Trạm y tế phải là điểm sáng – Thời sự 5g30 15/08/2018

(VOH) - Bản chất vấn đề cần phải hiểu đúng nghĩa, y tế cơ sở phải thu hút được người bệnh, muốn vậy phải tạo dựng niềm tin cho người bệnh.

Loại bài Vực dậy y tế cơ sở - cốt để dân tin 

Bài 3: Trạm y tế phải là điểm sáng

Như vậy, muốn mô hình bác sĩ gia đình triển khai thành công tại tuyến y tế cơ sở thì trạm y tế phải là hình mẫu, đóng vai trò hạt nhân, là điểm sáng để thu hút người bệnh. Trong đó, cốt lõi làm sao trạm y tế phải thực hiện được quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân – đây được xác định là phương thức để tăng cường phát hiện sớm, đưa những người bệnh mãn tính vào quản lý điều trị, bên cạnh đó giúp người dân chủ động phòng bệnh bằng cách làm tốt công tác dự phòng. Trên nền tảng đó mới mong giảm gánh nặng bệnh tật cho tuyến trên, giảm chi phí khám chữa bệnh, đó cũng là cách căn cơ để không còn tình trạng bội chi, vỡ quỹ bảo hiểm y tế.

Theo nguyên lý y học gia đình thì bệnh nhân sẽ được bác sĩ gia đình chăm sóc từ nhỏ cho tới lớn. Trong quá trình bệnh tật của bệnh nhân đó, người bác sĩ gia đình nắm rất kỹ cụ thể như bệnh nhân của họ mắc bệnh gì, bao nhiêu lâu, tiền căn bệnh sử ra sao, dị ứng với thuốc gì… Không những theo dõi sức khoẻ bằng việc trực tiếp thăm khám, mà tất cả các chỉ số sức khỏe, mô hình bệnh tật của từng thành viên sẽ được lập hồ sơ sức khỏe cá nhân theo nguyên lý y học gia đình. PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, nếu triển khai đúng theo mục tiêu này thì đây là bước tiến ngoạn mục của  y tế Việt Nam: “Chúng tôi sắp xếp việc thực hiện xây dựng lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân theo nguyên lý y học gia đình. Nghĩa là chúng ta quan tâm đến người dân, người bệnh liên tục từ trong bụng mẹ, khám thai cho đến giáodục giới tính rồi các giai đoạn, thời kì của con người chia làm 6 giai đoạn. Nếu chúng ta làm được thì đây là bước tiến khó nước nào sánh bằng”

Ảnh minh họa. 

Đồng tình với quan điểm của Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê, bác sĩ có thâm niên gắn bó với bác sĩ gia đình từ những ngày đầu, Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh đang đảm trách khám bác sĩ gia đình tại phường 9, quận 10 cho rằng phải quyết tâm thực hiện lập hồ sơ sức khỏe cá nhân theo nguyên lý y học gia đình thì lúc đó quản lý y tế mới mang tính bền vững, căn cơ: “Khi muốn phát triển y học gia đình thì phải có bệnh án đầy đủ của người ta, từ lúc mang thai, được sinh ra, trong quá trình sinh ra và lớn lên đó có những bệnh tật gì quan trọng. Muốn làm điều đó hãy phát triển ở y tế phường xã và tạo điều kiện cho người ta có bệnh án quản lý trẻ, từ khi được sinh ra, chích ngừa và phải quản lý bằng hệ thống máy tính chứ không thể nào trên giấy được. Cứ bắt đầu làm như vậy thì sau 5 năm chúng ta sẽ có lượng bệnh án hoàn chỉnh theo nguyên lý y học gia đình”

Tuy nhiên, vì những bất cập trong việc khám theo mô hình bác sĩ gia đình mà bài 1 đã đề cập nên hầu như trạm y tế nhìn trên bình diện chung rất ít.

