Quốc hội tiếp tục thảo luận về ngân sách Nhà nước và đầu tư công - Thời sự 17g00 29/10/2018

(VOH) - Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018,...

Đồng thời, quốc hội cũng thảo luận về dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017. Quốc hội cũng thảo luận về đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Tại phiên thảo luận sáng nay, liên quan đến vấn đề đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2018, các đại biểu nhận định rằng: thời gian qua, việc đầu tư các công trình bằng vốn đầu tư công đã bước đầu có nhiều chuyển biến, trong đó có nhiều công trình mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều công trình đầu tư còn dàn trải, kém hiệu quả cần rà soát lại. Đại biểu Nguyễn Trường Giang – đoàn Đăk Nông cho rằng cân đối ngân sách Trung ương còn khó khăn, tỷ lệ bội chi ngân sách còn ở mức cao. Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo về khả năng cân đối nguồn vốn, sau đó mới đảm bảo tổng mức đầu tư công trung hạn không vượt kế hoạch 20.000 tỷ đồng.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai  - đoàn Hà Nội cũng nêu thực tế hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết về đầu tư công trung hạn với tổng mức đầu tư 2 triệu tỷ đồng cho hơn 9.600 dự án. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương, các dự án thực hiện còn nhiều dang dở do thiếu vốn đầu tư. 

Góp ý thêm về các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu qủa  việc bố trí sử dụng vốn đầu tư công trung hạn và vốn dự phòng, một số ý kiến cho rằng cần phải đổi mới phương thức bố trí vốn ODA để đảm bảo chế độ thực hiện các dự án, cụ thể hóa phương án, nguồn kinh phí, chống dàn trải, nợ đọng, xin - cho trong bố trí vốn đầu tư công trung hạn. 

Liên quan đến công tác chi sự nghiệp bảo vệ môi trường, chính phủ đã trình phương án tăng chi nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu, phòng chống khắc phục  hậu quả thiên tai ở ngân sách Trung ương và địa phương tối thiểu so với dự toán năm 2018 là khoảng 16.000  tỷ đồng. Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – đoàn Long An đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành sớm xây dựng ban hành chương trình tổng thể về ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng danh mục chi riêng về vấn đề này để bảo đảm kinh phí thường xuyên.

Cũng trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tham gia giải trình thêm những vấn đề mà đại biểu quan tâm như: tiến độ dự án sân bay Quốc tế Long Thành và dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông còn chậm; các công trình giao thông trọng điểm quốc gia vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng... Nhấn mạnh đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án trọng điểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để đẩy nhanh. Tuy nhiên, dự án phải thực hiện đúng trình tự thủ tục, không được phép sai sót để công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Trong phiên thảo luận buổi chiều, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đã giải trình thêm những vấn đề liên quan đến sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như quản lý vốn ODA trong lĩnh vực ngân hàng. Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện tốt công tác phối kết hợp giữa các bộ ngành, từ đó góp phần gia tăng hiệu quả của công tác điều hành và hoạch định các chính sách tiền tệ và tài khóa.

Hoàng Mai

Bình luận

Đọc Báo