Phân loại rác tại nguồn - cần có những chương trình, hành động quyết liệt hơn -Thời sự 11g 22/8/2018

(VOH) - TPHCM đã ban hành Quyết định 1832 về Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn 24 quận, huyện giai đoạn 2017-2020.

Trong đó, phấn đấu đạt tỷ lệ các đối tượng thực hiện phân loại đúng quy định đạt tối thiểu 50% đến năm 2020 và tăng dần vào các năm tiếp theo và đạt tối thiểu 80% vào năm 2025, theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố. Các địa phương đã có những chương trình hành động cụ thể và đạt hiệu quả bước đầu.

Phân loại rác tại nguồn Phân loại rác tại nguồn. Ảnh minh họa: baomoi

Đến nay, Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện đều đã ban hành Kế hoạch triển khai; Thành lập Ban chỉ đạo, thành lập lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn đến các đối tượng triển khai trong phạm vi nhất định. Người dân đã bắt đầu có ý thức chủ động phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Một số quận đã tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác phân loại rác tại nguồn từ người dân. Tổ chức, sắp xếp lại các đường dây thu gom rác dập lập để tổ chức thu gom riêng 02 nhóm chất thải sau phân loại: như quận 1, 3, 5, 12, Thủ Đức, Phú Nhuận, Bình Thạnh,…và đã vận chuyển riêng khối lượng chất thải rắn hữu cơ đến các Khu xử lý tập trung.

Tại quận 5, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền phân loại rác tại nguồn, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã tập huấn 10 buổi cho gần 700 người là các đối tượng Ban chỉ đạo, tổ giúp việc, tổ dân phố , lực lượng nòng cốt, trường học, dịch vụ công ích và lực lượng dân lập và tổ dân phố. Các lực lượng này sẽ tuyên truyền đến các hộ dân, các cơ quan, đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn. Năm nay theo kế hoạch Ủy ban nhân dân Quận 5 hỗ trợ cấp phát hơn 12 triệu nhãn dán, tài liệu và  tờ thông báo thực hiện chương trình đến các hộ dân, các cơ quan, đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn. Khối lượng thu gom vận chuyển rác thực phẩm sau phân loại bình quân khoảng 1 tấn rưỡi một ngày. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa có ý thức cao để phối hợp cùng ngành chức năng thực hiện phân loại rác tại nguồn. Ông Phạm Duy Khang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 5 cho biết một số khó khan: “Tuy nhiên, một số hộ dân còn chưa có thói quen phân loại rác, vẫn còn lúng túng trong việc nhận diện chất thải rắn, nhất là những người lớn tuổi lo công việc nội trợ, không dán nhãn dán vào túi đã phân loại, một nhà lại có nhiều hộ gia đình riêng nên khó trong việc tuyên truyền các hộ cùng thực hiện”.           

Là một địa bàn vùng ven, Quận 12 có hình thức phân loại rác tại nguồn, thu gom rác mang đặc thù khác với các địa phương khu vực trung tâm. UBND quận 12 đã xây dựng kế hoạch để triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2017-2020. Đến nay, các phường đã hoàn tất công tác thống kê, phân loại, báo cáo số lượng chủ nguồn thải tham gia chương trình, ưu tiên các đối tượng trường học, bệnh viện, trung tâm hành chính, chưng cư, dân cư các khu đô thị mới; với tổng số chủ nguồn thải tham gia chương trình trên địa bàn quận là 60.600 chủ nguồn thải (tương ứng 50%). Ông Đặng Hải Bình, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 12 phân tích thêm những khó khăn cũng như thuận lợi: “Công tác làm có những thuận lợi là: được sự đồng thuận hỗ trợ của nhân dân cũng như chính quyền, bây giờ không chỉ có cấp Quận làm mà đã triển khai đến tất cả các ban ngành đoàn thể và đến cấp phường luôn. Tuy nhiên cũng có khó khăn. Địa bàn Quận 12 là địa bàn vùng ven, diện tích trên 5.000 ha và tốc độ đô thị hóa, quy mô dân số tăng rất nhanh, số lượng người dân tạm trú tăng liên tục ở các khu dân cư mới; do đó, công tác tuyên truyền hướng dẫn cũng đòi hỏi phải nổ lực hơn nữa mới đạt được mục tiêu”.

