Võ Văn Kiệt - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(VOH) - Đồng chí Võ Văn Kiệt sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở vùng châu thổ sông Cửu Long, sớm dấn thân vào con đường cách mạng từ khi còn rất trẻ.

(VOH) - Đồng chí Võ Văn Kiệt sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở vùng châu thổ sông Cửu Long, sớm dấn thân vào con đường cách mạng từ khi còn rất trẻ. Nhắc đến tên ông, người ta sẽ nghĩ ngay đến một người cộng sản trung kiên, người lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam. (Theo Những chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - NXB Văn hóa Văn nghệ).

Đặc biệt, với những cống hiến xuất sắc, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới, ông đã góp phần quan trọng đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, ổn định và vững bước trên con đường hội nhập và phát triển. Ông là Võ Văn Kiệt, cố Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam

Trải qua gần 70 năm, từ những ngày lăn lộn với phong trào cách mạng ở quê hương Vĩnh Long cho đến khi giữ cương vị cao nhất của Chính phủ, cuộc đời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh gian khổ nhưng rất đỗi oanh liệt, vẻ vang của Đảng.

Phan Văn Hòa - (tên khai sinh của ông Võ Văn Kiệt), sinh ra và lớn lên ở xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long - một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Ngay khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, đông đảo các nghĩa binh trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Vĩnh Long đã đứng lên đấu tranh kiên cường. Tiếp thu tinh thần yêu nước và truyền thống đấu tranh bất khuất của quê hương, Phan Văn Hòa đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước và hướng về cách mạng. Được các chiến sĩ cách mạng đàn anh dìu dắt, năm 1938, khi mới 16 tuổi, Phan Văn Hòa đã tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Thanh niên phản đế. Đến tháng 11/1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư chi bộ, Huyện ủy viên huyện Vũng Liêm và tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long. 

Dưới sự phân công của Đảng, ông luôn hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, lập được nhiều công lớn. Từ năm 1973 đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông được phân công giữ nhiều chức vụ quan trọng khác như: Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Ủy viên trong Đảng ủy đặc biệt của chiến dịch Hồ Chí Minh. Cùng với các đồng chí trong Đảng ủy chiến dịch, ông đã lãnh đạo quân và dân ta làm nên chiến thắng oanh liệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những năm tháng hoạt động gắn bó, đồng cam cộng khổ với nhân dân, ông luôn tỏ rõ là người có năng lực “thiên phú” về hoạt động thực tiễn, có phương pháp vận động, tuyên truyền cảm hóa, thu phục lòng người. Ông đã trở thành người lãnh đạo tin cậy đối với nhân dân, được dân hết lòng che chở. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trên bất cứ cương vị nào ông cũng tỏ rõ tinh thần kiên trung cách mạng, tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ sáng tạo và trên hết là tấm gương suốt đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng hy sinh…

 Trong thời gian đầu sau giải phóng, bên cạnh những thuận lợi cùng khí thế hồ hởi, phấn khởi sau chiến thắng lịch sử, Ủy ban Quân quản và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố phải vượt qua những khó khăn thách thức mới. Trên cương vị là Bí thư Thành ủy TPHCM, ông luôn trăn trở tìm mọi cách đưa “con thuyền thành phố” vượt qua thác ghềnh nguy hiểm.

Ông cùng Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo một cách chặt chẽ, năng động, sáng tạo trong xử lý hàng loạt vấn đề ở mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh trật tự. Ông đã dành thời gian đi sâu, đi sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của các giám đốc, thư ký công đoàn và công nhân các xí nghiệp, ý kiến của nông dân, văn nghệ sĩ, trí thức… kể cả những ý kiến khác biệt.

Các ban tham mưu về kinh tế của Thành ủy và cán bộ nghiên cứu Văn phòng Thành ủy lúc bấy giờ cho rằng hầu như mỗi ngày ông Võ Văn Kiệt đều đưa ra sáng kiến mới, ý tưởng mới mang tính đột phá, mở lối thoát để khắc phục khó khăn của mô hình kinh tế cũ. Từ hoạt động thực tiễn, ông nhận thấy kinh tế thành phố không thể tách rời với các tỉnh đồng bằng Nam bộ và miền Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây nguyên… Tách thành phố ra khỏi khu vực cả nước sẽ làm cho thành phố và khu vực yếu đi; sức của cả nước sụt giảm. Chính từ nhận thức đó, đồng chí Võ Văn Kiệt với tư cách là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo tổ chức và chủ trì những cuộc họp với bí thư các tỉnh trong vùng để bàn biện pháp tháo gỡ bế tắc trong đời sống kinh tế - xã hội. 

