Những điểm nghẽn, thách thức lớn cần sớm khơi thông - Thời sự 5 giờ 30 19/11/2017

(VOH) - TPHCM có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, luôn giữ vững vai trò đầu tàu, hạt nhân phát triển KT-XH và cũng là đầu cầu hội nhập quốc tế.

Đây là nơi có nhịp sống, lao động, phát triển năng động vào bậc nhất, đầy khát vọng. ​Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì vai trò này, thành phố Hồ Chí Minh đang vấp phải nhiều vấn đề nội tại, cũng như thiếu những cơ chế, chính sách cần thiết, từ đó khơi thông những điểm nghẽn, những lực cản để bứt phá mạnh mẽ.

Trong những thách thức lớn mà TPHCM đang đối mặt, giao thông luôn là một trong những vấn đề được nhắc đến đầu tiên, bởi đây là một trong những điểm nghẽn lớn nhất. Về cường độ kinh tế, theo báo cáo, Thành phố gấp 34 lần cả nước. Với đường sá tăng không đáng kể như hiện nay, ùn tắc giao thông là không tránh khỏi, kéo theo nhiều hệ lụy, ách tắc từ kinh tế đến cả niềm tin của người dân. Giao thông phải mở đường ra cho tất cả các lĩnh vực khác.

Do vậy, cần tìm một cơ chế giải quyết vấn đề này một cách quyết liệt. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, đường bộ gần như là phương thức giao thông duy nhất giải quyết nhu cầu giao thông đô thị của TP, tuy nhiên, quỹ đất cho giao thông thấp, mật độ đường giao thông chỉ đạt 1,95km/km2, diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị chỉ là 8,5% trong khi theo quy định pháp luật, con số này phải là 24% - 26%. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng cho biết, giai đoạn từ nay đến 2020, sẽ thực hiện nhiều giải pháp để tăng mạnh các chỉ số giao thông: "TP phải tập trung chỉ tiêu chung trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X là phải phấn đấu mật độ đường từ 1,95 lên 2,2km/km2, diện tích đất dành cho giao thông phải tăng lên 12,2%. Vận tải hành khách công công phải tăng lên 15-20%, và một số chỉ tiêu khác, trên cơ sở chương trình hành động riêng, coi đây là 1 trong 7 chương trình đột phá của thành phố".

Theo dự toán, đến năm 2020, TP cần khoảng 500.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng nguồn vốn đầu tư hiện nay rất khó khăn. Trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết: "Có những dự án theo quy hoạch tổng thể hạ tầng giao thông, môi trường, ngập nước từ đây đến 2020, TP cần 500.000 tỷ đồng mà ngân sách chỉ có thể giải quyết được 31,8% trên cơ sở 18% còn để lại. Còn lại phải đa dạng hóa phương thức, mấy hình thức đang tính toán. Nhưng phải trông chờ nguồn lực khác chứ không thể trông vào ngân sách. Chỉ những dự án cấp bách lắm mới dùng ngân sách. Còn những dự án Văn hóa xã hội, an sinh xã hội, TP cũng phải cân đối cho hợp lý. Bởi nếu chỉ lo kinh tế mà không đầu tư văn hóa xã hội sẽ mất cân đối, không giải quyết được chất lượng cuộc sống người dân theo đúng thực chất".

Thách thức lớn nhất cho TPHCM là nguồn lực tài chính để phát triển. Năm 2003, thu ngân sách được phân cho TPHCM là 33%. Các năm sau liên tiếp giảm và bây giờ còn 18%. Từ chỗ nộp về Trung ương 67%,  bây giờ là 82%. Như vậy, có một nghịch lý là làm ra càng nhiều thì tỷ lệ để lại càng ít, không đủ để tái sản xuất mở rộng, tái đầu tư phát triển giao thông, làm trường học, bệnh viện cho dân… Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Thành phố, nếu ngân sách giảm thì chỉ còn cắt giảm việc chi đầu tư phát triển, đầu tư vô hạ tầng. Điều này để lại hệ lụy rất lớn, tác động nhiều chiều của xã hội, tác động vùng chứ không riêng thành phố. Hiện hạ tầng của TP hiện đang quá bức bối với nhiều vấn đề về môi trường, ngập nước, giao thông, y tế… nên áp lực xã hội rất lớn.  

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng, nguồn ngân sách để lại không phải chỉ cho TP, mà là cho một đầu tàu, phải có nguồn vốn mồi đủ cho Thành phố huy động các nguồn lực khác: "Với năng lực huy động vốn, một đồng thành phố bỏ ra sẽ huy động được 10 đồng, hoặc hơn thế, sẽ có nguồn vốn khổng lồ để thành phố giải quyết những khó khăn, những nút thắt. Cần cơ chế để lại cho Thành phố nguồn vốn mồi, sau đó mới tính chuyện huy động nguồn lực bên ngoài".

Cùng với những thách thức về giao thông, nguồn vốn, sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài đang trở thành nan giải. Cụ thể, năm 1997 cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 38%, hiện còn 15%. Dù vẫn dẫn đầu cả nước về tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực qua 30 năm tích lũy, song những năm gần đây TPHCM ngày càng tụt hậu so với các tỉnh, TP khác trong thu hút vốn FDI. Bên cạnh đó, TPHCM đang phát triển dưới mức tiềm năng của TP và chưa phát huy hết vai trò với cả nước. Đầu tư nước ngoài thấp, dẫn đến xuất khẩu cũng kém. 15 năm trước, TPHCM xuất khẩu chiếm 56% cả nước, bây giờ còn 18%. Đó là chưa kể, TPHCM cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề mà 15 - 20 năm trước nhìn chưa ra.

Bên hành lang Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong lúc ngân sách khó khăn, đất nước khó khăn phải xem là giải pháp đột phá chiến lược, quan trọng nhất lúc này. Theo các đại biểu, TPHCM và những địa phương đang phát triển tốt cần cơ chế để phát huy hơn nữa tiềm lực, phải chọn những nơi hiệu quả để tập trung đầu tư. TP.HCM không xin tiền, chỉ xin cơ chế. Vai trò đầu tàu nhưng cơ chế dành cho toa tàu thì sẽ còn ì ạch. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: "Vấn đề có cơ chế cho TPHCM là một nguyện vọng chính đáng mà lẽ ra phải có từ lâu, bởi vì đối với cả nước TPHCM đã là một đầu tàu có từ lâu rồi. Và muốn để cho một thành phố lớn như TPHCM có đủ các điều kiện cần thiết để phát huy hết các tiềm năng của mình thì rõ ràng cần phải có một cơ chế, chứ không thể để TPHCM thực hiện tất cả các cơ chế giống như các tỉnh thành khác. Bản thân cá nhân tôi cũng rất ủng hộ và tôi nghĩ chắc chắn tất cả các đại biểu Quốc hội khác cũng có tiếng nói để ủng hộ cho nguyện vọng này".

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cũng đồng tình TPHCM là địa phương giữ vai trò quan trọng của vùng và của khu vực. TPHCM phát triển cũng sẽ tạo động lực để các tỉnh, thành lân cận cùng vươn lên mạnh mẽ, góp phần phát triển kinh tế chung của toàn khu vực: "Tôi cho rằng, cần phải có một cơ chế để cho TPHCM phát triển. Cơ chế đó cũng giúp cho cán bộ công chức, viên chức TPHCM phấn khởi hơn, tạo niềm giúp họ yên tâm, phấn đấu, kích thích hơn trong kêu gọi đầu tư, làm việc hăng say, tích cực hơn và có lợi cho dân. Dĩ nhiên, trong dự thảo tạo cơ chế cho TPHCM có nhiều vấn đề rất quan trọng mà TPHCM có đề xuất, đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, đưa ra quyết sách để Quốc hội ban hành một Nghị quyết cụ thể, quan trọng cho TP, vừa khách quan, công tâm, vô tư. Điều quan trọng là tôi sẽ ủng hộ việc tạo cơ chế cho TPHCM".

Theo GS. TS Nguyễn Thị Cành, Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, vì những trở ngại chưa được tháo gỡ, Thành phố đã không thể giải quyết các vấn đề phát triển đô thị của mình. Cũng vì thế, Thành phố đã không thể hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh “đầu tàu phát triển”, tức là chưa làm tròn trách nhiệm của mình đối với công cuộc phát triển của cả nước. Đây là điểm cần được nhấn mạnh để có một cách tiếp cận phát triển đối với TP.HCM đúng đắn, không thiên lệch và có trách nhiệm: "Vai trò của Thành phố không chỉ đóng góp GDP, mà còn là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ hàng đầu cả nước. Với vai trò như vậy mà đầu tư như các tỉnh thì không thể tạo động lực. Mà trước đây, nguồn lực để Thành phố đi nhanh coi như đã cạn rồi, giờ muốn phát triển thì phải đầu tư mới".

Để làm tốt vai trò đầu tàu kinh tế, trong điều kiện mới, thành phố phải có sự bứt phá, vươn lên. Từ những lợi thế, điều kiện của TPHCM, nếu có cơ chế, chính sách đột phá thì sẽ phát triển hơn, đóng góp cả nước nhiều hơn. Hiện nay, sự phát triển của Thành phố đang đối mặt với nhiều điểm tắc nghẽn lớn như đã kể và những khó khăn rất riêng biệt so với các địa phương khác... Trong khi đó, nhiều lợi thế phát triển to lớn của Thành phố về: vốn, nhân lực và những tiềm năng khác chưa được phát huy, thậm chí còn bị lãng phí.

Nhóm PV

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo