Vụ việc trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng nghiện game trong giới trẻ.
Theo chuyên gia tâm lý, những học sinh chơi game, đặc biệt là nghiện game thường có kỹ năng xã hội kém, ít tương tác với những người xung quanh, kết quả học tập sa sút, khả năng đọc kém hơn các bạn cùng lứa tuổi, dễ thừa cân, béo phì… Tìm hiểu rõ thêm về thực trạng này, phóng viên Tuyết Nhung có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Tâm lý học Lê Minh Thuận, Trường Đại học Y Dược TPHCM.
*VOH: Thưa ông, qua nhiều vụ việc gần đây cho thấy tình trạng người trẻ nghiện game online, game bạo lực gây ra những ảnh hưởng tiêu cực không chỉ cho chính bản thân mà cho cả xã hội. Vừa là nhà nghiên cứu, vừa tham gia thực tế công tác điều trị tâm lý tâm thần, ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
- Tiến sĩ Tâm lý học Lê Minh Thuận: Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra các tỷ lệ số liệu, không chỉ ở trong nước và cả ngoài nước. Nguyên nhân là do sự phát triển công nghệ và đặc biệt là smartphone đã góp phần làm cho trẻ em nghiện.
Khi đứa trẻ thích xem hoạt hình, thích chơi game... đó là xu thế của trẻ em, là những yếu tố kích thích thần kinh của trẻ. Tuy nhiên, các em chơi nhiều quá sẽ dẫn đến nghiện và dẫn đến bạo lực. Khi hóa thành mình trong nhân vật, các em sẽ biến thành một siêu nhân nhảy xuống lầu, xuống đất, hay biến thành hoàng tử... Chính điều đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khó lường. Thực tế, tình trạng này ở Việt Nam khá nhiều, ngày càng nhiều, đặc biệt ở các vùng đô thị hoặc gia đình cha mẹ phải làm việc nhiều, sử dụng các phương tiện như điện thoại di động. Đây là điều rất đáng báo động.
Trong quá trình làm việc với các khoa tâm lý lâm sàn ở bệnh viện, tôi gặp rất nhiều trường hợp nghiện game. Ví dụ trong quá trình cha mẹ bận rộn với công việc, thấy con vòi vĩnh, khóc đòi, thường đưa con điện thoại để làm bạn với con. Cuối cùng, đứa con không giao tiếp với xung quanh, có khuynh hướng gay hấn, bạo lực... Trường hợp không đưa điện thoại, đứa trẻ đập phá, phản ứng nhiều. Hi hữu, có những trẻ lớp 3, lớp 4 vẫn không đọc chữ được, suốt ngày chơi điện thoại. Những đứa trẻ vào lớp 12, Đại học bắt đầu khởi phát tâm thần, loạn thần là do quá trình nghiện game từ nhỏ. Quá trình xuyên suốt từ nhỏ đến lớn, suốt cuộc đời cả chục năm chơi điện thoại, chơi game như vậy, đến tuổi thanh niên vào đại học bị loạn thần, uống thuốc cũng không cải thiện được. Qua khảo sát về sức khoẻ tâm thần ở các luận văn, luận án của sinh viên cho thấy vấn đề này rất đáng báo động.
*VOH: Thực tế với sự phát triển công nghệ như hiện nay việc người trẻ tiếp cận với công nghệ trong đó có game online là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, mức độ như thế nào thì game sẽ phát huy tác dụng tích cực, mức độ thế nào thì cần phải cảnh báo, can thiệp?
- Tiến sĩ Tâm lý học Lê Minh Thuận: Thứ nhất, về phía cha mẹ, mình phải có giờ giấc sử dụng hợp lý. Cha mẹ phải làm gương trước. Ngay bản thân một số cha mẹ cũng nghiện game và trò chơi trong điện thoại. Cha mẹ chơi game thì không thể cấm con cái không được chơi game. Vì vậy, phụ huynh cần chủ động việc này.
Thứ hai, phụ huynh phải cùng chơi với trẻ. Hiện nay, cha mẹ rất bận, đi làm về để trẻ chịu ngồi yên, phụ huynh thường đưa cho trẻ điện thoại. Việc này là không nên. Cần cho trẻ học và chơi đúng giờ, chơi cái gì. Phụ huynh cần cho trẻ biết điều đó. Cha mẹ có thể cùng chơi với trẻ nếu ở lớp nhỏ. Ở trẻ lớn hơn, các em ý thức rồi có thể cho trẻ chơi theo giờ và không để các em ngồi trong phòng riêng chơi mà chỉ cho chơi game ở những nơi cha mẹ có thể quan sát.
