Tuy nhiên, gần một nửa thời gian thí điểm Nghị quyết 54, Thành phố phải cùng lúc vừa tập trung phát triển kinh tế, xã hội vừa đối phó với những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid 19. Do đó, bên cạnh những kết quả tích cực thì còn nhiều nội dung chưa triển khai được do vướng những cơ chế, quy định của pháp luật và sự hỗ trợ từ các bộ ngành.
Nhìn lại chặng đường đã qua và ghi nhận thêm những kiến nghị, đề xuất của các nhà khoa học, các chuyên gia một cơ chế phù hợp hơn để Thành phố Hồ Chí Minh phát huy mạnh mẽ vai trò đầu tàu của cả nước trong thời gian tới, chúng tôi thực hiện loạt bài: Cơ chế đặc thù nâng tầm vị thế TPHCM với bài 1 “Nghị quyết 54 cần, nhưng chưa đủ” do phóng viên Ngọc Phong thực hiện.
Nghị quyết 54 của Quốc hội đã trao một số cơ chế đặc thù cho thành phố với 18 nội dung thuộc năm lĩnh vực quản lý gồm đất đai, đầu tư, tài chính, ngân sách, cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó Thành phố đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kế hoạch để triển khai với 21 nội dung Đề án cụ thể.
Trong số đó, đặc thù trong quản lý đất đai đã trao quyền cho thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa từ 10 hecta trở lên giúp rút gọn quy trình, tiết kiệm thời gian thay vì phải mất sáu tháng để chờ xin ý kiến Thủ tướng như trước. Từ năm 2018 đến nay, thành phố đã thông qua 32 dự án với tổng diện tích là 1800 hecta. Trong khi từ 2015 - 2017, thành phố trình Thủ tướng 76 dự án nhưng chỉ có 21 dự án được duyệt và chuyển mục đích sử dụng. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng nhìn nhận những hiệu quả tích cực do Nghị quyết 54 mang lại: “Với 32 dự án có sử dụng đất lúa trên 10 hecta, thay vì trước đây phải mất từ 6 tháng trở lên mới có Nghị quyết của Thủ tướng cho phép. Khi có Nghị quyết thì tổ chức bồi thường mất rất nhiều thời gian. Đây là bước đầu chúng ta thực hiện thành công cơ chế này”
Cũng từ khi có Nghị quyết 54, thành phố đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố với tổng mức vốn đầu tư là 12.900 tỷ đồng. Tổng số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp thu được nộp vào ngân sách đến nay là hơn 132 tỷ đồng, tăng 6 lần so với quy định tại Nghị định 154 của Chính phủ. Thành phố đã phát hành thành công 2800 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương với kỳ hạn 20 năm. Theo Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ, bước đầu những kết quả thu được từ khi Nghị quyết 54 được triển khai đã có thể “đong đếm” một cách rõ ràng: “Đây là Nghị quyết rất quan trọng, chúng ta đã giải quyết được một số nội dung chủ động trong tài chính. Với khối lượng công việc lớn của TPHCM trong 5 năm qua đã có tác động rất lớn. Từ những chất liệu đã có phải làm rõ và khẳng định việc giao một cơ chế cho TPHCM là để Quốc hội tiếp tục dành cho Thành phố 1 cơ chế đặc thù trong giai đoạn mới”.
Trong điều kiện khối lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức rất lớn lớn, trung bình gấp 3,8 lần mức bình quân chung của cả nước thì việc chi thu nhập tăng thêm đã tạo động lực, góp phần cải thiện đời sống, khuyến khích cán bộ, công chức gắn bó lâu dài. Dù thực tế sau 5 năm mức chi thu nhập tăng thêm chưa đạt được hệ số tối đa 1.8 như mục tiêu đề ra. Tuy chưa đạt được như kỳ vọng nhưng với ông Nguyễn Đức Hiếu - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 14, quận Tân Bình đã cảm nhận rất rõ những hiệu quả tích cực mà việc chi thu nhập tăng thêm đã mang lại: “Chính sách này đã tác động tích cực đến nguồn thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, đời sống được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên cái sự động viên này có lẻ chưa đáp ứng được kỳ vọng, nếu chúng ta so sánh với mức sống của người dân tại đô thị lớn như TPHCM”
Cơ chế ủy quyền từ thành phố cho các quận, huyện và các sở ngành đã được Ủy ban nhân dân thành phố triển khai có hiệu quả và tích cực. Hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố đã ủy quyền cho các sở ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện 85 nhiệm vụ, quyền hạn trên các lĩnh vực đô thị, môi trường, kinh tế, ngân sách, dự án văn hóa xã hội, khoa học. Việc thực hiện ủy quyền đã giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Song trên thực tế dù được phân cấp, ủy quyền nhưng do áp lực dân cư quá lớn nên nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố đang rơi vào tình trạng quá tải cho đội ngũ cán bộ công chức. Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM phân tích: “Một bộ máy của ta phục vụ gấp 3 lần cả nước, chưa kể thành phố Thủ Đức gấp 8 lần, điều này chưa hợp lý. Khi thực hiện Nghị quyết 54 dù chưa chi tăng thêm được 1,8 lần, nhưng cũng là chia sẻ với cán bộ công chức, góp phần giữ được năng lực làm việc”
