|
Giáo sư-Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (1906-1998) |
(VOH) - Giáo sư-Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng sinh năm 1905, mất năm 1998. Không chỉ là niềm hãnh diện của đất và người An Giang mà còn là niềm tự hào của đất và người Nam bộ.
Ông là một trí thức lỗi lạc, tiêu biểu của nước nhà, cả cuộc đời ông không chỉ tận tụy với việc kháng chiến kiến quốc, việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ y tếGiáo sư. (Theo Những chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - NXB Văn hóa Văn nghệ)
Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng sinh năm 1906, quê tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.,ông nội ông là thầy dạy chữ Nho, cha ông cũng học chữ Nho và kiêm luôn một ít nghề thuốc. Lúc ông lên 5 tuổi, mẹ ông mất vì dịch tả, ông nội và bà nội lần lượt qua đời. Cha ông đi làm ăn xa, nên từ năm 10 tuổi ông đã phải sống tự lập. Ông theo học tiểu học tại Cần Thơ, trung học tại Mỹ Tho và tú tài tại Sài Gòn. Năm 1927, ông học Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Sau 4 năm ở Hà Nội, ông lại học tiếp 2 năm ở Paris và bảo vệ luận án tốt nghiệp năm 1932.
Năm 1933, ông về nước và làm việc tại Viện Pasteur Sài Gòn trong 5 năm. Do bất bình trước thái độ phân biệt đối xử của người Pháp, năm 1939, ông thôi việc và mở phòng mạch - phòng xét nghiệm đầu tiên ở Sài Gòn. Sau Cách mạng tháng 8, ông là thành viên Hội đồng Cố vấn ủy ban Nhân dân Nam Bộ, Trưởng ban Y tế và bào chế của Sở Y tế Nam Bộ. Tháng 10 năm 1945, theo lệnh Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ, ông về Mỹ Tho để tham gia công tác y tế cách mạng. Tại đây, ông đã cùng đồng nghiệp chế tạo thành công huyết thanh chống uốn ván và nhiều loại vắc xin phòng bệnh. Trong Tổng tuyển cử 6/1/1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khoá I của tỉnh Long Xuyên. Sau Hiệp định sơ bộ (6/3/1946), ông trở về Sài Gòn mở phòng mạch trở lại bình thường và tiếp tục tiếp tế thuốc men, dụng cụ y tế và cứu chữa thương binh cho chiến khu...
Năm 1947, ông trở ra khu kháng chiến, là ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ kiêm Giám đốc Sở Y tế Quân dân Nam Bộ. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 7 năm 1953.
Sau hiệp định Geneve, ông tập kết ra Bắc, lần lượt giữ các cương vị Trưởng đoàn đại biểu nhân dân Nam Bộ đi dự Hội nghị châu Á tại New Dehli (3/1955), Giám đốc Bệnh viện 303 (7/1955), Giám đốc Viện Vi trùng học (1956), Viện trưởng Viện nghiên cứu Ðông y kiêm Vụ Trưởng vụ Ðông y (1957), Chủ nhiệm Bộ môn Đông y (nay là khoa Y học cổ truyền) của Đại học Y Hà Nội. Tháng 1 năm 1957, Quốc hội khoá I đã bầu ông làm Uỷ viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội. Ông là đại biểu Quốc hội và là Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội các khoá II (1960-1964) và khóa III (1964-1971). Từ tháng 3/1969 ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế và giữ cương vị này đến tháng 4/1974.
Năm 1975 ông làm Viện trưởng Viện y học cổ truyền dân tộc TPHCM. Năm 1983 là cố vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về y học cổ truyền dân tộc.
Trong công tác quản lý, công tác nghiên cứu, ông luôn đề cao việc kết hợp Đông - Tây y làm phương pháp xây dựng nền y học của dân tộc. Ông đã chủ trì biên soạn cuốn Phương pháp Dưỡng sinh với 72 động tác cơ bản và đã được tái bản ít nhất 12 lần. Ông cũng là tác giả nhiều ý tưởng độc đáo như đề nghị Chính phủ lập bệnh viện Đông y, mở trường dạy Đông y, bào chế, nghiên cứu thuốc Nam, phương pháp trị bệnh tai biến mạch máu não bằng tập luyện, dùng thuốc Nam, thuốc Bắc và thuốc Tây, bấm huyệt... Ông đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Nhất... Năm 1996, ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I với công trình Toa căn bản, Kháng sinh thảo mộc, Phương pháp dưỡng sinh.
Những ngày giữa năm 1998, lúc còn nằm ở Bệnh viện Thống Nhất, ông đã gửi cho Quỹ từ thiện Báo Sài Gòn Giải phóng 40 triệu đồng tiền tiết kiệm của mình nhằm giúp đỡ cho sinh viên nghèo vượt khó học giỏi, cán bộ y tế tình nguyện phục vụ vùng sâu, vùng xa. Từ ý tưởng và số tiền đầu tiên đó, Báo SGGP đã xây dựng quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng để giúp những đối tượng theo ý nguyện của ông.
Lễ trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng cho sinh viên nghèo và các cán bộ y tế - Ảnh: SGGP
Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng đã dành cả đời mình cống hiến cho sự nghiệp y tế cũng như công tác chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Đến cuối đời, bác sĩ còn gợi mở và để lại một học bổng hết sức có ý nghĩa không chỉ cho bản thân người được nhận mà cả cho những người khác.
Nếu mỗi cán bộ Đảng viên, mỗi người làm công tác chuyên môn, sau khi nỗ lực cả đời vì công việc, vì xã hội, vì đất nước cũng dành những tâm nguyện và đóng góp cuối cùng để chung tay chăm sóc, vun bồi cho thế hệ trẻ thì chắc chắn đất nước sẽ có thêm nhiều tài năng mới phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nếu mỗi người cố gắng để lại một ý tưởng, một chút của cải và nhất là tâm huyết khát khao đóng góp thì chắc chắn sẽ có nhiều người khác hưởng ứng để làm cho ý tưởng đó phong phú thêm, sinh sôi thêm... tâm huyết, khát khao sẽ ngày càng cao dày thêm và hẳn là thành tựu cho xã hội, cho cộng đồng sẽ lớn lao thêm.
Đó chính là một trong những cách học tập và làm theo đạo đức Bác Hồ một cách cụ thể, thiết thực nhất.