Người thầy giáo nặng nợ “đưa đò”

(VOH) - Nhắc đến Trung tâm học tập cộng đồng phường Thạnh Lộc, quận 12 là nhắc đến một ngôi trường khá đặc biệt mà ở đó, ngày nào cũng là ngày khai giảng.

Bất kỳ thời điểm nào của năm học, Trung tâm cũng nhận học sinh, bởi học trò nơi đây đa phần đều khó khăn. Ít ai ngờ rằng ở một trung tâm nhỏ như thế, nằm khiêm tốn lẩn khuất sau một khu dân cư, lại có thể đắp xây tương lai cho hàng trăm bạn trẻ. Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng của một người thầy giáo Nguyễn Thanh Hải – “người nặng nợ đưa đò”.

Đến thăm Trung tâm học tập cộng đồng phường Thạnh Lộc, quận 12, chúng tôi có dịp được trò chuyện cùng anh Nguyễn Hồ Ngọc – một trong những học trò cũ của thầy Nguyễn Thanh Hải, hiện cũng đang công tác tại Trung tâm này. Sinh ra trong một gia đình nghèo có 4 anh chị em, cha mẹ anh Ngọc không đủ điều kiện để cho cả 4 người con học hành đàng hoàng, thế nên từ nhỏ, anh đã phải làm đủ việc để vừa mưu sinh vừa có tiền đi học. May mắn có người giới thiệu cho anh đến gặp thầy Hải, từ đó cuộc đời anh Ngọc đã mở ra một trang tươi sáng hơn.

Theo học tại Trung tâm, anh không những được thầy truyền thụ kiến thức mà còn được thầy cưu mang, cho phụ việc lặt vặt trong trường. Một thời gian sau, thấy cậu học trò hiếu học lại ngoan ngoãn, chịu khó, thầy Hải không ngại ngần để anh được dọn đến ở cùng thầy. Dưới sự chăm lo, dìu dắt của thầy Hải, anh Ngọc đã hoàn thành chương trình trung học phổ thông, không những thế, anh còn đậu Đại học và thành gia lập thất với người vợ cũng là học trò của thầy Hải. Nhớ ơn thầy, anh đã quay trở lại trung tâm để cùng chăm lo cho đàn em có hoàn cảnh khó khăn như mình ngày xưa.

Thời gian trôi qua, các học trò cũ của thầy như anh Ngọc đều đã trưởng thành, có cuộc sống và sự nghiệp riêng, nhưng người thầy giáo già vẫn ở lại với trung tâm, cặm cụi với từng trang giáo án, kiên trì với từng cô cậu học trò nhỏ. Thầy tâm niệm nghề giáo viên với mình như một cái nghiệp, vậy nên cũng không mấy ai ngạc nhiên vài ba năm trở lại đây, khi nhận thầy sức khỏe giảm sút, thầy đã dọn vào ở hẳn trong trung tâm để không mất thời gian đi lại, dành tâm sức cho nghiệp “đưa đò”.

Bao nhiêu năm trôi qua, thầy Hải vẫn sống đơn giản như thế. Không đi xe gắn máy, không điện thoại di động, bữa ăn cũng tối giản hết mức có thể. Thầy chọn cách ăn chay, hôm nào học trò mang đến mớ rau thì ăn rau, hôm nào không có thì ăn tương chao qua ngày. Trong căn phòng khách của trung tâm được ngăn đôi để làm chỗ ở cho thầy, tất cả đều sơ sài và không có vật gì giá trị. Ấy vậy mà ít ai ngờ được rằng, thầy sống tiết kiệm như thế nhưng lại có thể cho học trò mượn hàng trăm triệu đồng để có vốn làm ăn.

Anh Nguyễn Hồ Ngọc – học trò cũ của thầy xúc động nhớ lại: “Hai thầy trò nói chuyện, tôi mới nói thầy ơi, ước gì con có tiền để kinh doanh. Tôi cũng không ngờ câu trả lời của thầy là con cầm đỡ số vốn này để kinh doanh đi, lúc đầu có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Lúc đó tôi vỡ òa trong hạnh phúc, ôm thầy tôi khóc và nói: “Cha mẹ sinh con ra cũng chưa giúp được nhiều như thầy, thầy đã dạy con chữ lại còn giúp con vốn làm ăn, cái ơn này biết khi nào con trả được. Số tiền này con nhất định sẽ dùng không uổng, thầy cứ yên tâm”.”