Hơn 15 năm là người đứng đầu Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định - TPHCM trong kháng chiến cũng như trong hòa bình, đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt đã để lại những dấu ấn rất sâu đậm trong lòng Đảng bộ và quân dân Sài Gòn - Gia Định - TPHCM bằng những cống hiến to lớn được ghi đậm trong Lịch sử Đảng bộ TP.Hồ Chí TPHCM. Thời đồng chí làm Bí thư Thành ủy đã đưa thành phố trở thành địa bàn nổi tiếng năng động, đổi mới có hiệu quả. Ông luôn là con người của thực tiễn, của hành động- hành động trên cở sở tư duy thực tiễn phù hợp quy luật, năng động sáng tạo như một bản năng vốn có.

Nói đi đôi với làm, thấy đúng và thấy có lợi cho cách mạng, cho dân, cho nước thì cương quyết làm, làm đến nơi đến chốn và chịu trách nhiệm với cấp trên, dù có trái với chủ trương lúc bấy giờ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải nhận định. Chính những chủ trương, chính sách do đồng chí Võ Văn Kiệt tổ chức nghiên cứu từ thực tiễn TPHCM, rồi đưa ra thi hành thí điểm, tiến hành tổng kết đã trở thành những bước đột phá, những căn cứ thực tiễn quan trọng góp phần hình thành tư duy và đường lối đổi mới sau này. 

Hơn nửa thế kỷ kể từ ngày đặt chân đến TPHCM và vĩnh viễn yên nghỉ nơi đây, ông mãi mãi sống trong ký ức của Đảng bộ, của các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định - TPHCM. 

Đồng chí Võ Văn Kiệt được ghi nhận, đánh giá là một trong những người đi đầu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam kể từ năm 1986, là “tổng công trình sư” nhiều dự án táo bạo của thời kỳ đổi mới. Những công trình như đường dây tải điện 500kV Bắc- Nam, các công trình thủy điện Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đami, cầu Mỹ Thuận, Nhà máy lọc dầu Dung Quất… đã ghi đậm dấu ấn của người lãnh đạo quyết đoán, tài năng Võ Văn Kiệt.

Cho đến bây giờ, người dân TPHCM vẫn quen thuộc với những từ “tháo gỡ”, “cởi trói”, “xé rào” mà người Bí thư Thành ủy khéo léo áp dụng trong những năm trước đổi mới, để đưa TPHCM trở thành trung tâm văn hóa, công nghiệp, thương mại lớn của cả nước.

Theo các nhà nghiên cứu, bước đột phá đầu tiên trong phát triển kinh tế ở TPHCM lúc bấy giờ là khâu lưu thông, phân phối hàng hóa. Lúc đó dân thì đói, tiền trong ngân sách có nhưng không thể xuống đồng bằng sông Cửu Long để thu mua lương thực. Là Bí thư Thành ủy, chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng và nhân dân thành phố, ông Võ Văn Kiệt luôn trăn trở, lo lắng cho đời sống lúc đó của hơn 3 triệu dân. Ông từng tuyên bố trước lãnh đạo các ban, ngành: “Không thể để một người dân nào của thành phố chết đói”.

Nói là làm, ông đã tập hợp cả tập thể Thành ủy và những người liên quan thành lập “tổ thu mua lúa gạo” xuống đồng bằng sông Cửu Long mua gạo theo giá thỏa thuận với nông dân. Có cán bộ từng bảo với ông: “Làm cách này thì chúng tôi làm được, nhưng nếu Trung ương biết là đi tù đó”. Ông vừa cười vừa nói: “Nếu do việc này mà anh, chị đi tù thì tôi sẽ mang cơm nuôi”. Một câu nói như một lời thề mà đến nay nhiều người thường hay nhắc lại.

Mua lúa theo giá thị trường bây giờ thật đơn giản, nhưng lúc đó là cả một sự tày đình. Cái mốc “phá giá” này đã đẩy giá lúa khắp đồng bằng sông Cửu Long lên 2,5 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá chỉ đạo (0,25 đồng/kg). Không lâu sau, mức giá đó lan ra cả nước. Sự đột phá của Công ty Lương thực TPHCM không chỉ cứu cái bao tử của 3 triệu dân thành phố mà còn cứu nông dân cả nước ra khỏi cơ chế giá nghĩa vụ quá lỗi thời, dẫn đến sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 2 khóa IV “về phân phối lưu thông”, xóa bỏ ngăn sông, cấm chợ, bãi bỏ các trạm kiểm soát trên trục giao thông, xóa bỏ chế độ thu mua và bao cấp chuyển sang cơ chế giá thị truờng.

