Xây dựng nông thôn mới gắn liền với giảm nghèo bền vững

(VOH) - TPHCM đang thực hiện chương trình “Giảm nghèo bền vững” với phương pháp đa chiều giai đoạn 2016-2020.

Theo đó chính sách giảm nghèo được áp dụng cho toàn thành phố, không phân biệt nội thành hay ngoại thành và không phân biệt người dân thường trú hay tạm trú. Đây là đặc điểm luôn được Đảng bộ, chính quyền Thành phố duy trì ngay từ xuất phát điểm nhằm hướng đến yếu tố cân bằng xã hội và tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, dựa trên nền tảng chiến lược này, Thành ủy đã phát động phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Chương trình xây dựng nông thôn mới sau 5 năm đã góp phần đẩy nhanh tỷ lệ giảm nghèo 5 huyện ngoại thành. Các chính sách phát triển nông thôn trước đây hay chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa Thành phố kể từ lúc khởi phát đã luôn có đan cài, gắn bó chặt chẽ với công tác giảm nghèo. Xác định phát triển kinh tế, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác hội, Hội nông dân TPHCM đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp giúp các hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng nông thôn mới. Điển hình là việc trao tặng công cụ sản xuất cho các hộ hội viên nông dân nghèo.

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai – Chủ tịch Hội Nông dân TP – cho hay: "Năm nay, Hội Nông dân TP phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chăm lo cho nông dân bằng việc hỗ trợ phương tiện sản xuất. Chúng tôi xác định đây là cần câu để người nông dân tiếp tục bỏ thêm công sức của mình, đầu tư làm sao phát triển, đặc biệt là sản xuất ra được sản phẩm tự nuôi sống gia đình mình, không cần hỗ trợ của xã hội nữa".

Rõ ràng, chính sách giảm nghèo xuyên suốt qua nhiều giai đoạn luôn đem đến những “công cụ”, giải pháp và “cánh tay trợ lực” cần thiết để hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo ở nông thôn có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Ở huyện Củ Chi, đã có trên 1.400 căn nhà tình thương tặng cho hộ nghèo, giúp bà con an cư lạc nghiệp. Mỗi năm, huyện giải quyết việc làm cho khoảng 8.000 lao động góp phần nâng thu nhập bình quân của người dân tăng từ 21 triệu lên 40 triệu đồng/người/năm. Để có được những kết quả khả quan này đều nhờ vào sự quan tâm, giúp đỡ thiết thực của Thành phố và sự đoàn kết, đồng lòng vượt khó của bà con.

Ông Phan Văn Tới, một hộ thoát nghèo thành công ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, kể lại: "Đầu tiên tôi được cho vay xóa đói giảm nghèo 5 triệu, từ 5 triệu đó tôi mua được 3 con heo nái. Lao động trong 3 năm, từ 3 con nái tôi đã nhân lên được 12 con nái ... Và sau 3 năm đó, tôi trả tiền ngân hàng".

Tương tự như gia đình ông Phan Văn Tới, gia đình chị Ngô Thị Thanh Thúy, ngụ tại ấp 6, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn – từ nghèo khó, thiếu trước hụt sau, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ xây nhà tình thương, cho vay vốn chăn nuôi, đến nay, gia đình chị đã ổn định cuộc sống.

Minh chứng cho tính hiệu quả từ sự gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo bền vững đã thể hiện khá rõ nét trên địa bàn huyện Cần Giờ. Hệ thống trường học, trạm y tế, bệnh viện, khu vui chơi được sửa chữa, xây mới khang trang. Công tác giảm nghèo giúp huyện Cần Giờ chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội như học bổng, bảo hiểm y tế, xây dựng, sửa chữa nhà, hỗ trợ vốn, phương tiện mưu sinh được chăm lo kịp thời.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm chia sẻ về việc chăm lo các chiều nghèo cho người dân tại địa phương: "Đảm bảo năm nay sẽ đạt 100% hộ dân sử dụng nước sạch. Riêng về việc tiếp cận thông tin, thời gian qua chúng tôi tặng rất nhiều điện thoại di động, điện thoại bàn, máy thu hình, đầu thu kỹ thuật số cho người dân. Các chính sách về giáo dục, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt thẻ bảo hiểm y tế thì chúng tôi tập trung rất nhiều cho người dân. Cơ bản hầu hết người dân có được thẻ bảo hiểm y tế và nhà ở trên địa bàn huyện Cần Giờ thì xóa nhà tạm dột nát đã cơ bản xong".

Giai đoạn 2016 – 2020, chương trình Giảm nghèo bền vững được triển khai theo phương pháp đa chiều nhằm giải quyết các chiều nghèo xã hội khác nhau chứ không chỉ đơn thuần tiêu chí thu nhập. Do vậy nếu thực hiện tốt công tác giảm nghèo sẽ chăm lo toàn diện đời sống bà con 5 huyện ngoại thành.

Ông Nguyễn Văn Xê, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững thành phố, cho biết: "Trong giai đoạn này thì cố gắng làm sao mình giảm nghèo bình quân 1% mỗi năm. Tuy nhiên riêng các huyện ngoại thành, đặc biệt các xã ngoại thành thì tỉ lệ nghèo ngoại thành cao hơn. Do đó tốc độ giảm nghèo ở các địa bàn này khoảng 2% đến 3%, riêng với huyện Cần Giờ thì phải 7% thì mới có thể đáp ứng được. Mà giảm nghèo ở đây giảm nghèo theo cả tiêu chí thu nhập và theo tiêu chí đa chiều".

Xuyên suốt thời gian qua, Đảng bộ - Chính quyền Thành phố luôn coi phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng. Trong khi bộ tiêu chí xây dựng Nông thôn mới có tiêu chí Thu  nhập và một số tiêu chí liên quan đến an sinh xã hội thì chương trình Giảm nghèo bền vững cũng đề ra nhiều giải pháp, chính sách để thúc đẩy phát triển ở khu vực nông thôn. Cơ sở này một lần nữa cho thấy Thành ủy phát động phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 nhằm đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về giá trị cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới: Đó là làm sao đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân ở 5 huyện ngoại thành.

Minh Phước

Bình luận

Đọc Báo