Trong đó, nhóm các sản phẩm công nghiệp chủ lực, tiềm năng chiếm gần 55%. Để tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, đồng thời nâng cao sự đóng góp của khoa học và công nghệ vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, nông nghiệp công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, TPHCM đã triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nhóm các sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng của thành phố với mục tiêu đưa tăng trưởng của các ngành đạt từ 8,2% - 8,4%. Phỏng vấn giữa phóng viên VOH với ông Nguyễn Phương Đông – Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM về chiến lược đẩy mạnh phát triển nhóm sản phẩm nòng cốt này của TP.
Ảnh minh họa: BVP
VOH: Thưa ông, hiện TPHCM phân loại 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng. Những sản phẩm này được đánh giá là tiềm năng và chủ lực để được TP chọn hỗ trợ, thúc đẩy phát triển dựa trên những tiêu chí nào?
Ông Nguyễn Phương Đông: Để chọn ra những sản phẩm công nghiệp chủ lực, thì trước khi UBND TP ban hành công nhận, Sở Công thương chủ trì phối hợp với rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cũng như các hội ngành nghề để lấy ý kiến về xây dựng bộ tiêu chí cho sản phẩm công nghiệp chủ lực, tiềm năng của TP. Từ những cuộc tọa đàm hội thảo, mới đúc kết được những tiêu chí. Về tiêu chí có hai loại, thứ nhất dành cho tất cả các sản phẩm của các ngành công nghiệp - 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP và tiêu chí riêng cho từng ngành.
Theo đó, tiêu chí chung những sản phẩm phải do doanh nghiệp tại TP trực tiếp sản xuất ra, những sản phẩm đó phải có tính ưu việt, có giá trị gia tăng cao, được thị trường trong và ngoài nước tiêu thụ, đặc biệt có khả năng thay thế được hàng nhập khẩu, đó là những tiêu chí chung cho sản phẩm công nghiệp chủ lực tiềm năng. Tuy nhiên, đi vào từng lĩnh vực cụ thể cho từng ngành, thì có tiêu chí riêng cho phù hợp với từng ngành. Ví dụ ngành lương thực thực phẩm, những sản phẩm chủ lực này phải có những thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm làm ra có hệ thống quản lý chất lượng tốt, sử dụng nguyên liệu nội địa để nội địa hòa sản phẩm, thúc đẩy ngành sản xuất khác phát triển. Ví dụ như ngành lương thực thực phẩm, ngành cơ khí cũng có đặc trưng của ngành cơ khí, ngành điện tử cũng có những đặc trưng của ngành điện tử. Đó là cách chọn sản phẩm chủ lực và tiềm năng có hai dạng tiêu chí chung, và từng ngành lĩnh vực công nghiệp TP thì có tiêu chí riêng.
VOH: Ông cho một vài đánh giá về giá trị xuất khẩu của TPHCM những năm gần đây, đặc biệt là những đóng góp của sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng cho kinh tế TP?
Ông Nguyễn Phương Đông: Trong kim ngạch xuất khẩu của TP năm 2018, xuất khẩu của Tp đạt khoảng 37-38 tỷ đô la Mỹ. Trong đó tất nhiên là có sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, để đánh giá số liệu chính xác phải phối hợp với Cục Hải quan, Cục Thống kê thì mới đánh giá được rổ hàng hóa của những sản phẩm chủ lực trong tổng giá trị xuất khẩu chung của TP. Việc này Sở Công thương đang phối hợp với Cục Hải quan, Cục Thống kê khảo sát đánh giá chính xác, từ đó mới tham mưu cho TP có chính sách hỗ trợ.
VOH: Cụ thể TPHCM đã hỗ trợ những gì cho nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu, cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu?
Ông Nguyễn Phương Đông: Trên công nhận của TP về 7 nhóm công nghiệp chủ lực, tiềm năng của TP, vừa qua, TP ban hành văn bản chỉ đạo cho các sở ngành TP để có tham mưu, đề xuất, hỗ trợ cho sản phẩm chủ lực này có điều kiện phát triển hơn nữa. Ví dụ hỗ trợ về thủ tục hành chính để tiếp cận về mặt bằng đất đai, Ban Quản lý khu chế xuất khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để khi các doanh nghiệp mở rộng dự án đầu tư sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp. Từng cơ quan ban ngành khác, ví dụ vừa qua TP phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, Ngân hàng Nhà nước VN thực hiện chương trình kết nối ngân hàng đối với những doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực này để tạo điều kiện về vốn cho doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Rồi, các cơ quan về xúc tiến thương mại cũng sẽ xem xét khi tham gia hội chợ trong và ngoài nước thì sẽ quảng bá sản phẩm chủ lực của TP. Đồng thời Sở Công thương cũng xây dựng được cơ sở dữ liệu của những sản phẩm chủ lực này để tạo điều kiện kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm này đến thị trường trong và ngoài nước.
VOH: Xin cám ơn ông!