Cần áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 - Thời sự 17g00 27/7/2021

(VOH) - Bên hành lang Quốc hội sáng nay, các đại biểu đánh giá cao các địa phương đã chủ động thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, thu nhập, sinh hoạt hàng ngày của người dân, đặc biệt là những lao động nghèo, công nhân bị mất việc, hoặc không thể đi làm việc do thực hiện chính sách giãn cách xã hội phòng chống dịch. Chia sẻ với khó khăn của người dân, nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ một số nhóm đối tượng cụ thể. Bên hành lang Quốc hội sáng nay, các đại biểu đánh giá cao các địa phương đã chủ động thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Đại biểu Vương Hữu Thắng, đoàn Quảng Nam cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, kéo dài, đặc biệt đối với các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đã gây ra nhiều khó khăn cho công nhân, người lao động do bị mất việc làm, giảm lương. Cuộc sống của nhiều đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, những hỗ trợ của Chính phủ đối với các nhu cầu thiết yếu, để giảm bớt khó khăn cho họ là rất cần thiết trong bối cảnh này: “Những địa phương có giám sát xã hội, đặc biệt là những khu vực công nhân và người lao động phải thuê nhà ở, hộ không  đến cơ sở kinh doanh đến nhà máy, xí nghiệp để làm việc. Người ta phải ở khu nhà trọ  để thực hiện việc giãn cách, thì theo tôi việc giảm giá điện và nước cũng như nhiều thiết yếu sinh hoạt khác cho khối công nhân và người lao động này là rất cần thiết và cấp bách.”

Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Nàng Xô Vi, Đoàn Kon Tum cho rằng: “Đối với công nhân mà đặc biệt là những công nhân đi làm thuê xa địa phương. Họ bây giờ là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bênh thì họ không đi làm được, chủ yếu là nhà. Như vậy không có nguồn thu thì những chi phí về điện, nước cũng là một gánh nặng của họ, có thể là hỗ trợ cho công nhân những vấn đề về giảm tiền điện nước sinh hoạt 1/3.”

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn Thái Nguyên, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ kịp thời cho người dân khi mà nguồn ngân sách nhà nước chưa về kịp thì các địa phương có thể ứng trước trong điều kiện cấp thiết để hỗ trợ người dân: “Trong khi nguồn ngân sách của Nhà nước mà có thể chưa về kịp thì địa phương có thể ứng trước những khoản để có thể chi. Đồng thời cần hỗ trợ thêm tiền chi phí, rồi các cái tiền sinh hoạt phí như điện nước, nhà trọ và đặc biệt là những mô hình về siêu thị không đồng, các bữa cơm từ thiện để nhằm giảm bớt những khó khăn, chia sẻ những khó khăn đối với những đối tượng lao động ở các khu công nghiệp cũng như đối tượng nghèo ở các khu công nghiệp tập trung về khu vực đô thị. Qua đó cùng chia sẻ với Chính phủ với Nhà nước và cộng đồng xã hội để vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay”

Thực tế thời gian đã có những địa phương chủ động tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời cho những người dân gặp khó khăn. Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đoàn Thừa Thiên Huế, ngoài những tỉnh không có năng lực hỗ trợ người dân thì những tỉnh đã cân đối được ngân sách cần tiếp tục tìm các nguồn thu và thực hiện việc xã hội hóa để giúp đỡ lao động nghèo, công nhân tại các khu công nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh: “Đối với các tỉnh từ trước đến nay đã tự cân đối ngân sách rồi thì bây giờ cũng phải cố gắng quan tâm để tiếp tục tìm nguồn thu, hỗ trợ cho các tầng lớp nhân dân khó khăn như người lao động, công nhân không để ai bị bỏ lại phía sau. Ngoài tự lực cánh sinh và phát huy nội lực cần thu hút xã hội xã hội hóa các nguồn lực từ các doanh nghiệp từ các tổ chức từ thiện từ mọi thành phần để hợp lực, tạo sức mạnh và quan tâm một cách cơ bản thiết yếu đến nhu cầu thiết yếu của người lao động trong tình hình hiện nay”.

Ngọc Ánh

Bình luận

Đọc Báo