Tuần đầu đi học nên hướng dẫn cách đề phòng bệnh dịch cho học sinh – Thời sự 11g00 2/11/2021

(VOH) -  Việc chuẩn bị cho học sinh trở lại trường đang là mối quan tâm không chỉ của nhà trường, của phụ huynh mà còn là vấn đề của toàn xã hội.

Trong bối cảnh Thành phố đang từng bước bắt đầu cuộc sống bình thường mới, việc chuẩn bị các điều kiện cho học sinh trở lại trường một cách an toàn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOH có nội dung trao đổi với ông Lê Ngọc Điệp, Nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM.

học sinhÔng Lê Ngọc Điệp, Nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM. Ảnh NLĐ

*VOH: Học sinh trở lại trường, người lao động mới toàn tâm toàn ý, tập trung cho sản xuất, phát triển kinh tế, là một minh chứng cho  một nhịp sống bình thường. Theo ông để việc trở lại trường của học sinh được an toàn có ý nghĩa như thế nào đối với xã hội?

Ông Lê Ngọc Điệp: Tôi nghĩ rằng là tất cả cha mẹ học sinh đều mong muốn con em mình trở lại trường để yên tâm đến công sở, cơ sở sản xuất buôn bán. Nếu điều đó được diễn ra không có hạnh phúc nào bằng. Tuy nhiên, suốt mấy tháng trời đứa bé quanh quẩn trong nhà nhưng cha mẹ thì luôn luôn lo lắng mình đi chợ, mình đi làm mà trẻ con đến trường an toàn thì rất hạnh phúc. Nhưng dịch bệnh vẫn còn đang là mối nguy đe dọa. Cho nên tôi nghĩ rằng, họ cũng vẫn cứ phập phồng, vẫn cứ lo lắng. Làm sao sự an toàn cho trẻ được đảm bảo, mọi người có thể yên tâm hơn. 

*VOH: Thực tế lứa tuổi học sinh vốn hiếu động nên công tác phòng dịch thường khó khăn hơn, để việc đón học sinh trở lại trường được an toàn các nhà quản lý giáo dục nên lưu ý những vấn đề gì?

Ông Lê Ngọc Điệp: Đúng là trẻ trở lời trường, gặp lại thầy cô, bạn bè sẽ rất vui mừng và tất cả những biện pháp phòng ngừa như giữ khoảng cách thì trẻ khó giữ lâu được. Bởi vì trẻ rất hiếu động cho nên, theo tôi ngành giáo dục quan tâm thì nên dành một tuần đầu cho học sinh trở lại trường và không nên trở lại đồng loạt. Ví dụ, ở tiểu học, nhà trường sẽ giành cho khối Một 2 ngày, rồi khối Hai  2 ngày. Như vậy, trong tuần lễ đầu tiên thầy cô bắt đầu hướng dẫn cho học sinh cách đề phòng bệnh dịch. Hướng dẫn, kiểm tra thời gian vừa qua khi ở nhà mỗi em học như thế nào để biết rằng kiến thức trẻ thu nhập được trong thời gian vừa qua như thế nào rồi mới bắt đầu đi vào chương trình.  Nhất là ở cấp tiểu học các khối lớp 1, 2, 3 trẻ dạ đó, nghe đó nhưng chỉ trong thời gian ngắn là các em quên liền để làm theo bản năng của một đứa trẻ. Cho nên, việc phòng dịch là việc ưu tiên, sức khỏe là điều hết sức quan trọng và nhà trường nên dành một tuần lễ đầu tiên khi trở lại trường để dạy các em những kỹ năng, thói quen, cách phòng dịch. Sau đó, mới bắt đầu học kiến thức. Tuần sau nữa nhà trường kiểm tra lại xem các em đã thực hiện như thế nào, có an toàn không để đảm bảo được sức khỏe.

Bởi vì, tôi luôn cho rằng sức khỏe mới là ưu tiên hàng đầu. Kiến thức có thể tiếp nhận trễ hơn một chút, chậm hơn một chút nhưng nếu không có sức khỏe thì mất tất cả.

Hiện nay, thành phố cũng đã ban hành Bộ tiêu chí an toàn trường học, với những tiêu chuẩn rất là rõ ràng. Tuy nhiên, sự rõ ràng này dành cho người lớn, chứ không phải dành cho trẻ nhỏ. Các em gặp lại, ôm, bắt tay rồi vui mừng...là cái chuyện mà mình dù can ngăn cũng không tránh được. Cho nên tôi vẫn nghĩ rằng là phải dành nguyên một tuần đầu hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, hỏi han về cái tình trạng sức khỏe, gia cảnh... Hết sức lưu ý những hành vi, thái độ, cử chỉ và cách các em phòng dịch để không phải tiếp xúc, va chạm nhiều và nó an toàn. Như vậy, phụ huynh mới yên tâm lao động sản xuất. Nhịp sống mới dần trở lại bình thường và xã hội sẽ càng ngày ổn định hơn.

*VOH: Để việc mở cửa trường học được an toàn và hiệu quả cần có những yêu cầu gì cả từ phía nhà trường, gia đình và xã hội?

Ông Lê Ngọc Điệp: Thành phố đã ban hành tiêu chí trường học an toàn, nhà trường cần  thực hiện triệt để các tiêu chí đó. Đặc biệt, giáo viên cũng phải hết sức lưu ý và luôn luôn phải biết quan sát trẻ em. Bình thường, trẻ ngồi trong lớp, cô ở trên bục giảng mà các em còn nghịch được nên giáo viên càng phải tích cực quan sát, không thể coi thường dịch bệnh này. Phải chú ý, luôn luôn điều chỉnh những hành vi sai trái của học sinh, để bảo vệ an toàn cho các em.

Khi mở cửa trường, từ Sở Giáo dục và Đào tạo, các hiệu trưởng nhà trường, từng giáo viên phải luôn nhớ sức khoẻ mới là quan trọng. Kiến thức chậm một chút, chúng ta có thể học, có thể bù đắp được, nhưng sức khoẻ bị ảnh hưởng thì rất nguy hiểm cho một đời người.

*VOH :Cám ơn ông

Tuyết Nhung

Bình luận

Đọc Báo