Đồng chí Lê Đức Thọ - nhà chính trị, tham mưu chiến lược tài năng của Đảng
Đồng chí Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh 1911 tại xã Địch Lễ, Huyện Mỹ Lộc (nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Đồng chí hoạt động cách mạng từ năm 1926, tham gia bãi khóa và dự lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh.
Đồng chí Lê Đức Thọ tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam năm 1968. Ảnh tư liệu
Với lòng yêu nước thương dân và hoài bão của tuổi trẻ, đồng chí Lê Đức Thọ đã sớm dấn thân trên con đường cách mạng vinh quang và gian khổ. Được hoạt động và rèn luyện trong tổ chức cách mạng, năm 1929, khi tròn 18 tuổi, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, thuộc lớp những đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng ta.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, qua các thời kỳ, với nhiều cương vị công tác và nhiều địa bàn hoạt động khác nhau, đồng chí Lê Đức Thọ luôn tỏ rõ là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, có tài năng trên nhiều lĩnh vực: quân sự, ngoại giao, tổ chức....
Đồng chí được Bác Hồ và Trung ương giao nhiều trọng trách, nhiều lĩnh vực quan trọng của Đảng, của đất nước. Ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần lạc quan cách mạng và một dũng khí chiến đấu kiên cường, đầy nhiệt huyết.
Đồng chí đã có những đóng góp rất quan trọng và là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ yếu của cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo công tác chuẩn bị và tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đồng chí là một trong những lãnh đạo chủ chốt của cách mạng trên chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ; một nhà ngoại giao tài ba, sắc sảo; gần cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã dành nhiều thời gian, tâm sức cho công tác tổ chức xây dựng Đảng. Trong bất cứ lĩnh vực nào, đồng chí Lê Đức Thọ cũng để lại những dấu ấn nổi bật, sáng tạo và sâu sắc.
Trên cương vị người phụ trách công tác tổ chức, cán bộ của Đảng trong nhiều năm, đồng chí Lê Đức Thọ đã có những đóng góp quan trọng cho Đảng trong việc hoạch định đường lối, chính sách về tổ chức, cán bộ của Đảng qua các thời kỳ cách mạng và chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Tư tưởng, tác phong, phương pháp làm việc của đồng chí Lê Đức Thọ để lại nhiều bài học quý cho những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Cuộc đời hoạt động kiên cường, năng động, sôi nổi với tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, về tinh thần quốc tế cao cả. Đồng chí xứng đáng là “một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy - Nhà ngoại giao xuất sắc
Cuộc đời và sự nghiệp của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xuân Thủy, nhà cách mạng, nhà ngoại giao xuất sắc là tấm gương về một trí tuệ và một nhân cách lớn với những cống hiến không mệt mỏi cho Đảng, cho đất nước và dân tộc.
Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy (người đang phát biểu) - Trưởng đoàn Việt Nam đàm phán tại Paris năm 1968. Ảnh: Life
Sinh trưởng trong một gia đình nho giáo, có truyền thống yêu nước tại thôn Hòa Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội, với hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, cuộc đời và sự nghiệp của Bộ trưởng Xuân Thủy rất phong phú, đa dạng và sôi động. Trong những năm trước Cách mạng Tháng Tám, hai lần ông bị địch bắt và bị giam từ năm 1938 -1940 tại các nhà tù khét tiếng tàn ác như Phúc Yên, Sơn La, Hỏa Lò, Bắc Mê.
Dù phải chịu đủ các cực hình tra tấn dã man, nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết kiên cường của người cộng sản. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng và trở thành một cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm, có uy tín của Đảng và Nhà nước. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, ông trải qua nhiều cương vị, đảm đương những trọng trách quan trọng như: Chủ nhiệm báo Cứu Quốc, Chủ tịch MTTQ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bí thư phụ trách công tác đối ngoại, Trưởng đoàn đàm phán ở Hội nghị Paris về Việt Nam…
Ở mọi cương vị, chức trách, ông đều có sự đóng góp xứng đáng, để lại ấn tượng sâu sắc và những tình cảm tốt đẹp, đặc biệt là trên vai trò của một nhà ngoại giao, với dấu ấn tại Hội nghị Paris
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng viết về ông: “Anh là một nhà ngoại giao nổi tiếng nửa cuối thế kỷ 20. Anh là một chính khách Việt Nam, một nhà hoạt động xã hội Việt Nam có tên tuổi trên chính trường quốc tế từ những năm 50 của thế kỷ qua”.