hạn chế ăn đồ bổ mà dân gian tin rằng những thực phẩm này dùng để tạo sữa như thuốc Bắc, giò heo hầm đậu đen… Thực chất chúng không hề tạo sữa cho con mà chỉ tạo mỡ cho mẹ mà thôi.

VOH online

Bình luận

  • Nguyễn Quốc Huy 15:14, 24/05/2016
    Chương trình cho em hỏi bác sỹ Phi một câu hỏi như sau: - Con trai em đc 4,5 thang cháu nặng 8kg. Thời gian hơn nữa tháng nay, vào buổi tối cháu ngủ thường trằn trọc (không đổ mồ hôi trộm) và lật khi đang ngủ dẫn đến thức giấc. Xin hỏi biểu hiện của bé như vậy đang thiếu chất gì cần bổ sung. Xin cám ơn chương trình và bác sỹ. Em xin chúc Ban biên tập sức khỏe!

Đọc Báo mới