Chuyện ở trường giáo dục chuyên biệt Tương Lai

(VOH) - Đến thăm Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai, quận 1, dù đã tìm hiểu bước đầu về hoạt động của nhà trường nhưng khi đến tận nơi, chứng kiến tận mắt đã khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Các em học sinh ở đây quá đặc biệt.

Các em ở dãy lớp đầu tiên chào đón tôi là một tràng la hét, đập phá, thậm chí giật cả túi xách, máy ảnh. Cô Phạm Thị Hải Dương, giáo viên phụ trách lớp phải gồng mình giữ chặt tay để các em không gây thương tích cho chính mình và cho cả tôi. Cô còn cho biết, đó là cách các em phản xạ khi có người lạ đến gần nhưng thật sự các em rất biết nghe lời khi được cô giáo nhắc nhở.

Lớp của cô Dương phụ trách có gần 10 em, em nhỏ nhất 5 tuổi và lớn nhất 14 tuổi. Mỗi em mang một chứng bệnh, một khiếm khuyết khác nhau: có em bị bệnh down, em bị tâm thần nhẹ, tăng động, có em thì bị tự kỷ, chậm phát triển. Cuộc nói chuyện giữa tôi với cô luôn bị ngắt quãng bởi những hành vi vô thức, không thể kiểm soát của các em, có em thì cười nói huyên thuyên, có em vò đầu bứt tai, thậm chí có em thì đi vệ sinh không tự kiểm soát được… Nhưng cái hay là qua những lời nói, cử chỉ của cô, các em đã biết cùng ngồi lại với nhau chơi xếp hình, chơi đất nặn, xâu chuỗi hạt, thậm chí vẽ nữa. Tôi hỏi, sao cô không chọn ngôi trường nào khác để dạy mà lại chọn dạy ở ngôi trường là học sinh chuyên biệt? Cô Dương bộc bạch: Nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề. 

Một phần tiếp xúc thì thấy rất là thương và yêu trẻ. Em mong muốn là vẫn sẽ tiếp tục con đường mình đã chọn là dạy cho những bé này. Có thể mang những kiến thức và tâm huyết của mình để dạy cho bé, giúp trẻ hòa nhập và phát triển được. Tôi cũng mong là các em học ở trường chuyên biệt có thể hòa nhập và chơi cùng với các bé ở trường bình thường khác. Và những bé em dạy sẽ học hòa nhập được”, cô Dương chi sẻ.

Qua lời tâm sự của cô, tôi đã hiểu lý do mà cô giáo mới 23 tuổi đời lại có thể gắn bó được với ngôi trường chuyên biệt này. Rồi cô và các học trò của mình lại cùng hát “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”… Ánh mắt của cô và trò hiện lên niềm vui khó tả.

Ảnh minh họa - Nguồn: Dantri

Cô hiệu trưởng  trường cho biết  thêm, hiện trường nuôi giữ và chăm sóc hơn 70 học sinh, nhỏ nhất 3 tuổi và lớn nhất là 18 tuổi với nhiều dạng khiếm khuyết khác nhau. Các cô giáo công tác trong trường rất vất vả và chịu nhiều áp lực. Nếu như việc nuôi dạy và chăm sóc trẻ bình thường vất vả một thì các cô ở trường giáo dục chuyên biệt vất vả gấp 10 lần. Có nhiều cô bị các em lên cơn đánh đập thâm tím cả mặt mày, thậm chí có cô bị dập, bầm cả ngón tay, rồi có em còn lên cơn đập phá đồ trong lớp học, đánh bạn, chạy nhảy lung tung… suốt cả ngày nuôi giữ trẻ các cô không có chút nghỉ ngơi.

Cũng có trường hợp cô giáo trẻ mới về công tác ở trường đã phải khóc sướt mướt vì không thể chịu nổi phải xin chuyển công tác đi nơi khác. Nhưng cũng rất mừng là nhà trường cũng có nhiều cô gắn bó với nghề đến gần 30 năm và dành hết tình yêu thương của mình để chia sẻ, bù đắp cho sự khiếm khuyết của các em.