Như vậy vấn đề đặt ra làm sao để người dân tin, đến trạm y tế khám chữa bệnh là vấn đề không hề đơn giản. Trong bối cảnh xã hội hóa y tế, rồi cạnh tranh công tư khốc liệt, để thu hút bệnh nhân đến y tế cơ sở quả rất khó. Tuy nhiên, nếu không giải quyết được mấu chốt này thì mãi mãi sẽ không thể nào chấm dứt tình trạng quá tải.

Y tế chỉ thực sự vững chắc khi chúng ta thiết lập được hệ thống y tế cơ sở một cách căn cơ, bền vững và hoạt động chủ yếu phải đẩy mạnh dự phòng để giảm gánh nặng bệnh tật.

Như PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố đã thẳng thắn nhìn nhận trong bài 1, người dân chưa tin vào trạm y tế, đó là một thực tế. Vì chưa tin nên bệnh nhân không đến trạm y tế khám là điều đương nhiên. Chính vì thực trạng này tồn tại  trong suốt thời gian dài dẫn đến “vỡ trận” cho y tế cơ sở, bệnh nhân đều đổ dồn lên tuyến trên để khám dù chỉ là những bệnh thông thường. Điều này hoàn toàn không có ở nước ngoài vì họ thiết lập hệ thống y tế căn cơ, tất cả đều đi theo một trật tự.

Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng nghịch lý ở chỗ:  “Người dân rất thuận lợi khi Quốc hợi thông qua Luật bảo hiểm y tế sửa đổi thì lợi trước mắt rất rõ là liên thông, bệnh nhân được quyền tự lên bệnh viện để khám nhưng về lâu dài người dân sẽ bất lợi vì ai cũng lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải. Đối với các nước không có chuyện khi anh cảm, anh bệnh lên thẳng bệnh viện hết, không có nước nào có quy định đó hết, như Thái cũng vậy, hay nước Úc tất cả đều phải qua y tế cơ sở, qua bác sĩ gia đình ngoại trừ cấp cứu mà thôi. Như vậy thì đầu tiên mình phải nâng cao năng lực chứng minh trước, thứ hai là phải có cơ chế để buộc người dân đến cơ sở trước tôi nghĩ như vậy mới thiết thực”

Để phát triển y tế mang tính bền vững thì y tế cơ sở phải thực sự vững chắc, phải gắn y tế cơ sở với y học gia đình. Nhìn vào thực tế hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát biểu tại hội nghị nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế ban đầu theo nguyên lý y học gia đình vừa qua rằng, cho đến nay, người dân vẫn chưa tin vào tuyến y tế cơ sở: “Một là hoạt động ở đó chưa thu hút người dân họ không tin vào hệ thống đó tự ý vượt tuyến gây quá tải không cần thiết. Và thứ hai là không lo quá tốn kém và cách đó không khôn ngoan. Các chuyên gia quốc tế đã nói nếu chúng ta không đầu tư cho hoạt động y tế cơ sở thì cách làm này không bền vững. Hiện tại, khám chữa bệnh tại trạm y tế cũng không thu hút, trạm chỉ làm tiêm chủng, phòng chống dịch, một số chương trình mục tiêu quốc gia nhưng cũng chưa được quản lý bài bản”

Đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, Bộ Y tế bước đầu triển khai lựa chọn 26 xã, phường trên phạm vi cả nước xây dựng mô hình trạm y tế xã điểm về y tế cơ sở, đó là những bước đi phải được xác lập hầu mong trong tương lai không xa y tế cơ sở phát triển. Bộ đã có chủ trương từ trên và quyết triển khai, vậy nên tháo rào cản hay những điểm nghẽn từ bác sĩ gia đình thật không quá khó nếu cùng nhau đồng phối hợp. Mấu chốt vấn đề để mô hình này thực hiện thành công tại tuyến y tế ban đầu thì trạm y tế phải là điểm sáng thì khi đó mới thu hút bệnh nhân. Lúc đó thì  bác sĩ gia đình mới có “đất dụng võ”.

VOH

Bình luận

Đọc Báo