Thời sự 17g00 - 25/09/2017

(VOH) - Cập nhật những thông tin chính trị xã hội và dân sinh mới nhất trên AM 610Khz - Đài TNND TPHCM (VOH).

Già hóa dân số từ lâu đã là “nỗi ám ảnh” đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước phát triển.

Già hóa dân số để lại bài toán khó về an sinh xã hội, đồng thời gây thiếu hụt lực lượng lao động dẫn đến nền kinh tế bị trì trệ. Chính vì vậy, những năm qua, các nước phát triển đã áp dụng nhiều chính sách khuyến sinh, thế nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế. Bài viết của phóng viên Quỳnh Anh.

Nếu nhìn vào báo cáo của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế thế giới… chắc hẳn sẽ không ít người ngạc nhiên khi biết Việt Nam hiện đang là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất trên thế giới.

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, các nền kinh tế phát triển phải mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Trong khi đó Việt Nam chỉ mất 22 năm để chính thức bước vào giai đoạn dân số già. Mới đây, tại Hội thảo đối thoại chính sách về “Già hóa dân số và phòng chống bệnh không lây nhiễm” trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ 3 (SOM3) diễn ra tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nước ta hiện có hơn 10 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Theo các chuyên gia tại hội thảo, sự chuyển đổi nhân khẩu học này sẽ tạo những tác động, áp lực rất lớn với tăng trưởng kinh tế, lao động việc làm, tiết kiệm, đầu tư, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, sự chuyển dịch các dòng di cư, thiết kế hạ tầng…

Vấn đề đáng lo ở đây, chính là Việt Nam già nhưng chưa kịp giàu, đi ngược với trình tự diễn ra của các nước. Nghịch lý “già nhưng chưa giàu” này đang đặt ra một thách thức lớn – ngay trước mắt cho Chính phủ, khi đất nước còn đầy rẫy những khó khăn mà dân số đã già.

Chính vì vậy, trong chậm nhất là 30 năm tới, chắc chắn sẽ phải có những sự thay đổi, điều chỉnh hợp lý về các chính sách lao động và an sinh xã hội để hạn chế tác động của tiến trình già hóa này. Tuy nhiên, thiết nghĩ việc khuyến sinh vẫn chưa nên là giải pháp cần nghĩ đến đầu tiên, mặc dù đây là cách nhanh nhất để kéo giảm tốc độ già hóa. Bởi lẽ, khi cơ sở hạ tầng và các dịch vụ an sinh xã hội của nước ta còn nhiều mặt yếu kém, thì việc tăng sinh sẽ càng gây thêm áp lực cho hệ thống giáo dục, y tế, giao thông, bảo hiểm xã hội… vốn đã quá tải. Bên cạnh đó, không dễ để khuyến sinh, nhất là tại các đô thị lớn.

Do đó, giải pháp về lâu dài vẫn là chủ động thích ứng với quá trình già hóa dân số thông qua việc cải thiện các chính sách chăm sóc dành cho người cao tuổi như: chế độ hưu trí, đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm cho người cao tuổi, mở rộng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi dễ bị tổn thương, tập trung đặc biệt vào người già sinh sống ở khu vực nông thôn, phụ nữ cao tuổi; tăng cường dịch vụ y tế và mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt là có thể tận dụng các nguồn lực xã hội để đầu tư vào lĩnh vực này.

Mặt khác là cần xem xét việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm triệt để tận dụng nguồn lao động lớn tuổi nhưng có kinh nghiệm, chất xám, phù hợp với những ngành nghề đòi hỏi tri thức cao trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Cần nhìn nhận rằng, người lao động cao tuổi khỏe mạnh cũng là nguồn nhân lực quý giá, nếu được hỗ trợ một cách phù hợp thì vẫn có thể tiếp tục đóng góp to lớn cho gia đình, cộng đồng và quốc gia. Tuy vậy, đề xuất này cũng cần xem xét cân bằng giữa nhu cầu tìm việc của lao động trẻ với duy trì đội ngũ lao động cao tuổi, để tránh mâu thuẫn về lợi ích giữa hai nhóm này.

Mặt khác, việc tuyên truyền về già hóa dân số cần mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức của xã hội, và người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già. Nếu những người làm chính sách biết “lo cho tuổi già từ khi còn trẻ” thì mới có thể xây dựng và thực hiện thành công các chính sách dành cho người cao tuổi. Và nếu ngay từ khi còn trẻ, mỗi cá nhân trong chúng ta tích cực lao động làm giàu, chủ động chuẩn bị cho tuổi già thì sẽ giảm được gánh nặng cho gia đình, cộng đồng, xã hội khi chăm sóc.

Già hóa dân số thường được nhiều chính phủ và nhà kinh tế nhìn nhận như một mối đe dọa, thậm chí là thảm họa tiềm năng. Tuy nhiên, không nhất thiết phải nhìn nhận già hóa dân số một cách tiêu cực như vậy. Việc đưa ra những thay đổi trong các chính sách kinh tế và y tế, cũng như việc thay đổi cách nhìn nhận có thể giúp các quốc gia như Việt Nam có một tương lai tốt hơn bằng cách giảm đi những gánh nặng và tối đa hóa sự đóng góp của người cao tuổi.

VOH

Bình luận

Đọc Báo