Tuyển sinh sư phạm: nâng chất đầu vào phải có lời giải cho đầu ra - Thời sự 17g 12/5/2018

(VOH) - Bức tranh tuyển sinh vào các trường sư phạm được dự đoán sẽ có nhiều biến động, khi chủ trương nâng chuẩn đầu vào quy định học lực giỏi mới được xét tuyển. 

Đây được xem là giải pháp siết chặt chất lượng đầu vào, đáp ứng nhu cầu chất lượng và tương quan cung - cầu trong đào tạo giáo viên. Nâng chất đầu vào, vậy bài toán đầu ra nhân lực sư phạm cũng phải được giải bằng những giải pháp đồng bộ nào? Phân tích của Phóng viên Thiên An:

Sư phạm là nhóm ngành duy nhất Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ "điểm sàn" trong mùa tuyển sinh năm nay. Chủ trương của Bộ là nâng cao ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, quy định nâng ngưỡng xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông cao hơn so với các năm trước.

Cụ thể, đối với trình độ đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành sư phạm gồm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Còn đối với trình độ cao đẳng, trung cấp thì quy định chỉ xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.  

Với chủ trương này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhìn thấy trước những tác động trực tiếp đối với các trường đại học, cao đẳng có đào tạo sư phạm. Giảm số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, đó là điều chắc chắn. Từ đó, một số trường có thể gặp khó khăn để duy trì hoạt động, cần chi phí để đổi mới, đánh giá, cơ cấu lại.

Thực tế, tổng số nguyện vọng sư phạm mà thí sinh trên cả nước đăng ký hồ sơ dự thi trung học phổ thông Quốc gia 2018 vừa qua đã giảm gần 30%. Trong đó, số nguyện vọng 1 – lựa chọn đầu tiên của thí sinh, vào các trường có ngành sư phạm cũng đã giảm 27% so với năm ngoái.

Đổi lại, việc đào tạo sẽ sát với quy mô sử dụng giáo viên, có khả năng thu hút các sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm, dẫn đến giảm thiểu tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm.

Nhìn ở một khía cạnh tích cực hơn, khi biết chủ trương nâng chuẩn đầu vào, giảm chỉ tiêu mà thí sinh vẫn đăng ký vào sư phạm. Điều này cho thấy thí sinh khi quyết định ghi hồ sơ đăng ký xét tuyển vào sư phạm, họ đã thực sự tìm hiểu và chọn nghề giáo bằng chính sở thích và dành cái tâm với nghiệp trồng người.

Còn nhớ, từ khi chính sách miễn học phí cách đây gần 20 năm với mục đích nhằm thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm ra đời, đến nay đã bao thế hệ giáo viên được thụ hưởng từ chính sách nhân văn này.

Thế nhưng, càng về sau, nó đã bộc lộ nhiều vấn đề, bị cho là lỗi thời và thiếu tính thực tiễn. Đó là khi, một bộ phận giáo viên đã có những biểu hiện, hành vi không đúng mực trên bục giảng, cư xử không đúng với quy tắc ứng xử trong môi trường giáo dục, đã không trọn vẹn cái tâm với nghề.

Thậm chí, với những sự cố không hay của ngành giáo dục thời gian quan, hình ảnh người thầy một lần nữa bị lung lay, mối quan hệ thầy – trò ngày càng mờ nhạt, vị thế người thầy trong xã hội cũng bớt lung linh hơn.

Nghề giáo là nghề cao quý, do đó nhất thiết phải lựa chọn cho được những tinh hoa, những thí sinh ưu tú nhất để đào tạo, đây là quyết định đúng đắn của ngành giáo dục.

Có người học giỏi mới có giáo sinh giỏi, từ đó mới cho ra lò những giáo viên giỏi tương lai. Người thầy giỏi, yêu nghề, ắt hẳn sẽ dạy cho bao thế hệ học trò giỏi, mới truyền được đam mê học tập trong mỗi đứa trẻ.

Tuy nhiên, việc siết chặt đầu vào sẽ chỉ là giải pháp tình thế, nếu như hàng năm tình trạng cử nhân ra trường thất nghiệp còn dài dài. Mấu chốt vấn đề ở đây là giải quyết khâu đầu ra: đó là phải cam kết tạo được việc làm, có chế độ đãi ngộ tương xứng cho giáo viên, như vậy mới thu hút được người giỏi vào sư phạm.

Song song với nâng chất đầu vào, phải tiến hành đồng thời các giải pháp, trong đó phải kể hàng đầu là quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo sư phạm, nâng chuẩn giảng viên, đổi mới chương trình nội dung phương pháp giảng dạy và học tập để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực sư phạm......  

Có như vậy, chủ trương đổi mới tuyển sinh sư phạm năm nay mới giải quyết dứt điểm những tồn đọng về nhân lực sư phạm bấy lâu nay./.

VOH

Bình luận

Đọc Báo