Thứ ba, luôn nêu cao ý nghĩa của việc chơi game hợp lý giúp phát huy trí thông minh và chỉ cho trẻ những trò game nào không hỗ trợ phát triển trí tuệ, những game nào có hại. Chúng ta nên khuyến khích trẻ chơi những trò game lành mạnh. Ngoài ra, cha mẹ nên khuyến khích con vận động ngoài trời, hạn chế giờ chơi game của trẻ bằng cách cho trẻ chơi bóng đá, học võ thuật, học múa, học đàn, nhịp điệu, kỹ năng sống ... Thời gian trẻ tiếp cận với điện thoại sẽ ít đi và giảm nghiện. Đó là những thực tế chúng ta có thể làm được. Tuy nhiên, không có biện pháp nào là hoàn chỉnh mà nên phối hợp nhiều biện pháp để hạn chế bớt, đặc biệt ở các em đang tuổi mới lớn thường chống đối.
*VOH: Mức độ nào thì chúng ta xác định trẻ nghiện game cần can thiệp?
- Tiến sĩ Tâm lý học Lê Minh Thuận: Có 3 mức độ khi tiếp xu chơi game: bình thường, lệ thuộc và nghiện. Mức nghiện nặng thể hiện ở trẻ chơi game có hiện tượng bấn loạn, gây hấn, có thể đánh lại, khủng hoảng, nếu không cho trẻ chơi. Và trẻ chơi liên tục từ 2-3 giờ/ngày, học tập giảm sút, lệ thuộc vào game, tính tình dễ gây hấn hơn. Trẻ có thể ngủ nhiều, ngủ gà ngủ gật do thời gian chơi game nhiều nên mất ngủ, mất ngủ lại dẫn đến rối loạn tâm thần, thu rút lại, không tiếp xúc người khác, không muốn giao tiếp với ai, dễ tăng cân béo phì,...
*VOH: Gia đình, nhà trường và xã hội cần có những giải pháp ứng xử như thế nào với trẻ để quản lý tốt hơn việc chơi game của con em, giúp phát huy những mặt tích cực, hạn chế tiêu cực từ game?
- Tiến sĩ Tâm lý học Lê Minh Thuận: Phía nhà trường hầu như kiểm soát rất tốt.
Về phía xã hội, không thể cấm kinh doanh buôn bán điện thoại hay phương tiện... Tuy nhiên, với những game bạo lực các nhà mạng có thể có cách nào đó để chặn bớt, không nên lưu hành.
Ở gia đình, cha mẹ vừa làm gương đồng thời có lịch biểu hợp lý cho con cái. Gia đình cần nhìn đến vấn đề hậu quả của nghiện game. Có thể chưa thấy liền nhưng về lâu về dài, càng lâu càng thấy rất rõ câu chuyện này. Thậm chí, người lớn cũng nghiện game chứ không chỉ 1 chiều là trẻ con. Giáo dục gia đình nên chỉ ra 2 mặt cho trẻ. Không phải cứ xài điện thoại là xấu mà chỉ cho trẻ xài như thế nào, điều gì là tốt, như thế nào là xấu... Cần nhắc đi nhắc lại thường xuyên cho trẻ.
Về phía truyền thông xã hội cũng nên nói về điều này để gia đình và trẻ em thông hiểu nhau, tận dụng được công nghệ vận dụng vào học tập tốt nhưng không để bản thân nghiện và lệ thuộc.
*VOH: Trường hợp phát hiện con cái, học sinh có dấu hiệu nghiện game, nên có giải pháp như thế nào?
- Tiến sĩ Tâm lý học Lê Minh Thuận: Thông thường cha mẹ phát hiện con nghiện game là sẽ la mắng, đánh đập. Cách làm đó không đúng. Chẳng lẽ ngày nào cũng la mắng rồi hôm sau lại đâu vào đấy.
Việc đầu tiên cha mẹ cần làm là bình tĩnh xác định mức độ nghiện của con. Thứ hai, cha mẹ đưa con đến nhà tâm lý, các khoa tham vấn lâm sàn để họ tư vấn cách giải quyết từng bước, giúp cho trẻ. Chúng ta không thể bắt trẻ bỏ ngang được mà phải có biện pháp cụ thể. Và đặc biệt đầu tiên là cha mẹ không được nổi giận đánh con cái. Phụ huynh phải đồng hành và trị liệu cho các bé.
Thầy cô trong trường học phát hiện trẻ nghiện game cũng nên thông báo cho phụ huynh.
Những trường có phòng tham vấn tâm lý, nên gửi những học sinh có dấu hiệu nghiện game đến các nhà tâm lý để được giúp đỡ.
*VOH: Cám ơn ông!