Nông dân góp sức xây dựng, phát triển thành phố văn minh, hiện đại

(VOH) - Tiếp nối truyền thống vẻ vang của nông dân Việt Nam, trong những năm qua, bà con nông dân thành phố đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực vươn lên, cần mẫn lao động, sản xuất và giành được những kết quả quan trọng. Những đóng góp ấy không chỉ góp phần phát triển kinh tế gia đình mà còn có ý nghĩa qua trọng trong việc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Cùng với sự phát triển của thành phố và đất nước, các huyện ngoại thành hôm nay cũng khoác lên mình một diện mạo mới, năng động và đầy sức sống, với những ngôi nhà khang trang, những tuyến đường giao thông nông thôn được trải nhựa bằng phẳng hay những ngôi trường, ngôi chợ mới xây…góp phần đem lại cuộc sống tiện nghi hơn cho người dân.

Nhất là thu nhập của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Đạt được kết quả trên có sự đóng góp đáng kể của giai cấp nông dân, đã kiên trì vượt khó vươn lên, là nhân tố thúc đẩy sản xuất phát triển và là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới.

Hình minh họa. 

Với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, không cam chịu đói nghèo, nông dân luôn chịu khó học hỏi, đầu tư xây dựng những mô hình sản xuất hiệu quả. Từ đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi, mang lại thu nhập cho gia đình mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Gắn bó với nghề trồng mai hơn 20 năm, ông Trịnh Hoàng Quân, phường Linh Đông, quận Thủ Đức đôi khi cũng gặp khó khăn, bất lợi khi cây mai bị ảnh hưởng của thời tiết, không nở đúng dịp tết. Tuy nhiên, dù trong tình cảnh nào ông đều cố gắng vượt qua, duy trì việc sản xuất, tích cực chăm sóc để cung cấp cho thị trường những cây mai đẹp. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, có thể kiếm được khoảng 400 triệu đồng để chăm lo cuộc sống của gia đình.

“Đầu tiên phải có đam mê, nghề nào cũng vậy phải có đam mê, từ cái đam mê đó mình mới làm động lực để mình đi sâu tìm hiểu ngành nghề đó, công việc đó, mình mới toàn tâm toàn sức tìm hiểu nó, rồi cần cù là điều không thể không có của nông dân, bắt buộc đam mê, cần cù, ham học hỏi thì mình vẫn sống được bằng nghề. Rồi phải có kiến thức, người ta đi học tới nơi tới chốn thì mới có tầm nhìn, có tầm nhìn người ta mới viết lên những kế hoạch to tát, mới kêu gọi được nhà đầu tư”, ông Quân chia sẻ.

Thông qua đề án đưa nông dân đi học tập kinh nghiệm sản xuất ở nước ngoài, bà con nông dân đã được học hỏi kinh nghiệm, được tiếp cận với những kiến thức, kỹ thuật mới, hiện đại trên thế giới để áp dụng vào việc sản xuất. Từ đó, mạnh dạn đầu tư phát triển những mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình trồng hoa lan của bà Trần Ngọc Tuyết, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi. Từ vài ngàn m vuông ban đầu, từng bước xây dựng, mở rộng vườn lan lên diện tích 4ha, đồng thời, thành lập hợp tác xã để liên kết sản xuất và tiêu thụ hoa lan.

 “Cũng nhờ được hội quan tâm lúc đó mình được đi Thái Lan, Trung Quốc để thấy được người ta áp dụng kỹ thuật để người ta cho ra được sản phẩm hoa đẹp, tốt và giảm được chi phí nhân công thì lúc đó mình mới cạnh tranh giá thành, chứ còn nhiều nhân công quá làm sao mình được giá thành tốt nhất. Thì qua những chuyến đi đó để mình học hỏi, áp dụng tại vườn lan của mình để được mở rộng, phát triển” – bà Ngọc Tuyết cho biết. 

Người nông dân thành phố cũng đã thể hiện rõ nét vai trò chủ thể của mình trong chương trình xây dựng nông thôn mới, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như tham gia đóng góp vật chất và công sức để xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, góp sức thực hiện các tiêu chí hộ nghèo, nhà ở dân cư, thu nhập, môi trường… Từ khi triển khai chương trình đến nay, có gần 20.000 hộ dân hiến trên 200 ha đất, góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn cũng như nâng cao chất lượng đời sống người dân.

 Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định: “Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự chỉ đạo, lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự nỗ lực của các sở ngành, và đặc biệt sự vươn lên mạnh mẽ của nông dân thành phố, chúng tôi tin tưởng rằng chương trình xây dựng nông thôn mới và việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố và phong trào nông dân sản xuất giỏi của thành phố ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn thành phố giai đoạn 2016-2020 thành công”.

Không chỉ có ý chí vượt qua khó khăn, phấn đấu sản xuất giỏi, nông dân còn phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau cùng vươn lên thoát nghèo, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Ngoài việc hỗ trợ cây con giống, cho mượn vốn, những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi còn sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với nông dân nghèo để việc sản xuất đạt hiệu quả hơn. Ông Bùi Ngươn Hoàng, nông dân ở phường Linh Đông, quận Thủ Đức, nhờ phát triển nghề trồng hoa lan và câu cá giải trí, nên cuộc sống gia đình ngày càng ổn định và tận tình giúp đỡ bà con ở địa phương, được mọi người tin tưởng, yêu mến: “Mình hỗ trợ cho những người nghèo không có việc làm. Hai người đó là lao động, mình hỗ trợ là nuôi luôn. Ví dụ ở phường cần những suất học bổng kêu hỗ trợ là mình hỗ trợ. Rồi kỹ thuật mình chỉ hết, kỹ thuật thuốc men, cái cây, độ ẩm vườn ra sao, cái cây ra ngoài nắng như vậy phải xài thuốc gì. Những khi bệnh đau phải xài thuốc gì, chỉ hết. Chỉ anh em người ta phát triển chứ, anh em nào phát triển được thì mừng anh em đó”.

Do quá trình đô thị hóa nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp hàng năm đều giảm. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp thành phố vẫn duy trì mức tăng trưởng bình quân 5,8%/năm. Với vai trò chủ chốt của mình, nông dân đã tổ chức lại sản xuất, tích cực chuyển đổi các giống cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các giống mới có chất lượng và hiệu quả cao hơn, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung.

Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, cho hay: “Nhờ vào sự phối hợp có hiệu quả giữa Hội Nông dân và các sở ngành, đoàn thể nên các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại có cơ hội phát triển kinh tế, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá. Nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, tìm tòi sáng chế, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp vào quá trình xây dựng phát triển nền nông nghiệp đô thị và tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua”

Nếu thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2010 là 23,1 triệu đồng/người/năm, thì đến cuối năm 2014 lên đến 39,7 triệu đồng. Và hiện nay thu nhập bình quân ở 56 xã xây dựng nông thôn mới là 41,4 triệu đồng/người/năm. Rõ ràng là, thu nhập khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao, mang lại cuộc sống ổn định cho người dân.

Để có được kết quả trên, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố nhấn mạnh đến vai trò của người nông dân: “Đời sống vật chất văn hóa tinh thần, cơ sở vật chất hạ tầng, an ninh chính trị ngày càng được tăng cường mở rộng. Được cái thành tích đó là phải nói vai trò của Hội Nông dân trong những năm qua hết sức nổi trội. Vai trò coi như là chủ thể trong xây dựng nông thôn, trong đó có nông thôn mới, một số vấn đề khác liên quan để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngoại thành trong thời gian qua, góp phần cho thành phố rất lớn, không những là bằng những mô hình, bằng những chính sách, bằng những việc tuyên truyền, giáo dục…”

Trong quá trình phát triển của nền nông nghiệp, bên cạnh những thuận lợi, cũng có không ít khó khăn. Tuy nhiên, bà con nông dân ngày nay đã tích cực, chủ động hơn trong phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, giữ vững vai trò là nòng cốt, tiên phong trong các phong trào, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội của thành phố, đưa nông nghiệp, nông thôn thành phố tiếp tục phát triển bền vững và hiệu quả.

 Có thể nói, nhờ những chuyển đổi kịp thời, mạnh mẽ, thời gian qua, nông nghiệp TPHCM đã dần chuyển sang một nền nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế và từng bướcnâng cao đời sống của bà con nông dân, nhất là tại các vùng ngoại thành có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Tin rằng, với những chủ trương và chính sách đúng đắn, nông nghiệp - nông thôn của TPHCM sẽ tiếp tục có những phát triển mạnh mẽ trong năm mới 2017.

Trúc Mai

VOH

Bình luận

Đọc Báo