Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua thì ngành du lịch Thành phố đã và đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử.
Tuy vậy, chưa bao giờ các doanh nghiệp, những người hoạt động trong ngành chùn bước, ngược lại họ luôn kiên cường chống chịu và tìm tòi những cách làm mới, sáng tạo để sớm đưa ngành "công nghiệp không khói" phục hồi và phát triển trở lại đúng với vị trí của mình.
Vậy, họ đã, đang và sẽ làm gì để phục hồi ngành du lịch TPHCM trong thời gian tới?
Phóng viên Ngọc Phong đề cập nội dung này trong loạt bài “Du lịch TPHCM thích ứng trong điều kiện bình thường mới”. Trong chương trình hôm nay, mời quý vị theo dõi bài 1 nhan đề “Du lịch xanh - hướng phát triển bền vững”.
---
Bài 1: Du lịch xanh - hướng phát triển bền vững
Ngay từ giữa tháng 9 khi tình hình dịch Covid-19 ở một số quận, huyện của TPHCM dần được kiểm soát thì Sở Du lịch nhanh chóng phối hợp với Saigontourist tổ chức chương trình du lịch tri ân đội ngũ tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 đến vùng xanh huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi.
Cách làm này ban đầu cũng làm cho không ít người cảm thấy ngạc nhiên vì cho rằng, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp thì việc tổ chức các tour du lịch là chưa phù hợp và không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, với những đơn vị, những người có nhiều kinh nghiệm trong ngành du lịch thì cho rằng việc tổ chức các tour như thế là rất cần thiết.
Nó vừa mang ý nghĩa tri ân các lực lượng tuyến đầu đã giúp đỡ thành phố chống dịch trong nhiều tháng qua, mặt khác đó còn là sự khởi động lại ngành du lịch sau thời gian dài “ngủ đông” đồng thời tạo đà cho những bước đi tiếp theo khi TPHCM bước sang giai đoạn bình thường mới thích ứng an toàn với Covid-19.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM Phan Thị Thắng, sự khởi động này rất có ý nghĩa với ngành du lịch để chuẩn bị những bước đi tiếp theo: “Chúng tôi chủ động mở 2 tuyến du lịch đến vùng xanh Cần Giờ và Củ Chi để tri ân lực lượng tuyến đầu, tìm hiểu về đặc trưng của địa phương và rút kinh nghiệm để triển khai các kế hoạch tiếp theo phục hồi ngành du lịch”.
Sau thời gian dài dừng hoạt động, khi được tham gia cùng với ngành du lịch thành phố khởi động lại bằng những hành trình ý nghĩa, các doanh nghiệp trong ngành du lịch cảm thấy hào hứng cho một sự khởi đầu mới.
Từ những tour hành trình xanh về huyện Cần Giờ và Củ Chi để tri ân các lực lượng tuyến đầu, các doanh nghiệp du lịch thành phố đã xây dựng và triển khai thêm các tour để phục vụ du khách với hình thức du lịch xanh theo “bong bóng” khép kín đến các vùng xanh lân cận.
Tổng Giám đốc công ty du lịch Vietravel Trần Đoàn Thế Duy thông tin về sự khởi động của đơn vị mình: “Chúng tôi tập trung vào các tour vùng xanh. Thời gian qua chúng tôi đã tổ chức thành công các tour tri ân cho lực lượng tuyến đầu an toàn tuyệt đối”.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cùng với các điểm tham quan tại các địa phương vùng xanh thì du lịch đường thủy sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn, tiềm năng và có thể phát triển thành một trong những sản phẩm du lịch chủ lực đặc trưng của TPHCM trong tương lai.
Chính vì vậy, ngay sau khi thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới, với vai trò là đơn vị tiên phong của ngành du lịch thành phố, Saigontourist lần đầu tiên tổ chức tour du lịch đi về trong ngày bằng tàu cao tốc Greenlines thế hệ mới đến xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ và đã tạo sự thích thú cho nhiều du khách trong hành trình đầu tiên.
