Đồng chí Hồ Tùng Mậu

(VOH) - Cuộc đời, tên tuổi của đồng chí Hồ Tùng Mậu mãi mãi là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về ý chí phi thường, xả thân chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tinh thần, khí tiết ấy sẽ đi suốt chiều dài lịch sử của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Hồ Tùng Mậu tên thật là Hồ Bá Cự, sinh ngày 15/6/1896 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Thân sinh của ông là cụ Hồ Bá Kiện. Cụ Kiện là một chí sĩ trong phong trào Văn Thân, bị thực dân Pháp bắt giam và bắn chết trong khi vượt ngục tại Lao Bảo và hy sinh năm 1915.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Hồ Tùng Mậu gặp gỡ các đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (3/1951) - Ảnh tư liệu

Hồ Tùng Mậu từng có thời gian dạy học ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, tỉnh Nghệ An và trở thành nhà sư phạm có uy tín trong vùng. Nhà giáo Hồ Tùng Mậu sớm tiếp thu tinh thần yêu nước của người cha, rèn nghĩa khí, nung nấu tinh thần chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1919, với bí danh Hồ Tùng Mậu, đồng chí cùng các nhà yêu nước Lê Hồng Sơn, Ngô Chính Học, Nguyễn Thị Tích, Đặng Quỳnh Anh, do Đặng Xuân Thanh dẫn đường, bí mật xuất dương sang Lào, rồi sang Xiêm (Thái Lan) hoạt động.

Đến tháng 7/1920, Hồ Tùng Mậu cùng Lê Hồng Sơn, được cụ Đặng Thúc Hứa bố trí vượt biển sang Quảng Châu, Trung Quốc. Năm 1923, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong nhóm họp, lập ra Tâm Tâm xã (tức Tân Việt Thanh niên Đoàn) - một tổ chức của những thanh niên yêu nước Việt Nam mang tư tưởng phục quốc, hoạt động chính trị với mục đích giành độc lập cho Việt Nam thoát khỏi chế độ thực dân Pháp.

Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về đến Quảng Châu để chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức tiến tới thành lập đảng cách mạng ở Việt Nam. Tại Quảng Châu, Người đã sáng lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội) mà nòng cốt là Cộng sản Đoàn. Người mở lớp huấn luyện chính trị cho những thanh niên Việt Nam yêu nước sang học.

Tại Quảng Châu, lần đầu tiên Hồ Tùng Mậu được gặp Nguyễn Ái Quốc. Trước đó, đồng chí chỉ được đọc những bài báo của Nguyễn Ái Quốc viết, gửi từ Pháp về Việt Nam. Nhận thấy Hồ Tùng Mậu là một người hăng hái, có ý chí, nên Nguyễn Ái Quốc đã đào tạo, huấn luyện chính trị cho Hồ Tùng Mậu, kết nạp Hồ Tùng Mậu vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Cộng sản Đoàn.

Tháng 3-1926, để mở rộng địa bàn hoạt động, Nguyễn Ái Quốc giới thiệu Hồ Tùng Mậu gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc và làm việc tại cơ quan Chiêu đãi sở - phụ trách công tác liên lạc giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với những người cộng sản các nước(2). Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội trên cơ sở Cộng sản đoàn và mở lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên làm cách mạng. "Ban huấn luyện chính trị đặc biệt" của Hội đặt ở ngôi nhà số 13 đường Văn Minh (Quảng Châu - Trung Quốc).

Hồ Tùng Mậu là một trong những người đầu tiên tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Đây là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Chính Hồ Tùng Mậu đã tham dự các lớp huấn luyện chính trị của tổ chức này. Sau đó, Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn là những giảng viên trợ giảng cho Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1927, Hồ Tùng Mậu bị chính quyền Quốc dân Đảng bắt giam, nhưng cuối cùng không đủ chứng cứ buộc tội, ông được trả lại tự do cùng một số chiến sỹ cách mạng khác. Tháng 8/1928, Hồ Tùng Mậu lại bị Quốc dân Đảng bắt giam tới tháng 11/1929. Sau khi được thả, Hồ Tùng Mậu đến Hồng Kông gia nhập Chi bộ Hải ngoại của An Nam Cộng sản Đảng.

Cũng trong thời gian này, thực dân Pháp đã cho lập phiên tòa ở Nghệ An xử vắng mặt và kết án tử hình Hồ Tùng Mậu với tội danh vận động thành lập Đảng Cộng sản và đưa người ra nước ngoài hoạt động cách mạng. 

Đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đến Hồng Kông, tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản Việt Nam. Ngày 03/02/1930, Hồ Tùng Mậu là một trong 7 thành viên tham dự Hội nghị thành lập Đảng tại Cửu Long (Hương Cảng), do Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản chủ trì. Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn tham dự Hội nghị với tư cách là cán bộ lãnh đạo ở hải ngoại, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Khi Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Hương Cảng bắt tháng 6/1931, ông nhờ can thiệp và vận động luật sư Loseby bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc. Chính vì thế, ông bị nhà cầm quyền Hương Cảng bắt giam, nhưng vì không đủ chứng cứ buộc tội nên họ trục xuất ông khỏi Hương Cảng.

Khi ông vừa đặt chân lên đất Thượng Hải ngày 26/6/1931, thì bị mật thám Pháp bắt và giải về Việt Nam xét xử. Ông bị kết án tù chung thân. Trải qua các nhà lao Vinh, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Trà Khê,...

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được phân công giữ các chức vụ: Phụ trách trường Quân chính Nhượng Bạn (Trung Bộ), Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu IV, Ủy viên thường vụ Liên khu ủy. Năm 1947, ông làm Trưởng Ban Thanh tra Chính phủ, sau đó còn làm Hội trưởng Hội Việt Hoa hữu nghị. Tại Đại hội Đảng lần thứ II vào tháng 2/1951, ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày 23/7/1951, ông hy sinh trên đường đi vào Liên khu IV công tác, do bị máy bay Pháp bắn trúng tại Phố Còng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi được tin ông hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và tự tay viết Lời điếu viếng ông, trong đó có đoạn: "Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, đoàn thể mất một người đồng chí trung thành…”

Năm 2008, ông được truy tặng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của nhà nước Việt Nam.

Cuộc đời, tên tuổi của đồng chí Hồ Tùng Mậu mãi mãi là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về ý chí phi thường, xả thân chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tinh thần, khí tiết ấy sẽ đi suốt chiều dài lịch sử của Đảng và dân tộc Việt Nam. 

VOH Online

Bình luận

Đọc Báo