Kỳ 1: Dữ liệu, dữ liệu lớn – chìa khoá xây dựng Thành phố thông minh – Thời sự 5g30 14/8/2022

(VOH) - Như chúng tôi đã giới thiệu ở đầu chương trình, dữ liệu, dữ liệu lớn (Data, Big Data) chính là chìa khoá để xây dựng và phục vụ cho quá trình chuyển đổi số.

Phân tích vai trò của dữ liệu, ra quyết định dựa trên dữ liệu, giải pháp lưu trữ và xử lý, sử dụng dữ liệu hiệu quả phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số cho Thành phố Hồ Chí Minh,…Đề cập vấn đề này, chúng tôi giới thiệu đến quý vị kỳ 1 của tọa đàm 5 kỳ: “Hiến kế giải pháp nâng cao năng lực phục vụ chuyển đổi số” với sự tham gia của các vị khách mời: Phó Giáo sư Tiến sĩ Thoại Nam, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Điện toán Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc, Trưởng khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Trưởng bộ môn Ứng dụng Tin học Khoa Toán – Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

*VOH: Thưa các vị khách mời! Vấn đề đặt ra đầu tiên, đó là vai trò của dữ liệu. Dữ liệu/dữ liệu lớn được ví như chìa khoá để xây dựng và phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Vậy, vai trò của dữ liệu và lưu trữ dữ liệu như thế nào trong chuyển đổi số, mời các chuyên gia cùng có ý kiến?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Thoại Nam: Xin chào quý thính giả. Hiện nay, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên số. Giai đoạn này, chúng ta có điều kiện và kỹ thuật để thu thập lượng dữ liệu rất lớn. Với kỹ thuật đang có hiện tại giúp chúng ta thực hiện được việc lập kế hoạch, dự đoán. Như vậy, các hoạt động điều hành của Chính phủ, Nhà nước, doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Vai trò của dữ liệu là điều kiện tiên quyết phải có. Thứ hai, dữ liệu bây giờ là dữ liệu lớn. Để giải quyết bài toán chuyển đổi số, cần dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, liên tục sản sinh theo thời gian, cho nên khối lượng dữ liệu rất khủng khiếp nếu tính trên thời gian dài, nhất là đối với Thành phố Hồ Chí Minh. Các kỹ thuật đối mặt với việc lưu trữ và xử lý dữ liệu cũng là một thách thức. Tôi hy vọng trong công cuộc này, cần sự đồng lòng chung sức của nhiều đơn vị khác nhau để cùng nhau đi tốt, đừng đánh mất cơ hội trong công cuộc chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh.

*VOH: Xin cám ơn Phó Giáo sư Tiến sĩ Thoại Nam. Xin mời Tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc phân tích thêm về vấn đề này?

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc: Thưa quý thính giả. Chúng ta đã biết sự phát triển của công nghệ thông tin đi trên nền tảng là dữ liệu, từ đó mới rút trích ra những thông tin có ý nghĩa. Từ thông tin, phát triển thành những tri thức, giúp cho con người trong một tổ chức, doanh nghiệp đưa ra quyết định. Dữ liệu đóng vai trò quyết định trong các bộ máy. Dữ liệu truyền thống có dạng tập tin, dữ liệu về quan hệ, đối tượng, dữ liệu về chuỗi khối. Tuy nhiên, cách lưu trữ truyền thống không đáp ứng nhu cầu hiện tại. Công nghệ 4.0 đưa ra giải pháp đó là dữ liệu lớn. Quá trình xử lý dữ liệu lớn đòi hỏi kỹ thuật khả năng lưu trữ lớn, trích xuất nhanh, toàn vẹn dữ liệu, đem lại giá trị lớn cho cộng đồng dựa trên nền tảng điện toán đám mây. Tóm lại, dữ liệu và dữ liệu lớn là nền tảng, một trong những công nghệ phục vụ cho sự phát triển của xã hội hiện tại và trong tương lai.

*VOH: Mời Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình?

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình: Tôi xin bổ sung thêm một số ý mà hai khách mời vừa chia sẻ. Đó là, việc xây dựng cơ sở dữ liệu cũng phải có chiến lược ngay từ đầu khi triển khai ở các công ty, đơn vị. Bởi vì khi chuyển đổi số thành công, sẽ có rất nhiều công việc sau đó liên quan đến phân tích, phân tích mô tả, dự đoán, triển khai….do đó, việc thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu ngay từ bây giờ rất quan trọng.