Một điều dễ nhận thấy là các học trò của thầy Hải đều rất ngoan và lễ phép. Nhiều em xuất thân từ những đứa trẻ đường phố, đã từng có lúc vì cuộc mưu sinh mà sa ngã, thế nhưng từ khi gặp người thầy giáo ấy, các em đã hoàn toàn đổi thay về đạo đức, tính cách. Cảm nhận sâu sắc tấm lòng bao dung, nhân ái của thầy, những đứa trẻ ngỗ nghịch ngày nào đã được cảm hóa, mong muốn thành người có ích để giúp đỡ, cưu mang người cùng cảnh ngộ. Bàn tay người thầy đã gieo nên những hạt giống tốt, hứa hẹn dâng cho đời những bông hoa thơm ngát.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Hải dạy cho các học sinh lớp 1 nắn nót từng con chữ - Ảnh: TTO

Cảnh sát khu vực khu phố 3B, phường Thạnh Lộc, quận 12 Phạm Văn Măng, nhận xét: “Thầy Hải vừa là cha, là mẹ, là thầy và là bạn của các em. Trước khi vào học, thầy đều sinh hoạt về văn hóa với các em, để các em nhận thức được cái nào đúng, cái nào sai, từ đó dần dần hòa nhập được.”

Mỗi tuần một lần, các học trò của thầy Hải lại rong ruổi trên chiếc xe máy để hút đinh trên đường, góp phần giảm tai nạn do đinh tặc gây ra. Đầu tiên, các em đẩy bộ xe đi hút đinh, việc làm mang ý nghĩa thiết thực này mau chóng được người dân địa phương hưởng ứng. Họ chung tay góp sức bằng cách tặng cho các em một chiếc xe máy cũ. Vậy là từ bài học “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” học được từ thầy Hải, những cậu học trò nhỏ đã biến thành hành động đẹp vì cộng đồng. Tâm sự của em Nguyễn Hữu Toàn: “Lúc đầu thầy cũng lo tụi em gặp nguy hiểm, vì tụi em chỉ đi làm được vào buổi chiều tối. Thầy cũng khuyên tụi em đi hai người để có sự cố gì khi hút đinh thì cũng xử lý được. Thầy giúp tụi em rất nhiều về tinh thần để làm công việc này.”

Với tấm lòng giúp các học sinh nghèo có cái chữ để bước vào đời, năm 2003, sau khi về hưu, thầy Nguyễn Thanh Hải xung phong đến Trung tâm học tập cộng đồng phường Thạnh Lộc,  quận 12 tiếp tục gắn bó với nghiệp “đưa đò” nhưng không nhận thù lao. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, sau hơn 30 năm gắn bó với nghề, thầy Hải vẫn tận tụy làm tròn trách nhiệm “người cha thứ hai’, người thầy và một đảng viên.

Thầy Nguyễn Thanh Hải tâm sự: “Sức khỏe thầy đương nhiên cũng giảm sút nhưng nó không thắng được thầy, vì nguồn vui và hạnh phúc của thầy là được giáo dục những trẻ em cơ nhỡ hoặc người lớn tuổi nhưng chưa được đi học hoặc sự học dang dở. Thầy xây dựng trung tâm này như một xã hội học tập để trở thành nơi thỏa mãn nhu cầu học tập. Nhiều người nói thầy lý tưởng hóa, nhưng thực tế là cứ làm đi, như Bác nói, đi là sẽ tới.”

15 năm qua, dưới sự quản lý của thầy, Trung tâm đã xóa mù chữ, phổ cập giáo dục các cấp cho cả ngàn học sinh khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn, đào tạo nghề, hướng nghiệp cho hàng trăm em để có thể tự nuôi sống bản thân, không còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Qua nhiều năm, học trò của trung tâm đã đậu tốt nghiệp cấp 3, thi đậu cao đẳng, đại học; nhiều em có công ăn việc làm ổn định, trở thành giáo viên, hiệu trưởng, chủ tiệm sửa xe máy.

Để kết thúc phóng sự này, chúng tôi xin mượn lời chia sẻ của thầy Nguyễn Thanh Hải rằng: “Khi làm bất cứ việc gì nếu xuất phát từ trái tim, lòng yêu thương con người sẽ được ủng hộ. Đến đây, các em sẽ hiểu được những gì thầy cô trao cho, để sau này cho dù đi bất cứ đâu vẫn luôn ý thức được rằng trách nhiệm của mình là mang những kiến thức học được truyền lại cho những người không có điều kiện như mình, để trả ơn cho xã hội”.

Quỳnh Anh

Bình luận

Đọc Báo