Đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Vị tướng văn võ song toàn

(VOH) - Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, nhà lãnh đạo chính trị - quân sự tài ba, xuất chúng của cách mạng Việt Nam, có công lao to lớn trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị.

Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh sinh ngày 01/01/1914, quê làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sinh trưởng trong một gia đình nông dân, thuở  nhỏ cũng được học hành. Năm 14 tuổi, cha qua đời, gia đình nghèo, ông bỏ học, đi làm tá điền kiếm sống và nuôi gia đình.

Năm 17 tuổi, Nguyễn Vịnh đã cùng một số thanh niên tá điền chống lại bọn cường hào ở địa phương, tham gia phong trào cách mạng và được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương tháng 7/1937 và được cử làm Bí thư chi bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ Quân đội năm 1960. Ảnh tư liệu

Năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng nhiều đồng chí khác tổ chức lãnh đạo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đi đầu là thanh niên trong các cuộc đấu tranh chống địch, tích cực xây dựng và mở rộng Mặt trận dân chủ ở tỉnh nhà và phát huy ảnh hưởng tới các tỉnh bạn.

Cuối năm 1938, đồng chí bị thực dân Pháp bắt. Sau khi ra tù đồng chí tiếp tục hoạt động, ra sức gây dựng nhiều cơ sở cách mạng ở nhiều nơi trong tỉnh và cùng một số đồng chí khác thành lập Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên và được cử lại làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.

Tháng 8/1945, đồng chí được cử đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào – Tuyên Quang, khi nghe có tên Nguyễn Chí Thanh trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, Nguyễn Vịnh quay sang hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp ngồi bên cạnh: "Nguyễn Chí Thanh là ai mà nghe lạ thế!". Đồng chí Võ Nguyên Giáp mỉm cười trả lời: "Là anh chứ ai nữa, chính Bác đặt tên cho anh đấy". Nguyễn Vịnh vừa ngỡ ngàng, vừa sung sướng! Từ đây cái tên Nguyễn Chí Thanh trở thành một phần lịch sử của quân đội ta, của Cách mạng Việt Nam.

Năm 1959, đồng chí được Quốc hội và Hồ Chủ tịch phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Nói đến Nguyễn Chí Thanh là nói đến quần chúng, nói đến phong trào quần chúng. Hầu như anh sinh ra trên đời này là để sống với nhân dân. Là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương nhưng hầu như Nguyễn Chí Thanh có mặt cả tháng liền với các hợp tác xã, và từ đó sinh ra gió "Đại Phong". Hồi còn là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cũng vậy - Là Đại tướng nhưng Nguyễn Chí Thanh thường xuyên có mặt ở các đơn vị, gần gũi cán bộ, chiến sĩ và từ đó cờ "Ba Nhất" phất phới bay.

Có thể nói Nguyễn Chí Thanh ở đâu là ở đó có phong trào quần chúng. Bởi anh tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh của quần chúng. Anh thường nói, không có quần chúng thì không thể có thắng lợi của cách mạng.

Đồng chí cũng thường nói: "Cán bộ thế nào thì phong trào thế ấy", cán bộ phải lăn lộn, gắn bó với phong trào và chính anh là điển hình của một cán bộ như thế.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh từ buổi ban đầu đến khi ở những cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và quân đội, lúc nào cũng xông xáo, thâm nhập vào cuộc sống của đồng bào và chiến sĩ, lăn lộn với phong trào, tạo ra các bước phát triễn mới. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh còn là một người tiêu biểu cho tinh thần kiên quyết tấn công: “Rẽ sóng ra khơi”, “ở đâu nghèo đói gọi, xung phong; ở đâu tiền tuyến kêu, anh đến”.

Bác Hồ đã nhận xét: “Chú Thanh là người thật thà, gan góc và kiên quyết”.

VOH

Bình luận

Đọc Báo