Thời sự 05g30 - 16/09/2017

(VOH) - Cập nhật những thời sự thông tin chính trị, xã hội và dân sinh mới nhất trên AM 610 KHz - Đài TNND TPHCM.

Đầu tư cho văn hóa nghệ thuật – Có phải bài toán khó

Hiện nay TPHCM đang thiếu 1 chiến lược cụ thể và lâu dài cho sự phát triển của các đơn vị nghệ thuật. Cơ sở hạ tầng chưa tương xứng, diễn viên sống khó khăn, khán giả ngày càng thờ ơ… làm cho nhiều đơn vị nghệ thuật vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn. Điều này, các đơn vị báo cáo trong đợt khảo sát vừa qua của Ban Văn hóa và Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM. Ghi nhận của Ngọc Thu:

Câu hỏi đặt ra - có thật sự đầu tư cho văn hóa nghệ thuật là bài toán quá khó mà chúng ta chưa giải quyết được. Câu chuyện “đợi chờ” lâu  nhất có lẽ phải kể đến “Nhà hát Giao hưởng  - Nhạc - Vũ kịch TP”. Là một nhà hát biểu diễn nghệ thuật hàn lâm, trong nhiều năm qua nhà hát luôn tạo ra những sản phẩm âm nhạc chất lượng, đỉnh cao, đáp ứng tốt và kịp thời nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Ngoài công tác biểu diễn, nhà hát còn thực hiện tốt việc đào tạo đội ngũ kế thừa, tổ chức nhiều chương trình giao lưu âm nhạc quốc tế. Vậy mà, Nhà hát đang đứng trước nhiều khó khăn, nhất là việc đang phải “ở nhờ” vì không có nhà hát của riêng mình. Nỗi khát khao mong có 1 nhà hát để an tâm lao động nghệ thuật đã là câu chuyện dài trong suốt thời gian qua. NSUT Trần Vương  Thạch - Giám đốc nhà hát, cho biết: Chúng tôi rất muốn có 1 nhà hát, điều đó mới là yếu tố quyết định, tất cả những cố gắng hai mươi mấy năm vừa qua chỉ là những kết quả bước đầu hình thành của 1 đơn vị với 3 bộ môn nghệ thuật Giao hưởng, nhạc, vũ kịch tại TPHCM. Ở đây tôi chưa nói đến phát triển mà tôi chỉ nói đến hình thành thôi, còn nếu chúng ta muốn phát triển thật sự  các bộ môn nghệ thuật này, hay người ta hay nói là để cất cánh thì phải an cư lạc nghiệp nên cần 1 nhà hát để hoạt động biểu diễn đủ tiêu chuẩn, kỹ thuật, chuyên môn, phương tiện làm việc tất cả mọi yếu tố đó là 1 trong những điểm rất quan trọng cơ bản cho sự phát triển trong tương lai. Tôi mong rằng dự án đó sẽ sớm được thực hiện)

Với Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (được sáp nhập từ Đoàn xiếc và Đoàn rối TP) thì nỗi lo lại càng lớn hơn, nhiều trang thiết bị cũ kỹ lạc hậu, nhà bạt đã biểu diễn trên 20 năm, nay đang trở nên thiếu an toàn cho cả người biểu diễn lẫn người xem vì thường xuyên bị rung, lắc. Dù là một bộ môn nghệ thuật nguy hiểm, đôi khi phải đánh đổi bằng cả tính mạng vì họ thường xuyên bị tai nạn nhưng chế độ bảo hiểm cũng như thiết bị bảo hộ trong luyện tập, biểu diễn còn quá thô sơ. Nay di chuyển chỗ này, mốt di chuyển chỗ nọ, kế hoạch về một rạp xiếc đa năng cho đến nay đã kéo dài hơn 10 năm vẫn chưa có dấu hiệu khởi động.

Thực trạng của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - đơn vị cải lương duy nhất tại TPHCM thật sự làm cho người ta trăn trở và nghĩ suy nhiều nhất. Lẽ ra với một loại hình nghệ thuật dân tộc, độc đáo như thế này cần được đầu tư nhiều hơn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển thì nay đang ở vào trạng thái “cầm chừng” vì thiếu tất cả mọi thứ. Ngoài cơ sở hạ tầng và chế độ thù lao thấp, không tương xứng với công việc được gọi là “lao động nghệ thuật” thì các đơn vị đang thiếu đội ngũ nghệ sĩ kết thừa vì quy định về bằng cấp trong xét tuyển, mà hầu như với nghệ sĩ họ có “năng khiếu” kinh nghiệm nghề là chính chứ bằng cấp thì “hơi khó”. NSND Trần Ngọc Giàu kiến nghị “Hiện tại rạp Hưng Đạo chỉ đáp ứng được việc duy trì hoạt động chứ để đáp ứng về đòi hỏi của các vở diễn thu hút khan giả thì cũng rất hạn chế. Nên Chúng tôi trông chờ TP có sự quan tâm, xây dựng cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang rạp hát đáp ứng được những điều này. Về công tác đào tạo, hiện nay cải lương và hát bội có đặc thù chung trong đào tạo đó là truyền nghề là chính, còn đào tạo trong các trường thì chưa hiệu quả. Nếu xác định cải ương là di sản văn hóa phi vật thể, là đặc trưng của Nam bộ, là đặc trưng của Sài Gòn, là tâm hồn của khan giả thì nhà nước cũng phải có những chế độ, chính sách về lâu dài trong đào tạo, trong nuôi dưỡng cho những người làm nghề

NSUT Trần Vương Thạch kiến nghị: nhất thiết phải có 1 trụ sở riêng cho giao hưởng - nhạc – vũ kịch để nghệ sĩ an tâm tập trung sáng tạo và biểu diễn. Một nhà hát xứng tầm với nghệ thuật hàn lâm tại một trung tâm đô thị lớn như TPHCM là cần thiết, vì nơi đó không chỉ thu hút đông đảo công chúng mà còn là điểm đến lý tưởng cho nhiều đoàn nghệ thuật hàn lâm lớn của quốc tế. Góp phần quan trọng trong việc tìm khán giả tương lai, những cơ hội hợp tác mang tầm vóc quốc tế cũng như quảng bá những giá trị của giao hưởng và vũ kịch Việt Nam

Bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Ban Văn hóa  và Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM, người trực tiếp dẫn đoàn khảo sát vừa qua cho biết sẽ có tác động đối với cơ quan quản lý nhà nước, với Sở Văn hóa và Thể thao, với Ủy ban nhân dân TP cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, đào tạo cho nguồn nhân lực, có những chính sách đặc thù riêng cho người nghệ sĩ được sống, được làm việc với nghề để nuôi dưỡng những cảm xúc để làm sao nghệ sĩ phải song được với nghề. Có thu nhập ổn định, an tâm làm nghề, nuôi dưỡng nghề, để chuyển tải đến khan giả tốt hơn. Ngoài ra là phải tạo điều kiện về cơ sở vật chất, đạo cụ, sân khấu, môi trường làm việc.

Một chiến lược lâu dài và những đầu tư hiệu quả kịp thời là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để các đơn vị nghệ thuật nâng tầm phát triển, đẩy mạnh tư duy sáng tạo. Những khó khăn sẽ được tháo gỡ như thế nào - đây là những nội dung được đề cập đến trong phiên giải trình vào ngày 29/9 tới đây.

VOH

Bình luận

Đọc Báo