Triển lãm Phái đoàn Quốc hội VN khóa I thăm chính thức Cộng hòa Pháp 1946 – Thời sự 5g30 23/03/2019

(VOH) – Lần đầu tiên, người dân cùng các nhà nghiên cứu thành phố được chiêm ngưỡng, được nhìn lại toàn bộ sự kiện và “chạm tay” tới khoảnh khắc quý giá của 73 năm về trước.

Kỷ niệm 73 năm (1946-2019) ngày phái đoàn Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sang thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp, Bộ Nội vụ cùng với Vụ Thông tin – Văn phòng Quốc hội tổ chức cuộc triển lãm “Phái đoàn Quốc hội Việt Nam khóa I thăm chính thức Cộng hòa Pháp năm 1946 – Biểu tượng của khát vọng hòa bình” tại Đường sách thành phố Hồ Chí Minh. 

Ngày 16/4/1946, theo lời mời của Quốc hội lập hiến Cộng hòa Pháp, phái đoàn Quốc hội Việt Nam do Phó trưởng ban Thường vụ Quốc hội Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã đến thăm hữu nghị nước Pháp. Phái đoàn dân cử đầu tiên của một nước thuộc địa mới giành được độc lập, hiện diện ở Paris thể hiện mạnh mẽ ý chí, khát vọng hòa bình của dân tộc, của Đảng và chính phủ Việt Nam, có ý nghĩa to lớn đối với phong trào hòa bình trên thế giới, đã giành được sự đón tiếp và ủng hộ nồng hậu của đông đảo kiều bào, nhân dân yêu chuộng hòa bình Pháp và bạn bè 5 châu.

Triển lãm “Phái đoàn Quốc hội Việt Nam khóa I thăm chính thức Cộng hòa Pháp năm 1946 – Biểu tượng của khát vọng hòa bình” là dịp để giới thiệu đến công chúng ở trong và ngoài nước gần 200 ảnh và tài liệu về chuyến thăm hữu nghị Cộng hòa Pháp – hoạt động ngoại giao đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (16/4/1946 đến 23/5/1946). Đây cũng là lần đầu tiên những bức ảnh: Máy bay Dakota số 972 – máy bay trở Phái đoàn Quốc hội Việt Nam Khóa I thăm Cộng hòa Pháp, tại đường băng Gia Lâm, Hà Nội ngày 16/4/1946, ông Phạm Văn Đồng – Trường phái đoàn, đáp lời chào mừng của Kiều bào và Giáo sư Rivet – đại diện Chính phủ Pháp, Kiều bào, đại diện Chính phủ Pháp đưa tiễn Phái đoàn Quốc hội Việt Nam về nước tại đường băng Bourget ngày 16/5/1946 hay quyết định thành lập phái đoàn sang Pháp của Bác Hồ,... được giới thiệu rộng rãi đến công chúng thành phố mang tên Bác.

Hơn 70 năm qua trong các công trình nghiên cứu về lịch sử nói chung, lịch sử Quốc hội Việt Nam nói riêng đề cập đến không nhiều. Qua triển lãm này, lần đầu tiên, người dân cùng các nhà nghiên cứu thành phố được chiêm ngưỡng, được nhìn lại toàn bộ sự kiện và “chạm tay” tới khoảnh khắc quý giá của 73 năm về trước. Thông qua đó cho thấy được các hoạt động yêu mến hòa bình ngay từ khi đất nước mới độc lập, không chỉ của quốc hội khóa đầu tiên mà còn là chính thể nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