Điển hình như cô Phan Thị Hương Xuân, không chỉ gắn bó từng ấy năm với nghề mà cô còn có nhiều sáng kiến hay để nuôi dạy, chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ như: tham quan môi trường xung quanh, dạy kỹ năng sống… nhằm giúp trẻ mạnh dạn hơn trong giao tiếp, sớm hòa nhập với cộng đồng.

Khi được hỏi động lực nào để cô có thể gắn bó từng ấy năm với nghề dạy trẻ chuyên biệt, cô cho biết: “Nhờ những động lực gia đình thúc đẩy rồi chính bản thân mình nữa, hết lòng thương yêu trẻ, thành ra là cố gắng, vẫn bám và tìm ra mọi biện pháp để giáo dục trẻ, suốt thời gian gần 30 năm qua, mình thấy rằng trẻ rất tiến bộ. Khi trẻ ra khỏi trường, có dịp quay trở lại trường thì trẻ vẫn nhớ tới mình, kêu cô Xuân ơi con thương cô Xuân lắm. Rất là xúc động! đó chính là cái đà để mình cố gắng làm sao để giúp trẻ càng ngày càng phát triển”.

Mỗi cô giáo ở trường đều tự giác học tập và rèn luyện cả về chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp. Các cô ý thức rất cao việc làm thế nào để giúp trẻ khiếm khuyết sớm hòa nhập tốt với cộng đồng, với xã hội. Đó chỉ có thể là tình thương, là trách nhiệm, là chuyên môn giỏi.

Trong nhiều năm qua, tập thể giáo viên nhà trường chủ động thực hiện tốt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thông qua những mẫu chuyện về Bác, mỗi cá nhân nâng cao hơn nhận thức chính trị và năng lực chuyên môn. Việc học tập Bác được vận dụng  trong mỗi ngày đến lớp với sự sáng tạo trong  từng cách tiếp cận, dạy dỗ, chăm sóc các em. Các cô còn tự làm đồ dùng học tập, đồ chơi cho các em, dạy trẻ kỹ năng sống, phát huy khả năng, năng khiếu tìm ẩn trong mỗi em để từ đó giúp các em siêng năng đến lớp, tiến bộ hơn trong học tập, nhất là đối với các em chậm phát triển, bị khuyết tật trí tuệ.

Cô Đỗ Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai, chia sẻ: "Nhà trường thực hiện rất là nhiều chuyên đề về học tập Bác, ví dụ như đồ dùng đồ chơi tự làm, rồi có năm thì mình thực hiện chuyên đề phòng chống dịch bệnh… đem việc đó vào để thực hiện cho công trình học tập Bác của các lớp. Qua việc học tập Bác thì ý thức của cán bộ giáo viên trường được nâng cao hơn, trở thành việc làm thường xuyên của nhà trường. Thông qua việc đó thì các hoạt động cũng như chuyên môn của nhà trường ngày càng được nâng cao”.

Cũng từ học Bác mà các cô xây dựng hẳn chương trình can thiệp sớm, tâm vận động, qua đó giúp nhiều em đi lại được, nói chuyện được, mang lại niềm vui cho các bậc phụ huynh. Như trường hợp bé Bùi Đức Anh, con của  chị Phan Thanh Nhàn, cũng nhờ sự tận tình chăm sóc và nuôi dạy của các cô mà con chị từ một đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ không biết nói, không thể hòa nhập thì sau 1 năm theo học tại trường bé đã có thể nói được, tiếp xúc tốt với mọi người xung quanh.

Chị Nhàn xúc động, cho hay: “Các cô chăm sóc rất tốt. Bé có tiến bộ. Bé cũng biết nhiều, khi bé học thì các cô tập cho bé vẽ, tô màu, biết tự đi vệ sinh. Nói thì rất nhiều, biết chào ba, mẹ, chào cô. Chịu chơi và hòa đồng với các bạn”.

Đó chính là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong những ngày tháng thực hiện trách nhiệm của tập thể nhà trường đối với các em khiếm khuyết. Và niềm vui được nhân đôi khi vào dịp sinh nhật Bác năm nay, tập thể Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai được tổ chức công đoàn TP tuyên dương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp TP năm 2017.

Mỹ Trang

Bình luận

Đọc Báo