 Bên cạnh những khó khăn, hạn chế của các địa phương, trên địa bàn thành phố cũng có những mô hình phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả cao. Công ty Môi trường đô thị thành phố đã phối hợp với nhiều đơn vị, thực hiện các mô hình phân loại rác tại nguồn như: "Khu phố xanh hạt nhân", "Chung cư xanh kiểu mẫu" tại 6 tuyến đường Độc Lập, Lê Khôi, Lê Lư, Tân Sơn Nhì, Cây Keo, Trần Hưng Đạo và chung cư Tây Thạnh trên địa bàn quận Tân Phú. Tổng số hộ tham gia lên đến gần 2.000 hộ. Chương trình hướng dẫn người dân phân 2 loại rác hữu cơ và tái chế. Điểm đặc biệt của dự án là khi người dân chuyển giao chất thải tái chế, sẽ được tích lũy điểm và quy đổi thành những sản phẩm tiêu dùng hoặc phiếu mua hàng siêu thị nhằm phục vụ lại cho nhu cầu sinh hoạt gia đình. Dự án được triển khai từ năm 2013 cho đến nay vẫn duy trì tỷ lệ 70% - 85% số hộ gia đình tham gia. Ông Cao Văn Tuấn, đại diện Công ty Môi trường đô thị thành phố chia sẻ kinh nghiệm: “Rõ ràng là chúng ta hướng dẫn người dân phân làm 2 loại, thì chúng ta phải bố trí phương tiện, thiết bị thu gom tách bạch ra, để chứng minh cho bà con thấy việc chúng ta hướng dẫn cho bà con như thế nào thì chúng tôi cũng thu gom tách bạch ra như thế đó, và mỗi loại như vậy có hướng xử lý khác nhau, mục đích của chúng ta là tiết giảm chi phí thu gom và xử lý. Tôi nghĩ, nếu chúng ta làm rõ được vấn đề này cho người dân thành phố thấy thì chắc chắn người dân thành phố sẽ đồng hành, tham gia ủng hộ và chắc chắn chương trình sẽ thành công”.

 Phải thừa nhận rằng, hoạt động phân loại rác tại nguồn tại các quận huyện còn nhiều hạn chế. Nhiều người dân chỉ thực hiện khi có sự tuyên truyền, vận động của lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt. Trong khi lực lượng này lại chủ yếu là kiêm nhiệm nhiều công tác khác nhau nên việc tuyên truyền chưa thường xuyên. Thậm chí, nhiều người dân còn cho rằng, chương trình chỉ thực hiện thí điểm, theo phong trào, không duy trì dài hơi nên từ chối tham gia. Riêng một số khu vực chung cư cũ, nhà tập thể, khu dân cư có nhà trọ cho thuê khó áp dụng vì không có hệ thống thu gom rác và chủ nguồn thải không ổn định. Chính quyền địa phương cũng chưa có giải pháp quản lý, chính sách hỗ trợ y tế, trang thiết bị lao động, bảo hộ lao động… hiệu quả đối với lực lượng thu gom rác dân lập nên chưa khuyến khích được họ tham gia duy trì chương trình. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, cho biết thêm: “Để công tác phân loại rác tại nguồn thực sự hiệu quả thì Sở TNMT thời gian tới sẽ tiếp tục kết hợp chặt chẽ với quận huyện trong công tác tuyên truyền, tập huấn đến từng hộ dân để hiểu được lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn, bằng nhiều hình thức, sao cho người dân có thể tiếp cận với thông tin này một cách thường xuyên, liên tục; Sở sẽ giám sát, triển khai việc thực hiện này tại các địa bàn, để rút ra những vấn đề thực tiễn, có những hiệu chỉnh cho phù hợp, làm sao cho công tác phân loại rác tại nguồn được triển khai một cách thuận lợi ở tất cả các địa bàn”.

 Để công tác phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả, triển khai lâu dài; thiết nghĩ, yếu tố đầu tiên là phải quyết tâm thực hiện của lãnh đạo địa phương đến người dân. Lực lượng thu gom phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị theo phân loại (1 thùng thu gom rác hữu cơ và rác còn lại, 1 thùng thu gom rác vô cơ). Lịch thu gom 2 loại rác đã được người dân phân loại phải xác định phù hợp với thói quen sinh hoạt của đa số người dân tại địa phương và duy trì cố định trong tuần. Hoạt động thu gom phải được thực hiện thường xuyên. Đồng thời công tác tuyên truyền phải được thực hiện liên tục để gia tăng số hộ chưa tham gia vào dự án cũng như củng cố niềm tin với những hộ đã và đang duy trì tham gia tốt việc phân loại rác tại nguồn.

Huệ Như

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo