TPHCM đẩy nhanh khu công viên khoa học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

(VOH) - Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân với Khu công nghệ cao TPHCM diễn ra sáng 20/9, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP đã đề xuất 5 kiến nghị. 

Trong đó có đề cập đến việc thành lập Khu Công viên Khoa học, kết nối từ khu 1 sang khu 2.

Ông Lê Hoài Quốc - Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP đề xuất, TP cần ưu tiên dành vốn đầu tư cho khu 2 và hoàn thiện hạ tầng khu 1 trong khu công nghệ cao; nên có chính sách riêng cho cá nhân hoạt động trong khu công nghệ cao, có hành lang pháp lý cho Quỹ đầu tư bảo hiểm. Ông Lê Hoài Quốc cho rằng kinh nghiệm của Đài Loan, xây dựng khu công viên khoa học Tân Trúc mang tầm thế giới. Họ phát triển chuỗi thành 8 khu công nghệ cao mới nằm xoay quanh đảo Đài Loan, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra những sản phẩm cạnh tranh quốc tế.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân làm việc tại Khu công nghệ cao TPHCM.

Theo ông Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM, Khu công nghệ cao đã qua giai đoạn khởi động, bước vào thời kỳ phát triển theo hướng thay đổi sản phẩm dịch vụ, tăng dần mô hình nghiên cứu và triển khai (R&D), Thành phố cần lập nghiên cứu quy hoạch thành khu đô thị khoa học công nghệ Đông Bắc TPHCM, lõi là Khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia TP.

Để làm được điều này, ông Huỳnh Thành Đạt đề xuất: ”TP ủng hộ để Đại học quốc gia và Khu công nghệ cao xúc tiến ký kết thỏa thuận hợp tác, xây dựng cơ chế sử dụng nguồn nhân lực, sử dụng chung hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm. Thứ hai, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trực tiếp cho khu công nghệ cao và xã hội…”.

Trong định hướng quy hoạch của TP, đã xác định khu Đông là khu đô thị khoa học, giáo dục, ông Nguyễn Thanh Toàn – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cho hay: “Ban cũng đang thực hiện tư vấn để lập đồ án, Sở sẽ trình trực tiếp lên UBND TP, nội dung của khu 2 này Sở cũng đặc biệt quan tâm, xây dựng phát triển theo hướng hiện đại, sinh thái, trở thành động lực phát triển của khu vực này”.

Tuy nhiên, theo Bí thư Quận ủy Quận 9 - Đặng Thị Hồng Liên, số tiền dành cho việc giải phóng mặt bằng để dành đất cho Khu Công viên Khoa học (P.Long Phước) quận 9 hiện hơn 2.600 tỷ đồng đối với 165,6 hecta, giải toả hơn 480 hộ dân, trong đó, diện tích phải thu hồi là hơn 164 hecta. Hiện quận vẫn chưa thành lập được Hội đồng đền bù đối với dự án này do kinh phí bồi thường quá cao.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho rằng kiến nghị đẩy nhanh khu công viên khoa học công nghệ, đã có thông báo 591 ngày 1/8, giao cho các sở ngành có liên quan. Riêng vấn đề này, đã có ít nhất 2 cuộc họp, đề nghị khẩn trương phối hợp, thậm chí trong kết luận của ủy ban đền bù trong quý 1/2017.”

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận, để đạt được những thành tựu khoa học to lớn, các cán bộ nhân viên tại Khu công nghệ cao TP đã đánh đổi bằng sức khỏe, tuổi thanh xuân, trí tuệ mới ra được những sản phẩm hữu ích phục vụ xã hội.

“Qua thăm 2 đơn vị, cho thấy hướng đột phá của chúng ta, đó là thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về đây làm việc, thông qua dự án Saigon Silion City, công ty Minh Nguyên. Chúng ta đã khởi động những doanh nghiệp phụ trợ tốt và sẽ còn nhiều nhánh cho Sam Sung nữa. Định hướng đó rất tốt; nên tổ chức tọa đàm mời Sam Sung và các doanh nghiệp tiềm năng ngồi lại đánh giá công nghệ, nâng cấp công nghệ, huấn luyện nhân viên để nội địa hóa điều này", Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Hiện Khu công nghệ cao TPHCM thu hút thành công hơn 10 tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao như Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, FPT, Nipro, Datalogic, Samsung,... Giá trị sản lượng sản xuất hàng năm của các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động tăng trưởng đều đặn, năm 2016 đạt 7,6 tỷ đô la Mỹ, lũy kế đến nay, Khu công nghệ cao đã sản xuất khối lượng hàng hóa đạt trên 23 tỷ đô la Mỹ.

Ông Dương Minh Tâm – Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP cho biết, theo tính toán, cứ 1 đồng vốn của Nhà nước bỏ ra, sẽ thu hút 20,5 đồng nguồn vốn xã hội của doanh nghiệp, dự kiến 2 năm nữa, con số này tăng thêm khoảng 30 đồng.

"Lần đầu tiên, chúng ta đã sản xuất được vi mạch bán dẫn và thương mại hóa bán được. Đây là cố gắng rất lớn của TPHCM đã đầu tư 12 triệu đô la Mỹ cho phòng vi mạch bán dẫn, trước đó, có nhiều nhà khoa học đã ngăn không nên làm. Đến nay, chúng ta đã làm chủ được một số công nghệ main, vi mạch bán dẫn… TPHCM đã chủ động đầu tư cho khu công nghệ cao khá tốt với 5 phòng thí nghiệm vi mạch bán dẫn, công nghệ nano, tổng đầu tư kích thích khoảng 20 triệu đô la Mỹ, trong đó, ngân sách là 12 triệu đô la Mỹ”, ông Tâm cho biết thêm.

Trong năm 2017, khu công nghệ cao TP sẽ thu hút khoảng 30 dự án công nghệ cao với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 780 triệu đô la Mỹ, giá trị sản xuất toàn Khu công nghệ cao dự kiến đạt 12 tỷ đô la Mỹ trong năm nay và đến năm 2020 sẽ vượt mốc 20 tỷ đô la Mỹ. Nếu so về sản xuất tính trên đầu người, thì giá trị tại khu công nghệ cao gấp 10 lần giá trị sản xuất của các khu công nghiệp. Đến nay ngân sách của TPHCM và Trung ương đã cấp cho Khu công nghệ cao 7.600 tỉ đồng.

Lệ Loan

VOH Online

Bình luận

Đọc Báo