U80 lại trở thành sinh viên đại học để không tụt hậu!

(VOH) - Tự nhận mình là ông già không chịu ngồi yên, ông Nguyễn Văn Tấn tâm sự rằng, thực sự ông muốn học từ lâu chứ không phải đến bây giờ.

Bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, với nhiều người đó là lúc họ gác lại bộn bề công việc, để sống trọn vẹn vui vầy bên con cháu.

Thế nhưng với ông Nguyễn Văn Tấn - năm nay 72 tuổi, đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, đây lại chính là thời điểm tốt nhất để ông khởi động một hành trình “không giống ai”: trở thành sinh viên đại học. Đặc biệt hơn, là sinh viên chương trình đào tạo trực tuyến. Câu chuyện của ông thật sự truyền cảm hứng đến nhiều thế hệ trẻ từ chính khát khao tự học của mình.

Tự nhận mình là ông già không chịu ngồi yên, ông Nguyễn Văn Tấn tâm sự rằng, thực sự ông muốn học từ lâu chứ không phải đến bây giờ. Bản tính ông là không thể ngồi yên, điều này có thể sai với những người khác nhưng lại đúng với ông.

Khi hay tin ông trúng tuyển vào chương trình cử nhân trực tuyến ngành Luật của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, bạn bè đồng trang lứa của ông – trong đó có nhiều người là luật sư bày tỏ sự lo lắng không biết ông có theo kịp chương trình học, theo kịp các sinh viên khác, nói chung là lo sức khỏe ông không học nổi. “Tân sinh viên” U80 tự tin cho hay, nếu người trẻ đầu óc minh mẫn họ chạy một bước, thì mình muốn theo kịp mình phải chạy mười bước.

Với ông, việc học tập là một nhu cầu tự thân và phải trau dồi suốt đời, ông Tấn chia sẻ,“Tôi mê học luật vì đó là thứ đang thiếu trong đầu của tôi, như là: luật dân sự, luật hình sự…. mình phải rành về luật. Cái gì thiếu trong đầu thì mình phải “tút” lại trong đầu mình cho nó đầy đủ. Dù tôi năm nay 72 tuổi, nhưng mình vẫn cảm thấy thiếu kiến thức, nếu mình không học mình thấy tụt hậu. Cuộc đời phải như vậy, phải học liên tục. Cái học là cái không bao giờ hết, cái học là cái phải suốt đời”

Ông kể mình quê Tiền Giang, lớn lên trong tuổi thơ nghèo khó, nhưng nhờ sự học mà ông vươn lên và có được sự nghiệp. 5 đứa con của ông cũng đều có sự nghiệp riêng, có người đang làm việc ở nước ngoài.

Ông nhẩm tính, mình sinh năm 1950, tính ra tuổi ta năm nay là 72 tuổi. Lần hồi lại ký ức, ông đậu Tú Tài 1 năm 1968 và Tú Tài 2 năm 1969. Sau đó, ông được đi du học theo học bổng Liên Hiệp Quốc ngành kỹ sư kỹ nghệ đường mía năm 1970, ông về nước năm 1972 và làm việc ở Tổng Công Ty Đường Việt Nam. Ông có thời gian sống và làm việc tại Đài Loan. Đến năm 1989, ông chính thức trở về nước và hoạt động kinh doanh.

Ông hiện có hai quốc tịch Việt Nam và Đài Loan, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ban đầu ông định học cử nhân Luật tại Đại học Luật vào ban đêm, nhưng sau đó ông quyết định học chương trình cử nhân Luật trực tuyến.

Chia sẻ thêm về nghị lực của các học viên theo học chương trình trực tuyến, Tiến sĩ Phan Thị Ngọc Thanh – Giám đốc Trung tâm đào tạo trực tuyến, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, đối với các học viên hoàn thành chương trình cử nhân trực tuyến, có thể nói đó là sự nỗ lực, là nghị lực phi thường của họ:

Phần quan trọng nhất là nỗ lực của các anh chị sinh viên, có một nghị lực phi thường. Tại vì, giữa bộn bề cuộc sống gia đình, kể cả khoảng cách không gian, thời gian, họ đã sắp xếp cho việc học này, quả thật không phải là chuyện đơn giản. Nhà trường cũng cảm thấy vui vì đã thực hiện được một phần sứ mệnh của mình, đó là sứ mệnh của một trường đại học “mở” là mang cơ hội học tập đến cho tất cả mọi người bằng những phương thức linh hoạt và thuận tiện nhất”.

Ông Nguyễn Văn Tấn hiện là một doanh nhân có hai quốc tịch Việt Nam và Đài Loan. Ông kể, từ tháng 7/2020 khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cùng với thôi thúc cá nhân muốn trau dồi kiến thức về luật, ông đã lên mạng tìm hiểu thông tin tuyển sinh nhiều trường đại học.

Tình cờ ông Tấn đọc được thông tin chương trình cử nhân trực tuyến, khá phù hợp với điều kiện sức khỏe của mình, nên ông đã đăng ký. Nguyện vọng của ông sau khi tốt nghiệp là tiếp tục chinh phục kiến thức ở những bậc học cao hơn, đồng thời có thể đem kiến thức về ngành Luật mà mình được học để hỗ trợ, tư vấn miễn phí cho những người cần.

Ông Tấn cho biết nếu sức khỏe còn cho phép,ông sẽ học lên cao nữa, lên thạc sĩ. “Đừng bao giờ chán nản. Có những lúc tột cùng của thất vọng nhưng đừng bao giờ nản chí. Tôi khi còn trẻ cũng vậy, có những lúc nản chí mình muốn bỏ cuộc. Tôi hay nói với mấy đứa con, và tôi cũng muốn nói với mấy bạn trẻ nhớ rằng: can đảm lên, chấp nhận sự thật, không chạy trốn. Ngày hôm nay trong 100 cái khó khăn, mình giải quyết được 1 cái thì còn 99 cái. Tháng tới mình tiếp tục giải quyết thì còn 98 cái khó. Có thể 10 năm sau mình giải quyết hết thôi, tại sao mình lại bỏ cuộc”.

Trường hợp sinh viên lớn tuổi theo học chương trình đào tạo trực tuyến như ông Nguyễn Văn Tấn, cũng là mục đích mà giáo dục mở luôn hướng đến, đó là luôn động viên, trân trọng những người có nguyện vọng học tập suốt đời, tự chinh phục kiến thức làm giàu cho vốn sống của mình.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh về sứ mệnh của nhà trường: "Sứ mệnh của trường là đóng góp và nâng cao tri thức cho cộng đồng bằng các hình thức, phương tiện linh hoạt và thuận tiện nhất giúp cho người học nâng cao trình độ. Là trường đại học mang tính chất “mở” cho nên mở cơ hội học tập cho mọi người, nên nhà trường cung cấp các hình thức, phương tiện để cho việc học có bằng cấp, học không bằng cấp, giúp người học nâng cao kiến thức, giúp người học học tập suốt đời”.     

Thùy Linh

Bình luận

Đọc Báo