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, bên cạnh một số kết quả đạt được, thành phố vẫn còn nhiều việc chưa làm được. Thậm chí có có những nội dung chưa thể tận dụng hết 50% cơ chế đề ra. Đặc biệt là trong cơ chế về quản lý tài chính trong Nghị quyết 54 tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố. Theo đó, dù Quốc hội trao quyền cho thành phố hưởng toàn bộ số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước thay vì phải phân cấp nguồn thu với trung ương. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay chưa có hướng dẫn của các cơ quan chức năng có thẩm quyền về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Do đó, Ủy ban nhân dân thành phố chưa thể ban hành quyết định cổ phần hóa và chưa thu được tiền vào ngân sách để phục vụ phát triển thành phố. Qua thực tế giám sát, Trưởng ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố Cao Thanh Bình chỉ ra một số điểm nghẽn về thể chế: “Mặc dù có hiệu quả tích cực ban đầu, nhưng mà theo mong muốn thì chưa đạt được. Tôi nhìn nhận 1 số cơ chế bị vướng thì sự hỗ trợ của các bộ ngành chưa tốt. Chúng ta đã nhiều lần kiến nghị, làm việc nhưng thực sự chưa có hiệu quả”.
Đặc biệt việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công hầu hết do vướng thủ tục pháp lý. Do đó, thành phố tiếp tục khiến nghị áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù đã phát huy tốt trong thời gian qua như chuyển mục đích sử dụng đất lúa từ 10 hecta trở lên, quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, cơ chế ủy quyền, chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức... Ngoài ra theo Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung đề xuất những cơ chế phù hợp với bộ máy chính quyền đô thị: “Năm năm trước khi đó chúng ta chưa áp dụng chính quyền đô thị và thành phố Thủ Đức. Do đó sắp tới tôi đề nghị đưa những nội hàm, những vướng mắc vào nghị quyết mới, đặc biệt là việc phân cấp, ủy quyền để thực hiện các nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu người dân thuận lợi hơn”
Trong buổi làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những kết quả thí điểm Nghị quyết 54 mà thành phố triển khai trong 5 năm qua đã giúp thành phố có thêm những cơ chế thuận lợi để phát triển, giữ vững vai trò đầu tàu của đất nước. Tuy nhiên trên thực tế, Tổng Bí thư nhìn nhận Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định trong thời gian qua, do đó rất cần sự chung tay, tiếp sức mạnh mẽ hơn với những cơ chế phù hợp hơn từ Trung ương để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển phát triển nhanh, bền vững. “Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành sớm nghiên cứu, xem xét để giải quyết những đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh với tinh thần “Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, nhưng cả nước cũng phải vì Thành phố Hồ Chí Minh”, tạo điều kiện tốt nhất để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm với vị trí hết sức quan trọng”
Trong phiên họp ngày 12/10 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết 31/12/2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 4. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Trong điều kiện chúng ta chưa có thời gian nghiên cứu chính sách mới tôi đồng tình trình Quốc hội cho kéo dài Nghị quyết 54 đến cuối năm 2023. Trong thời gian đó thì chúng ta sẽ nghiên cứu đánh giá thấu đáo hơn”
Trong buổi làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố gần đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hiệu quả thí điểm Nghị quyết 54 tại Thành phố Hồ Chí Minh và cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thống nhất sẽ ban hành những cơ chế sách phù hợp hơn cho Thành phố trong thời gian tới: “Trước khi vào đây tôi đã hội ý với các đồng chí lãnh đạo và thống nhất tinh thần là, cho TPHCM một cơ chế thuận lợi hơn. Trong đó cho thí điểm làm trước một số lĩnh vực thông qua thay đổi Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và hoàn thiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”
Cũng tại buổi làm việc với Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Phan Văn Mãi cho biết, sau khi Nghị quyết 54 được Quốc hội cho kéo dài đến hết năm 2023, Thành phố sẽ tổ chức hoàn thiện đánh giá, phân tích cụ thể những công việc đã làm được, chưa làm được, từ đó báo cáo Chính phủ hoàn thiện trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết mới bao trùm hơn , sát thực tiễn nhu cầu phát triển của Thành phố trong giai đoạn mới. Tinh thần là Thành phố kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 theo hướng kế thừa và tích hợp tất cả các cơ chế, chính sách mà thành phố cần Trung ương hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế xã hội của đất nước.