Bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ, bổ nhiệm người thân gây bức xúc (17h-28/10/2016)

 (VOH) - Hôm nay 28/10, Quốc hội nghe Báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2016.

(17h-28/10/2016)

(VOH) - Hôm nay 28/10, Quốc hội nghe Báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2016.

Thanh tra Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ tướng cũng trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, và Ủy ban tư pháp Quốc hội có báo cáo thẩm tra các nội dung trên.

Tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ, bổ nhiệm người thân đang gây nhiều bức xúc, nghi ngờ trong cử tri và nhân dân.

Đây là nhận định đáng chú ý được Ủy ban tư pháp Quốc hội đưa ra khi thẩm tra báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ-nội dung rất được dư luận quan tâm. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh: Công tác bổ nhiệm, điều động cán bộ thời gian qua có tình trạng điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện tiêu chuẩn, phẩm chất năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế, bổ nhiệm người thân, bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ…. Mới đây nhất cử tri phản ánh một sở có 46 người mà 44 người được bổ nhiệm từ cấp phó phòng trở lên.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng nêu rõ: Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ, ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc dư luận.  

Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.

Năm 2016 chỉ có 11 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong khi đó có tới 194 vụ/441 bị cáo TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Trương Trọng Nghĩa, đoàn TPHCM nêu ý kiến: Nghị quyết Đảng xác định xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng là đúng, luật phòng chống tham nhũng cũng quy định như vậy. Nếu thực hiện được điều đó là một trong những bước đột phá trong chống tham nhũng. Nhiều nước đã thực hiện quy định này

Ủy ban Tư pháp cho rằng báo cáo của Chính phủ đã nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong phòng chống tham nhũng nhưng chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền. Theo Ủy ban Tư pháp, quyết tâm chống tham nhũng chỉ nằm trên văn bản, còn hành động trên thực tế lại chưa tương xứng. Đáng lưu ý có một số cán bộ còn bao che, tiếp tay, “bảo kê” cho vi phạm.

Ủy ban Tư pháp chỉ ra hàng loạt nguyên nhân quan trọng dẫn đến tham nhũng. Cụ thể, hiện nay có quy định bảo đảm kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống chính trị còn nhiều sơ hở, chưa cụ thể, cùng với việc thiếu kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực trên thực tế dẫn tới tình trạng lạm quyền để trục lợi cá nhân, cấu kết “sân sau”, “lợi ích nhóm”… 

Ủy ban Tư pháp cho rằng những bất cập trong công tác tổ chức cán bộ là nguyên nhân quan trọng làm cho công tác cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị để phòng chống tham nhũng còn hạn chế. Trong công tác cán bộ, việc điều động, bổ nhiệm cán bộ, công chức còn thiếu tiêu chí khoa học, khách quan để người đứng đầu đánh giá chính xác cán bộ, công chức.   

Theo Ủy ban Tư pháp, sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức chưa được coi là tiêu chí, thước đo quyết định sự tồn tại và thăng tiến của cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến tình trạng trì trệ, thiếu động lực làm việc, thậm chí vòi vĩnh, nhũng nhiễu.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về nội dung trên. 

VOH

Bình luận

Đọc Báo mới