Phải coi trí thức trẻ là cán bộ nguồn cho địa phương – Thời sự 5g30 23/01/2018

(VOH)- Qua 3 năm thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020, đánh giá bước đầu cho thấy những kết quả tích cực

Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020, gọi tắt là Đề án 500 với mục tiêu giúp 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Quan trọng hơn, thông qua các hoạt động thực tiễn tại cơ sở, trí thức trẻ được rèn luyện và tạo nguồn cán bộ, công chức cho các địa phương. Thu hút trên 5.300 bạn trẻ dưới 30 tuổi, trình độ từ đại học trở lên nộp hồ sơ tham gia; đến năm 2015, Bộ Nội vụ đã tuyển chọn được 500 trí thức trẻ, gọi là đội viên.

Đánh giá kết quả sơ kết 3 năm thực hiện Đề án cũng như các khó khăn của trí thức trẻ tại địa phương công tác, cùng với những giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới, Phóng viên Thùy Linh phỏng vấn ông Vũ Đăng Minh – Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội Vụ.

* VOH: Thưa ông, thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về phát triển nông thôn, miền núi, giai đoạn 2013 – 2020, đến nay đã có những kết quả ban đầu như thế nào?

Ông Vũ Đăng Minh: Qua quá trình công tác tại địa phương, hầu hết các bạn đều được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều bạn đã có sự tham mưu, đề xuất cho cấp ủy chính quyền triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội có kết quả cụ thể và được chính quyền ghi nhận. Qua đó tạo tiền đề để các bạn làm tốt hơn trong thời gian tới.

Việc thực hiện chính sách đối với Đội viên đã được các cơ quan từ Trung ương cho tới địa phương tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, đúng với quy định của pháp luật, đặc biệt là hướng dẫn của Bộ Tài chính về chế độ tiền lương, phụ cấp thu hút, các hỗ trợ ban đầu được thực hiện đầy đủ.

* VOH: Thưa ông, so với công chức đang công tác tại địa phương, trí thức trẻ của Đề án này có gì khác biệt và trong thời gian qua, họ đã có đóng góp gì cho địa phương nơi mình tình nguyện công tác?

Ông Vũ Đăng Minh: Các bạn tình nguyện về thì các bạn phải mang trong mình bầu nhiệt huyết để xung kích tình nguyện. Bằng tri thức của mình, nhiệt huyết của tuổi trẻ, chúng ta tham mưu cho cấp ủy địa phương làm tốt công việc. Trước mắt, các bạn phải làm tốt công việc chức danh của mình được bố trí. Thứ hai, bằng tâm huyết của mình các bạn phải đề xuất để xây dựng các chương trình, đề án, mô hình về sản xuất, chăn nuôi, phát triển cộng đồng. Những đề án đó phải thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh địa phương chứ không cần gì phải to tát, góp phần hỗ trợ cho địa phương. Thông qua những mô hình đó, bà con tin tưởng và làm theo.

Tôi vẫn hay nói với Đội viên của chúng tôi rằng, nhân dân, đồng bào dân tộc, người ta chỉ làm theo cán bộ làm chứ không phải làm theo cán bộ nói. Vì vậy, các bạn phải xây dựng hình ảnh của mình, đó là thông qua mô hình, các bạn tập huấn lại cho bà con để bà con triển khai. Ví dụ, đội viên của Đề án 500 vừa rồi sau khi làm mô hình xong, Đội viên mời bà con ra hội thảo đầu bờ để hướng dẫn cho bà con quy trình, cách thức từ việc đào hố, làm đất cho đến bón phân, trồng cây, chăm sóc, sâu bệnh cho đến khâu thu hoạch và bảo quản thế nào….Ví dụ, cây vải trước đây chỉ chín trong 1 – 2 tuần là hết, nhưng giờ các bạn điều tiết được vải chín thời gian dài ra. Trước đây, vải đầu mùa 150.000 đồng/ký, nhưng lúc chín rộ chỉ 20.000 – 30.000 đồng/ký. Nhưng các bạn đội viên làm mô hình cho vải chín đều ra, rải đều trong 2 tháng, giúp bà con thu hoạch vải đều không chín rộ cùng lúc, giá thì 80.000 – 90.000 đồng/ký. Như vậy là làm lợi cho bà con về mặt kinh tế.

* VOH: Thưa ông, ông là người theo sát Đề án 500, theo ông các trí thức trẻ gặp những khó khăn gì khi về địa phương công tác?

Ông Vũ Đăng Minh: Khó khăn lớn nhất của các bạn là về mặt cơ sở pháp lý. Các địa phương vẫn coi các bạn là trí thức trẻ tình nguyện, chưa phải là công chức Nhà nước nên không được phân công giao nhiệm vụ và tham mưu đề xuất giống như một người công chức đã ở trong bộ máy. Đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm, về kinh tế thì các bạn không được trực tiếp tham mưu, mà là giúp việc cho một công chức ở chức danh đó. Vấn đề ở đây là gì? Trong quyết định 1758 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quy định các bạn được hưởng các chế độ chính sách như một công chức nằm trong biên chế Nhà nước, nhưng thời hạn trong 5 năm. Cho nên sau 5 năm, nếu làm tốt thì trách nhiệm của ban tổ chức sẽ phân công bố trí giao nhiệm vụ theo tinh thần kết luận của Bộ Chính trị theo Thông báo 06, thế nên tinh thần là như vậy. Ở đây khó khăn nhất vẫn là nhận thức của chính quyền cấp xã, vẫn coi trí thức trẻ đến tình nguyện xong rồi lại đi, nên chưa phân công hướng dẫn cho các bạn ngay từ ban đầu, chưa có hướng quy hoạch, bồi dưỡng, phát triển Đảng và hướng bố trí sử dụng sau này. Chúng ta phải xác định kết quả của Đề án là đào tạo một lớp cán bộ được tôi luyện qua thực tiễn cơ sở và là nguồn cán bộ rất tốt cho địa phương quy hoạch, bố trí sử dụng cho các nhiệm kỳ tiếp theo. Tôi nghĩ nhận thức địa phương cũng chưa đầy đủ và chưa đáp ứng được mục tiêu của đề án.

* VOH: Thưa ông, Đề án 500 mới đi được nửa chặng đường, vẫn còn khoảng 3 năm để các trí thức trẻ tiếp tục cống hiến. Theo ông, chúng ta cần có các giải pháp ra sao để các trí thức trẻ yên tâm công tác tại địa phương trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Vũ Đăng Minh: Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ ban hành văn bản để thống nhất về việc đào tạo, bố trí sử dụng các trí thức trẻ này trong thời gian tới, để làm rõ trách nhiệm cấp ủy chính quyền từ xã đến huyện, tỉnh. Nhưng, trên tinh thần địa phương phải coi các bạn đội viên này là cán bộ của mình, phải bố trí sử dụng cho hiệu quả để phát huy hiệu của Đề án, đồng thời chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để bổ sung vào cấp ủy chính quyền vào những năm tiếp theo.

* VOH: Cám ơn ông!

Thùy Linh

Bình luận

Đọc Báo