Bà Nguyễn Thị Định với các nữ đại biểu dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua miền Nam lần thứ II (tháng 9/1967). Ảnh tư liệu
Nữ tướng Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bà là út của 10 anh em trong gia đình nông dân giàu lòng yêu nước và cách mạng.
Thuở nhỏ, bà phải sống trong xã hội thực dân và phong kiến, gia đình đông con nên khó có điều kiện cắp sách đến trường như bao người khác. Bổn phận là anh, hơn nữa thương em nhiều nên anh Ba (Ba Chẩn) đã dạy bà học cho biết cái chữ tại nhà.
Tuy không học được nhiều nhưng bà rất thông minh, nhạy cảm và hiểu biết đủ điều, thích đọc nhiều truyện, đặc biệt là truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Những nhân vật, những hình ảnh, những cuộc đời trong truyện gợi cho bà có một ước mơ vươn đến cuộc sống cao đẹp, gieo trong lòng bà tình thương sâu sắc đối với tầng lớp nghèo trong xã hội và căm ghét những cảnh bất công.
Cứ mỗi ngày đem cơm, nước cho anh Ba trong tù, tận mắt chứng kiến cảnh lính Pháp tra tấn, đánh đập dã man, thân hình bầm tím, máu chảy loang trên nền xi măng thì lòng bà lại quặn đau như thắt. Lúc này, bà mới hiểu các anh bị bắt, bị đánh đập là vì làm việc cứu nước, cứu dân, chống lại Pháp, chống lại chủ điền. Từ đó, bà hiểu nhiều về nỗi nhục mất nước, người giàu ức hiếp người nghèo và cần phải chống lại chúng.
Năm 1936, vừa tròn 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia cách mạng. Hai năm sau (1938) bà được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng Sản Đông Dương. Cũng trong thời gian này, bà xây dựng gia đình với ông Nguyễn Văn Bích – Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bến Tre, được không bao lâu thì chồng bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh tại đó.
Nhận được tin chồng hy sinh, lòng căm thù của bà lại nhân gấp bội. Bất chấp con còn nhỏ, gởi lại mẹ chăm sóc, bà thoát ly gia đình tham gia họat động cách mạng tại tỉnh nhà.
Năm 1940, bà lại bị Pháp bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Ba năm tù cũng là ba năm họat động kiên cường, bất khuất của bà trong nhà tù. Năm 1943, ra tù trở về Bến Tre, bà liên lạc với tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng của tỉnh và tham gia giành chính quyền vào tháng 8/1945.
Tuy còn ít tuổi nhưng nhờ có ý chí kiên cường, lòng yêu nước mãnh liệt, lại nhiều mưu trí nên bà được Tỉnh ủy chọn làm thuyền trưởng chuyến đầu tiên vượt biển ra Bắc báo cáo với Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam bộ và xin vũ khí chi viện. Từ đó, tên tuổi của bà đỏ thắm "đường Hồ Chí Minh trên biển".
Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ - Diệm ác liệt, với luật 10/59 của Ngô Đình Diệm, địch cứ truy tìm quyết liệt, chúng còn treo giải thưởng cho ai bắt được bà. Nhưng chúng đã không làm gì được bà vì bà luôn thay hình đổi dạng, có lúc giả làm thầy tu, thương buôn, lúc làm nông dân… và luôn được sự đùm bọc của những gia đình cơ sở cách mạng, của những người mẹ, người chị để qua mắt kẻ địch.
Sự thắng lợi của phong trào Đồng Khởi Bến Tre (17/1/1960) đã trở thành biểu tượng kháng chiến kiên cường bất khuất, tiêu biểu cho phong trào cách mạng miền Nam, chuyển từ thế phòng ngự, bảo toàn lực lượng sang thế tấn công, dẫn đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng Khởi Bến Tre còn thể hiện rõ phương châm đánh địch bằng ba mũi giáp công, đặc biệt là phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của đội quân tóc dài.
Sinh thời, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã từng nói: "Một người phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre thì người đó rất xứng đáng được làm tướng và ở trong Bộ Tư lệnh đánh Mỹ". Thế là, giữa năm 1961, bà được điều động về làm việc ở Bộ Tư lệnh miền Nam cho đến cuối năm 1964 với chức danh Bí thư Đảng – Đoàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ. Năm 1965, bà được phong hàm thiếu tướng, và được giao giữ chức Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam đến năm 1975.
Bà đã được Bác Hồ xem như một vị tướng. Bác nói: "Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng miềm Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta".
Năm 1974, Bà được phong quân hàm Thiếu tướng, mặc dù là tướng, Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng miền Nam nhưng bà rất nhân ái, rộng lượng, bao dung, sống chan hòa với mọi người, luôn thể hiện đậm nét là một người đồng đội, người chị, người mẹ hiền, tận tụy chăm sóc từ cơm ăn, áo mặc cho các chiến sĩ nhất là nam giới; những nỗi đau, mất mát và sự hy sinh cao cả của nhân dân được bà cảm nhận và chia sẽ một cách tinh tế và kịp thời.
Đó là đức tính cách mạng của nữ tướng Nguyễn Thị Định đã được soi sáng nhân cách làm người cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Từ sau ngày miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, Bà Định đã giữ nhiều chức vụ trọng trách mới cùng Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo thành công việc thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhất là sự nghiệp đổi mới đất nước bà quan hệ và làm việc với nhiều nước trên thế giới. Bà nhận được nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước ta cũng như thế giới đã trao tặng.
Với 72 tuổi đời, 56 năm họat động cách mạng trung kiên, mẫu mực, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ với đức tính khiêm tốn, vị tha, nhân hậu, giản dị, dịu hiền và luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, bà Ba Định đã là người phụ nữ tiêu biểu nhất, xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu đã tặng cho phụ nữ Việt Nam "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
Để tri ân công lao đóng góp của nữ tướng Nguyễn Thị Định, ngày 30/8/1995, bà được Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Giáo sư Trần Văn Giàu nói: "Những người như chị sống làm tướng, chết thành thần".
Đền thờ bà đã được xây dựng và khánh thành vào ngày 20/12/2003 để nhân dân đến viếng và thắp hương tưởng niệm. Ngày 8/4/2007, Bộ Quốc phòng đã tặng tượng đồng chân dung nữ tướng trong trang phục áo bà ba, khăn rằn quấn cổ đặt tại đền thờ (tượng cao 1m75, nặng 1.025 kg, tác giả là trung tá Nguyễn Phước Tùng – Bảo tàng Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam).