(VOH) - Từ những ngày đầu hoạt động, Bác đã dày công dạy cho cán bộ nhận thức được sâu sắc rằng: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Vì thế cho nên, khi ở Liên Xô về Trung Quốc, cuối năm 1924, Bác đã tìm mọi cách liên lạc, đưa thanh niên ta sang Quảng Châu mở lớp đào tạo những hạt giống cho cách mạng. (Theo Những chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - NXB Văn hóa Văn nghệ)
Trong số những người học trò đầu tiên của Bác lúc bấy giờ có đồng chí Trần Phú, sau này trở thành Tổng Bí thư của Đảng ta. Thời kỳ Bác đi công tác Côn Minh - Hồ Khẩu, thời gian rất ngắn, công việc lại nhiều, nhưng tối đến Bác vẫn triệu tập anh em đến giảng giải về công tác cách mạng, về nhiệm vụ của người đảng viên.
Khi về Pác Bó, có điều kiện hơn ở ngoài nước, nhiều lớp huấn luyện chính trị và quân sự được Bác liên tiếp mở ra thu hút rất nhiều cán bộ ta. Mỗi lớp như thế thường được mở trong tuần hay mười hôm. Bác đào tạo, huấn luyện anh em rồi trả họ về cơ sở, rèn luyện họ trong thực tiễn cách mạng.
Đối với Bác, một hạt giống tốt không thể để tự nó lớn lên và chết dần mà phải làm cho nó nảy nở ra trăm ngàn hạt giống khác. Lớp học lúc bấy giờ cũng rất đơn giản, không bàn không ghế. Mấy anh em ngồi chung quanh đống lửa vừa được sưởi ấm vừa được nghe Bác nói chuyện.
Những câu chuyện Bác nói thường là những câu chuyện thực trong đời sống hàng ngày, hay trong cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô...
Một lần, có một số anh em bàn riêng với nhau chuẩn bị giết tên tổng đoàn - tên này rất ác, sau hắn giết anh Kim Đồng - trong một buổi huấn luyện, Bác đem đọc cho mọi người nghe đoạn nói về tả khuynh và ám sát cá nhân trong cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô. Đọc xong Bác giải thích:
“Ám sát cá nhân không phải là đường lối cách mạng chân chính. Nhất là khi ta chưa nắm được chính quyền, chủ trương ám sát cá nhân là một điều hết sức sai lầm. Thường đấy là những cái cớ để bọn đế quốc tìm cách tăng cường đàn áp cách mạng. Mục tiêu của ta là tiêu diệt bọn đế quốc, bọn phong kiến thống trị chứ không phải là giết một thằng là xong. Hôm nay chúng ta giết thằng này, ngày mai chúng lại đưa thằng khác lên. Chủ trương đúng đắn nhất của những người cách mạng chân chính là biết cách tổ chức quần chúng lại thành một khối thống nhất, vững chắc, đấu tranh tiêu diệt cả chế độ của chúng”.
Mấy anh em ngồi nhìn nhau, không hiểu làm sao Bác lại biết được ý của một số anh em. Nhưng cũng từ đó, anh em nhận thức thêm được một vấn đề mà từ trước còn mờ mịt, còn nhầm lẫn đúng sai. Cứ qua thực tế như vậy Bác đã đem ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin rọi vào trí óc non nớt và thơ ngây của chúng tôi, giúp chúng tôi đi những bước vững chắc trong công tác cách mạng.
Lúc bấy giờ, Hội nghị Trung ương lần thứ tám chưa họp, nhưng Bác đã lập ra những hội cứu quốc: Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc. Bác giải thích:
- Chúng ta muốn có một đội võ trang mạnh, trước hết phải có một đội quân tuyên truyền mạnh, đội quân chính trị vững.
Bác lấy một đoạn trong cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô nói cho chúng tôi nghe. Khi Cách mạng tháng Hai lật đổ Nga hoàng, bọn Kêrenxki nắm chính quyền, Lênin chủ trương phải đi giải thích cho quần chúng rõ. Lênin nhấn mạnh: giải thích và giải thích. Muốn giải thích phải có đội quân chính trị. Nói xong Bác kết luận:
- ở nước ta hiện nay, muốn đánh Pháp, đuổi Nhật thì ai là người vác súng, ai là người tự giác, tự nguyện đứng dậy làm cách mạng. Đó là quảng đại quần chúng. Cho nên ta phải tuyên truyền vận động quần chúng. Có như vậy cách mạng mới thắng được.
Bác đề nghị chúng tôi làm thế nào giáo dục quần chúng để trong một thời gian ngắn ta có được một phong trào chống Pháp đuổi Nhật như ngọn thủy triều dâng lên ở các địa phương.
Trong công tác cũng như trong khi giảng dạy ở các lớp huấn luyện, Bác chú trọng đặc biệt đến cách tuyên truyền vận động quần chúng. Bác thường nói:
- Chúng ta ở rất bí mật. Nhưng đó là bí mật với tụi tổng đoàn, với bọn mật thám, bọn Tây, bọn thống trị chứ không phải bí mật với nhân dân.
Bác còn yêu cầu lấy quần chúng làm bình phong bảo vệ và che chở cho cách mạng. Muốn được như thế, cán bộ không được làm cái gì trái với ý quần chúng, trái với phong tục tập quán địa phương. Có những phong tục tốt, cần giữ lại. Cũng có nhiều phong tục tập quán không tốt, cần phải thay đổi. Nhưng không phải tự ý cán bộ thay đổi ngay một lúc mà phải vận động từ từ để quần chúng giác ngộ và tự cải cách lấy.