Muốn thừa hưởng tài sản của mẹ để lại phải làm sao ?

(VOH)- Một độc giả đã gửi mail với nội dung  khá dài và mong muốn luật sư tư vấn về trường hợp muốn thừa hưởng tài sản của mẹ, chị để lại.

Nội dung độc giả hỏi như sau:

Em muốn nhờ chương trình Tư vấn pháp luật của VOH online tư vấn trường hợp gia đình em phải làm như thế nào?

Ba và mẹ em không còn ở với nhau từ khi em còn bé, em ở với mẹ sau đó mẹ em đi thêm bước nữa và có thêm 2 người con gái, em cùng gia đình của mẹ vẫn sống chung. Đầu năm 2018, mẹ em bệnh nặng qua đời, sau đó vài tháng ba dượng và hai em gái cùng mẹ khác cha có kêu em ra công chứng, ký tên không tranh chấp tài sản và chuyển toàn bộ tài sản qua tên của Thúy (là con của ba dượng với mẹ) nhưng em không ký.

Tài sản mẹ em có l2 căn nhà, 1 căn bên đường Hồ Thị Kỷ - căn này do mẹ em đứng tên và mẹ mua trước khi đến với ba dượng, còn 1 căn bên đường Cống Quỳnh mẹ mua hồi 1991 và lúc đó đã sống cùng ba dượng nhưng 2 người chưa làm giấy kết hôn.

Năm 2004, mẹ và ba dượng mới làm giấy kết hôn, mẹ còn để lại 1 sổ tiết kiệm 500.000.000đ trong ngân hàng. Kể từ ngày ba dượng kêu em ra công chứng em không ký thì ông đến nhà trọ nơi em ở chửi bới em rất nhiều, tháng sau Ba dượng em cũng mất vì căn bệnh ung thư gan.

Do em không hiểu nhiều về phát luật - luật thừa kế và em là con riêng của mẹ không biết có được quyền thừa kế hay không, em muốn nhờ Chương trình tư vấn giúp em về việc thừa hưởng tài sản của mẹ để lại và em cũng nghe nhiều người nói do em không có giấy tờ gì cũng rất khó để tư vấn.

Em xin cảm ơn !

Luật sư Vũ Mạnh Hòa tư vấn:

Thứ nhất, việc xác định khối tài sản chung của vợ, chồng căn cứ vào sự tồn tại của quan hệ hôn nhân, quan hệ vợ chồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014: “1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân…”; theo Khoản 13 Điều 3 quy định: “Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân.”

Như vậy, tài sản chung của mẹ chị và ba dượng được tính trong thời kỳ hôn nhân bắt đầu từ khi kết hôn tức là ngày Uỷ ban nhân dân phường - nơi thường trú của vợ hoặc chồng vào sổ đăng kí kết hôn và cấp giấy chứng nhận kết hôn cho hai vợ chồng và chấm dứt khi mẹ chị chết. Theo đó:

  • Căn nhà trên đường Hồ Thị Kỷ là tài sản riêng của mẹ chị;
  • Căn nhà tại đường Cống Quỳnh không phải là tài sản chung của vợ chồng, tuy nhiên nếu chứng minh được sự đóng góp công sức, tiền bạc để mua căn nhà đó từ phía ba dượng chị thì căn nhà đó không hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của riêng mẹ chị;
  • Sổ tiết kiệm 500.000.000 đồng không rõ là được hình thành từ khi nào, tuy nhiên nó được kéo dài trong thời kỳ hôn nhân thì tài sản này có thể trở thành tài sản chung của vợ chồng.

Do đó, tài sản mẹ chị để lại có hai trường hợp xảy ra:

  • Trường hợp 1, 02 căn nhà và 1/2 giá trị sổ tiết kiệm;
  • Trường hợp 2, 01 căn nhà đường trên đường Hồ Thị Kỷ, 1 phần căn nhà trên đường Cống Quỳnh (chia theo phần giữa mẹ chị và ba dượng) và 1/2 giá trị sổ tiết kiệm.

Thứ hai, về việc thừa kế:

  • Trường hợp mẹ chị để lại di chúc thì thực hiện việc chia di sản theo di chúc. Tuy nhiên lưu ý Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, có nghĩa là những người không được chia di sản trong di chúc nhưng vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.
  • Trường hợp mẹ chị không để lại di chúc sẽ thực hiện việc chia thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Chương XXIII Bộ luật dân sự 2015. Chị, ba dượng (vì ông chết sau mẹ chị nên được hưởng thừa kế từ mẹ chị) và các anh chị em con riêng của mẹ chị với ba dượng, ngoài ra còn có cha, mẹ đẻ/nuôi của mẹ chị thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì được hưởng phần di sản bằng nhau theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015.

Như vậy theo như phân tích trên thì chị được hưởng phần di sản thừa kế mẹ chị để lại theo hàng thừa kế thứ nhất. Hơn nữa khi ba dượng chị chết chị cũng có thể được hưởng phần di sản của ông nếu đáp ứng điều kiện tại Điều 654 Bộ luật dân sự 2015: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau…”

Xin cảm ơn luật sư.

>>>>  Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại Tư vấn pháp luật

>>>> Thủ Tục Để Nhận Tài Sản Thừa Kế ?

>>>> Luật Sư Riêng Có Được Lập Di Chúc Cho Thân Chủ Không ?

BT (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo