Những vấn đề cử tri TPHCM quan tâm trước kỳ họp thứ 6 QH khóa XIV - Thời sự 5g30 22/10/2018

(VOH) - 10 tổ đại biểu thuộc Đoản đại biểu Quốc hội TPHCM đã có 23 buổi tiếp xúc cử tri tại tất cả 24 quận, huyện trên địa bàn TP.

Có thể nói chưa bao giờ câu chuyện phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước được cử tri quan tâm như hiện nay. Hầu hết ý kiến bày tỏ của cử tri với các đại biểu Quốc hội TPHCM trong các buổi tiếp xúc điều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xử lý vấn nạn tham nhũng thời gian gần đây. Với hàng loạt vụ trọng án lần lượt được chỉ đạo đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật, thể hiện sự mạnh mẽ và kiên quyết với loại tội phạm này. Cử tri Nguyễn Thị Hồng, quận 1 bày tỏ: “Nhân dân trên cả nước đồng tình với việc Đảng và Nhà nước ta kiên quyết phòng chống tham nhũng thời gian qua đối với các cá nhân giữ nhiều trọng trách quan trọng. Từ đầu 2018 đến nay cả nước có 29 người đứng đầu các cơ quan bị xử lý do tham nhũng. Nhân dân cũng đề nghị cần tăng cường xử lý hơn thời gian tới”

Trong số 9 dự án luật sẽ được Quốc  hội thảo luận và thông qua lần này thì luật phòng chống tham nhũng sửa đổi và luật giáo dục được rất nhiều cử tri quan tâm. Hầu hết tại các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu TPHCM tại 24 quận, huyện thì điều có cử tri cho ý kiến bày tỏ sự quan tâm của mình trước khi luật được Quốc hội thông qua. Theo đó thì nhiều cử tri kiến nghị Quốc hội cần phải nghiên cứu thêm 1 số điều trong luật phòng chống tham nhũng sửa đổi theo hướng tăng nặng hình phạt hơn nhằm đủ sức răn đe cho những ai có ý định tham nhũng. Cử tri Phạm Văn Khôi, quận 2 kiến nghị “Soạn thảo luật phòng chống tham nhũng còn khá nhẹ tay. Ban soạn thảo đưa ra 3 nội dung:phạt 45%, đóng thuế 45%, giao tòa án quyết định. Nếu chúng ta thực hiện phương án này thì vẫn còn 55% cho kẻ tham nhũng. Chúng ta thực hiện theo luật này thì người tham nhũng vẫn còn cơ hội và kẽ hở”

Luật giáo dục sửa đổi cũng sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 lần này và cũng được rất nhiều ý kiến cử tri TPHCM quan tâm. Trong đó tập trung vào 3 vấn đề lớn là việc lãng phí sách giáo khoa, cải cách giáo dục và điều 32 quy định xử phạt hành chính giáo viên đang gây tâm tư cho giáo viên thời gian qua. Cử tri Nguyễn Gia Tâm, quận 5 kiến nghị: “Tôi đề nghị Quốc hội giám sát cơ quan lãnh trách nhiệm trước nhân dân. Tại sao đại hội Đảng đề ra đổi mới toàn diện. Nhưng không ai đề ra cụ thể để triển khai mà lại có người đề ra xin 3.400 tỉ để viết sách giáo khoa. Vậy anh  viết sách theo chương trình gì? Chưa xác định mà xin 3.400 tỉ rồi”.

Bên cạnh các ý kiến liên quan đến công tác lập pháp, xây dựng luật, các vấn đề phòng chống tham nhũng, giáo dục thì cũng còn 1 số ý kiến liên quan đến việc chậm giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân tại TPHCM. Trong đó tập trung nhiều vẫn là câu chuyện của người dân trong diện giải tỏa khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trong vai trò, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM và cũng là 1 trong những đại biểu  tham dự nhiều buổi tiếp xúc cử tri nhiều nhất ở các đơn vị trước kỳ họp thứ 6 lần này, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê luôn luôn chăm chú, lắng nghe và ghi chép khá kĩ ý kiến của cử tri. Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, nhìn chung với hơn 300 ý kiến của cử tri TPHCM gửi đến các đại biểu lần này, điều là những ý kiến tâm huyết, xây dựng: “Có thể thấy rằng ý kiến cử tri nêu ra có tính chất thời sự trong điều kiện đất nước hội nhập sâu rộng. Qua các buổi tiếp xúc cử tri thì các cử tri đóng góp rất tâm huyết, xây dựng gửi gấm với Quốc hội để làm sao quá trình xây dựng luật, ban hành luật có tính khả thi và góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, đi vào thực chất của việc ngăn chặn tham nhũng”.

Với những ý kiến nào thuộc trách nhiệm của địa phương thì ông đã yêu cầu chính quyền phải nhiên cứu giải quyết cho người dân theo đúng quy định và thời gian. Còn những ý kiến thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ thì sẽ tổng hợp báo cáo tại kỳ họp lần thứ 6 này.

VOH

Bình luận

Đọc Báo