Tăng hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp vừa và nhỏ sau COVID-19 - Thời sự 11g00 9/11/2022

(VOH) - Thời gian qua, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã đặt các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những tác động tiêu cực chưa từng có trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 khiến cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chịu những tác động đáng kể như: giảm nhu cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng, hủy đơn hàng xuất khẩu, thiếu nguyên liệu, gián đoạn vận chuyển…

Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất quan trọng, qua đó nhằm định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài.  Đề cập đến vấn đề này, Hoàng Mai có bài: “Đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sau đại dịch COVID-19”. 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước, chiếm khoảng 96,5% tổng số doanh nghiệp, hàng năm đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước, thu hút 50% tổng số lao động động trong doanh nghiệp. Hiện nay, vấn đề hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu đối với cộng đồng doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tham gia thị trường thì rất nhiều rủi ro pháp lý, mà doanh nghiệp thường sẽ gặp phải. 

Việc được thường xuyên cập nhật các thông tin pháp lý, các kiến thức pháp luật về kinh doanh đối với doanh nghiệp là rất cần thiết. Vì vậy, vấn đề pháp lý rất cần được Nhà nước đặc biệt quan tâm hỗ trợ, bởi bản thân doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể tự mình thực hiện được và nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp cần hơn hết là sự hỗ trợ về mặt pháp lý từ Nhà nước để tăng cường năng lực cạnh tranh của mình. 

Thực tế, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua đạt được kết quả đáng ghi nhận. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ pháp lý nói riêng. Để tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, trong thời gian qua Nhà nước đã ban hành mới nhiều đạo luật quan trọng như: Luật Doanh nghiệp năm 2014; Luật Đầu tư năm 2014 và đặc biệt là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa  2017… và nhiều văn bản pháp luật khác liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các văn bản pháp luật này đã tạo nên một khung pháp lý tương đối đầy đủ cho các doanh nghiệp hoạt động. Gần đây nhất, Bộ Tư pháp cũng đã hoàn thiện đề án trình Thủ tướng Chính phủ về "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, giai đoạn 2021-2030", nhằm kịp thời hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp dễ bị tổn thương sau đại dịch COVID-19.

Riêng tại TPHCM, ngành Tư pháp, Hội Luật Gia, Đoàn Luật sư, Hiệp hội doanh nghiệp… cũng đã có nhiều giải pháp nhằm hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về pháp lý như: tổ chức các buổi tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp nhận và kịp thời giải đáp các phản ánh, thắc mắc của doanh nghiệp...

Việc tăng cường phối hợp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Để công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng hiệu quả và đi vào thực chất, cần có sự tham gia vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan ban ngành liên quan, trong đó có vai trò của ngành Tư pháp. cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp phải biết vươn lên để tự khẳng định mình, và phải làm sao để phát huy thế mạnh, chủ động đưa ra các giải pháp để phòng ngừa rủi ro pháp lý. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế- xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay và trong thời gian tới. Qua đó nhằm định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý chắc chắn, bền vững, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

VOH

Bình luận

Đọc Báo