Trong suốt thời gian qua, bên cạnh việc đồng hành cùng thành phố phục vụ các đoàn công tác phòng chống dịch an toàn, ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Saigontourist cho biết, đơn vị luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm mới chuẩn bị cho quá trình phục hồi để thu hút khách du lịch trở lại, đặc biệt những sản phẩm du lịch xanh.
Kế hoạch phục hồi của Saigontourist dựa trên nền tảng: Nguồn nhân lực xanh, sản phẩm xanh, hành trình xanh, điểm đến xanh. Từ đó tạo nên hoạt động kinh doanh xanh, an toàn cho Saigontourist và cho khách hàng trong quá trình phục hồi.
Trong thời gian tới, TPHCM sẽ mở tiếp các tour du lịch đường thủy kết nối từ trung tâm Quận 1 đến huyện Củ Chi và tỉnh Bình Dương bằng tàu cao tốc để du khách tận hưởng cảnh đẹp ven sông Sài Gòn và các địa phương lân cận.
Trên nền tảng liên kết đã được Ủy ban nhân dân TPHCM tái khởi động, kết nối với các tỉnh, thành sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp du lịch đã bắt đầu khảo sát chuẩn bị cho ra đời nhiều sản phẩm mới, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch của từng địa phương ở từng thời điểm.
Trong điều kiện càng khó khăn thì theo ông Trần Thanh Vũ - Giám đốc Vinagroup Travel, từng đơn vị phải nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm hấp dẫn hơn, đặc sắc hơn trước đây: “Mỗi tỉnh chúng tôi lựa chọn ra một sản phẩm đặc trưng. Ví dụ Bến Tre thì chúng tôi sẽ có sản phẩm liên quan đến dừa, Đồng Tháp thì có sản phẩm về sen để có sự khác biệt trong các tour du lịch nhằm thu hút du khách”.
Trước đây, nhiều người vẫn cho rằng du lịch các tỉnh miền Tây không thu hút được nhiều du khách vì có sự trùng lắp, giống nhau về các sản phẩm du lịch sông nước.
Tuy nhiên, ông Cao Văn Tùng, Giám đốc Trung tâm du lịch nội địa Bến Thành Tourist cho rằng: Nếu các doanh nghiệp chịu khó sáng tạo thì sau đợt dịch lần này vẫn có thể tạo ra những sản phẩm hấp dẫn thu hút du khách trong nước lẫn quốc tế trong tương lai, ngay trên nền tảng những đặc trưng vốn có của miền Tây sông nước.
Theo ông Tùng: “Đồng bằng sông Cửu Long thường có các sản phẩm trùng lắp, nhưng tôi cho đó là thế mạnh. Mỗi địa phương, mỗi tỉnh có sự đặc sắc khác nhau. Mình phải khai thác để tạo ra sản phẩm đặc trưng cho từng địa phương”.
Cùng với việc chuẩn bị các sản phẩm cho du lịch miền Tây thì hiện nay nhiều doanh nghiệp bắt đầu cho ra mắt những sản phẩm du lịch đến các tỉnh thành miền Trung khá đa dạng.
Bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour, miền Trung có rất nhiều tiềm năng để doanh nghiệp có thể khai thác tạo ra các sản phẩm phục vụ cho du khách trong thời gian tới: “Công ty đã làm mới lại các sản phẩm, các tuyến. Đặc biệt các sản phẩm chọn lọc lại phù hợp với các vùng xanh. Ngoài các thắng cảnh văn hóa thì ẩm thực cũng là điểm nhấn của các tuyến này”.
Sở Du lịch TPHCM xác định từng bước phục hồi ngành Du lịch theo hướng thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và đảm bảo nguyên tắc “An toàn tới đâu, mở cửa tới đó và mở cửa phải an toàn”. Trong đó, thị trường du lịch nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn đầu phục hồi.
Đặc biệt, các đơn vị sẽ kết nối chặt chẽ với các vùng xanh của các tỉnh thành đã liên kết để phát triển các tour tuyến, điểm đến an toàn liên vùng giúp cho các doanh nghiệp khởi động và chuẩn bị cho những kế hoạch xa hơn trong năm 2022.