*VOH: Qua phân tích của các chuyên gia về vai trò của dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số cho Thành phố Hồ Chí Minh. Dưới góc độ chuyên môn của mình, các vị khách mời có đề xuất giải pháp xây dựng cơ sở sở dữ liệu như thế nào để phục vụ quá trình chuyển đổi số? Mời Phó Giáo sư Tiến sĩ Thoại Nam, về phía Trung tâm Kỹ thuật Điện toán Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hiện có những dự án nghiên cứu nào liên quan?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Thoại Nam: Để thực hiện quá trình chuyển đổi số, nhất là các giải pháp công nghệ trong thời đại số ngày nay, cần 4 thứ. Đầu tiên, phải có dữ liệu. Thứ hai, chúng ta phải có kỹ thuật lưu trữ và xử lý. Thứ ba, phải có máy móc đủ mạnh để thực hiện. Thứ tư, phải có con người đủ trình độ để vận hành khai thác.

Ở khía cạnh đầu tiên, làm sao để chúng ta xây dựng cơ sở dữ liệu, thu thập và lưu trữ và khai thác dữ liệu. Đây là vấn đề thách thức. Thách thức thứ nhất là kỹ thuật để lưu trữ dữ liệu, vì nó ảnh hưởng đến việc chúng ta khai thác dữ liệu sau này. Từ dữ liệu, để khai thác dữ liệu phải trải qua nhiều bước để xử lý. Điều tôi muốn nói, đó là cái khó trong nhiều dự án hiện tại, đó là văn hoá hợp tác và chia sẻ dữ liệu, đây là điểm trở ngại không chỉ của nước ta mà nhiều nước khác cũng vậy. Cho nên, công cuộc này mất nhiều thời gian.

Góc độ Trung tâm kỹ thuật Điện toán, thời gian qua chúng tôi cũng tham gia tư vấn, triển khai thực tiễn một số dự án. Đơn cử, trường Đại học Bách khoa đang hợp tác với Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau như camera, GPS…tổng hợp lại và phân tích, đưa ra các dự đoán cũng như một số dữ liệu hữu ích phục vụ cho những hoạt động quản lý về giao thông vận tải. Mảng thứ hai về nông nghiệp và chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng là vấn đề trọng tâm mà nhà nước đang quan tâm, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trường cũng có những hợp tác với khu vực này, ví dụ như dự án Làng thông minh tại tỉnh Đồng Tháp, trên nền tảng chuyển đổi số để chúng ta hiểu thực trạng và đưa các giải pháp công nghệ hợp lý, đưa được hình ảnh sản phẩm của chúng ta ra thị trường, giúp mảng nông nghiệp trở thành lĩnh vực tham gia thị trường hiệu quả nhất. 

*VOH: Cám ơn Phó Giáo sư Tiến sĩ Thoại Nam. Mời Tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc: Bước đầu tiên của chuyển đổi số là số hoá dữ liệu, số hoá quy trình. Sau quá trình này sẽ sinh ra dữ liệu rất lớn, về mặt công nghệ kỹ thuật sẽ đề xuất ra các giải pháp để xây dựng hệ thống dữ liệu lớn, lúc đó sẽ xây dựng điện toán đám mây. Đây thực sự là sự kết nối một hệ thống mạng, trong đó kết nối tất cả máy chủ vật lý với nhau. Khả năng tính toán và khả năng lưu trữ của điện toán đám mây rất lớn. Hiện, Khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Nguyễn Tất Thành có trung tâm điện toán đám mây, trung tâm tích hợp dữ liệu, thực hiện các dự án trong giáo dục và đào tạo để triển khai thực tế. Ví dụ, dự án số hoá lịch sử Đoàn của tỉnh Đoàn Bến Tre trong 100 năm, ngoài ra còn thực hiện một số dự án liên quan đến y tế, giáo dục. Tóm lại, dữ liệu lớn là sự chọn lựa, có thể nói là duy nhất cho những công nghệ phát triển xã hội sau này.

*VOH: Xin mời Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình?

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình: Về phía nhà trường, mình cũng có may mắn được tham gia một số dự án, trong đó có dự án mình làm việc với dữ liệu về ô nhiễm môi trường. Nhóm nghiên cứu xây dựng thiết bị lắp đặt các cảm biến, thu thập chỉ số ô nhiễm. Từ đó, hình thành nên các bài toán về phân tích dữ liệu, phân tích mô tả, phân tích dự đoán, tình hình ô nhiễm xung quanh trạm quan trắc, dự đoán tình hình ô nhiễm trong vài ngày tới.

*VOH: Cám ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình.

Thuỳ Linh

Bình luận

Đọc Báo