Xuyên suốt quá trình lãnh đạo đất nước, với tầm nhìn xa, trông rộng, ông luôn đưa ra nhiều đột phá táo bạo trong nhiều lĩnh vực: ngoại thương, ngân hàng, kết cấu hạ tầng, đối ngoại… Trên trường quốc tế, ông được xem là người đại diện cho xu thế đổi mới mà báo chí nước ngoài thường giới thiệu ông qua hình ảnh nụ cười Việt Nam. Bằng những hoạt động của mình, ông đã góp phần từng bước xóa bỏ những định kiến hẹp hòi của các nước do nhiều nguyên nhân khác nhau đã từng là bức tường ngăn cách sự giao tiếp của dân tộc ta với thế giới. Bức tường đó dần dần bị đẩy lùi nhường chỗ cho niềm cảm thông, hiểu biết và hợp tác.

Trong suốt thời kỳ làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hay Thủ tướng Chính phủ, ông đã đi khắp nơi trên thế giới, từ Âu sang Á, gặp gỡ và tiếp xúc với nguyên thủ các nước, nơi nào cũng để lại những cảm tình đặc biệt. Phong cách lãnh đạo của ông luôn nhạy bén với những điểm nóng, những vấn đề trọng yếu của đất nước để có mặt kịp thời, giải quyết những bế tắc.

Với tầm nhìn xa, trông rộng, dự tính trước nhu cầu quy luật phát triển của đất nước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực. Ở đâu có ông là ở đó có không khí của đổi mới. Đối với bất kỳ quốc gia nào trên con đường phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng luôn là điều kiện tối quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Đầu tư kết cấu hạ tầng phải đi trước một bước cho đầu tư phát triển kinh tế. Tên tuổi của Võ Văn Kiệt đã gắn liền với những công trình để đời như: Thủy điện Trị An, đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam, thủy điện Thác Mơ, Hàm Thuận - ĐaMi… các công trình giao thông tầm cỡ như xa lộ Bắc Thăng Long - Nội Bài, cầu Mỹ Thuận, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, Khu công nghiệp Dung Quất, công trình thoát lũ ở Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười… Việc xây dựng những công trình trên đã gây ra biết bao tranh cãi mà điển hình là công trình đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam.

Lúc bấy giờ trong quá trình xem xét, quyết định dự án, có rất nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến xuất phát từ góc độ khoa học, có ý kiến phản đối việc xây dựng công trình… Theo các chuyên gia tính toán thì làm trung bình 400 - 500km thì mất khoảng 3,5- 4 năm, toàn tuyến dài 1.500km thì mất khoảng 10 năm. Nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời và quyết đoán của người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, công trình được chia ra thành nhiều cụm nhỏ khoảng 40 - 50km làm song song với nhau để rút ngắn thời gian hoàn thành công trình. Việc chỉ đạo kịp thời đó của ông nhanh chóng dẫn đến thành công công trình dài gần 1.500km với gần 3.437 trụ điện siêu cao áp trải dài từ Bắc vào Nam, chỉ hơn 2 năm đã nhanh chóng đi vào vận hành, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiết kiệm được công sức, tiền của lẫn thời gian của Chính phủ và nhân dân.

Trong thời gian thực hiện công trình, nhiều lần ông trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, kể cả những nơi gian khổ. Thực tế công trình đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam đã thực hiện đúng tiến độ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể nói, nếu không có những quyết định táo bạo, dám chịu trách nhiệm, đi sâu, đi sát, huy động sức mạnh tổng hợp của Thủ tướng lúc bấy giờ thì công trình không thể ra đời sớm và suôn sẻ như vậy.

Tại hội thảo “Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải đã nói về công trình đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam như một lời tri ân đối với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Đây là một công trình đã đi vào lịch sử. Một công trình được quyết định nhanh nhất, táo bạo nhất, khảo sát thiết kế, giải phóng mặt bằng, thi công nhanh nhất, hiệu quả nhất và có thể còn nhiều cái nhất nữa. Đã hơn 20 năm qua, những người tham gia công trình này có người còn người mất vì tuổi tác nhưng những người có tâm huyết với ngành điện đã và đang dạy bảo thế hệ con cháu tiếp tục những bước đi xây dựng nhiều mạch 500kV mới như đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 2 và các đường dây 500kV đồng bộ Nhà máy thủy điện Sơn La, những công trình mới như Thủy điện Sơn La, Quảng Ninh, Vĩnh Tân, Duyên Hải… góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra.

Cho đến nay những công trình mang dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mang lại hiệu quả to lớn mà ai cũng có thể nhìn thấy được. Chính những công trình thế kỷ này đã góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

VOH online

Bình luận

Đọc Báo mới