PGS Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử thành phố đánh giá về chuyến thăm đầu tiên của Phái đoàn Quốc hội Việt Nam khóa I thăm chính thức Cộng hòa Pháp năm 1946: “Sự kiện đó mở ra cho cả giai đoạn lịch sử rất dài và tạo điều kiện cho chúng ta không chỉ nước Việt Nam lần đầu tiên có tên trên bản đồ hiện đại thế giới mà sự xuất hiện của sức mạnh của nền độc lập, của khát khao hòa bình. Chúng ta đem đến trái tim mong muốn được tự do, mong muốn được độc lập. Chúng ta đã làm cho toàn bộ thành quả của nền độc lập toàn bộ quá trình vận động của lịch sữ Việt Nam cho đến lúc đó được hoàn chỉnh, được hoàn tất, để có nền dân chủ thực sự không kém cỏi gì so với các nền cộng hòa đã xuất hiện ở trên thế giới”

Chính vì biểu tượng của khát vọng hòa bình, vì tầm quan trọng của phái đoàn ngoại giao ấy mà triển lãm lần này đem lại những tư liệu vô cùng quí giá, mà có khi ngay cả là người thân của các đại biểu tham dự phái đoàn ngoại giao năm 1946 lần đầu tiên mới được biết. Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học công nghệ và Quân sự Bộ Quốc phòng, con trai duy nhất của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại biểu Quốc hội các khóa từ I đến VII, Trưởng phải đoàn Quốc hội VN thăm Cộng hòa Pháp năm 1946 hồi tưởng: “Bác có cử ba tôi sang Pháp vào tháng 4 năm 1946. Bác có dặn dò ba tôi đây là chuyến đi hữu nghị và thân thiện, cơ hội để bày tỏ tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với Quốc hội và nhân dân Pháp. Cũng là cơ hội để chúng ta bày tỏ tình cảm, tranh thủ tình cảm với quốc hội và nhân dân thế giới. Vì tại buổi thăm hữu nghị đó còn có rất nhiều nhà báo. Tại buổi thăm hữu nghị đó thể hiện khát vọng của dân tộc Việt Nam với hòa bình”.

GS.TS Trần Thanh Bình - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu, thiết kế trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, con trai Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Danh, thành viên phái đoàn Quốc hội Việt Nam thăm Cộng hòa Pháp chia sẻ về quãng thời gian ba ông ở Pháp hoạt động ngoại giao: “Ba tôi ở bên Pháp không những là vấn đề vận động Việt Kiều, mà còn là công tác làm sao cho người Pháp hiểu. Hoạt động ngoại giao lúc bấy giờ là toàn các cụ phải tự nghĩ, để vận động làm như thế nào để rất tốt. Phái đoàn hoạt động ngoại giao để làm sao đoàn kết, để cho người Pháp hiểu mình mà cụ Hồ đã dặn phái đoàn trước khi đi. Tôi nghĩ rằng phương châm của cụ Hồ đặt ra cho phái đoàn ấy và sứ mệnh quốc hội đấy dường như được tiếp diễn trong cả quá trình làm công tác ngoại giao của mình bên nước ngoài”

Triển lãm cũng là dịp để cho thế hệ trẻ, sinh viên có cơ hội tiếp cận lịch sử, trau dồi kiến thức. Trần Thanh Vẹn, sinh viên năm 2, Khoa Quản lý nhà nước, Học viện Cán bộ thành phố, xúc động: “Đến với buổi triển lãm em thấy rất ý nghĩa. Trong suốt thời gian lịch sử vừa qua thì những tư liệu của phái đoàn Việt Nam sang Pháp được công bố. Lúc trước đọc lịch sử thì tụi em cũng chưa được biết vấn đề này. Đây là nguồn thông tin để cung cấp cho tụi em trong quá trình học”

Với giá trị đặc biệt của những bức ảnh, sự trân quý lịch sử, trân quý những người con của Tổ quốc đã làm nên những ngày tháng lịch sử hào hùng, triển lãm “Phái đoàn Quốc hội Việt Nam khóa I thăm chính thức Cộng hòa Pháp năm 1946 – Biểu tượng của khát vọng hòa bình” sẽ là nơi để cho tất cả mọi người tham quan sẽ hiểu và yêu thêm tổ quốc mình, cống hiến nhiều hơn cho đất nước.

Ngọc Bích

VOH

Bình luận

Đọc Báo