Nhức nhối nạn bạo hành trẻ em, phải ngăn chặn dứt điểm - Thời sự 17g00 28/11/2017

(VOH) - Chỉ chưa đầy 1 tuần, xảy ra liên tiếp những vụ bạo hành trẻ em khiến dư luận bức xúc và phẫn nộ.

Sau vụ bảo mẫu ở Hà Nam bạo hành em bé mới hơn 1 tháng tuổi chưa kịp lắng, tại Kiên Giang lại xảy ra trường hợp một bé gái bị người thân dùng thanh sắt nóng ấn vào mặt và tay.

Và mới nhất, tại TPHCM, dư luận vô cùng bức xúc khi xem clip ghi lại hình ảnh các bé ở lớp mầm non tư thục Mầm Xanh bị bảo mẫu dùng nhiều vật dụng, kể cả dao, đánh lên người, lên đầu, đạp, tát không thương tiếc.

Đau lòng còn nhân lên khi một cậu bé 6 tuổi ở quận Tân Phú bị kẻ có tiền sử tâm thần làm bảo vệ dân phố sát hại, rồi người dân ở Thanh Hóa phát hiện thi thể của bé gái 20 ngày tuổi ở đây sau 2 ngày bị bắt cóc. Những câu chuyện ngỡ như không phải trong đời thực, khiến dư luận phẫn nộ và bất an.

Dù Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó, nhấn mạnh đến việc phòng, chống bạo lực đối với trẻ em phải được chú trọng ở mọi cấp - mọi ngành - mọi tầng lớp xã hội, nhưng những vụ bạo hành tàn nhẫn và dã man rộ lên liên tiếp, đầy nhức nhối.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đã vô cùng phẫn nộ, không tin vào mắt mình khi xem đoạn video clip quay lại cảnh chủ cơ sở Phạm Thị Mỹ Linh và các bảo mẫu của cơ sở mầm non Mầm Xanh dùng chân đạp vào lưng, thùng nhựa đánh vào đầu, lấy dao mắng nhiếc, đánh vào vùng kín của trẻ. Họ không có tình người.

Thực tế, nguy cơ bị xâm hại và bạo lực với đối tượng trẻ em là không nhỏ, trong bất cứ môi trường nào, kể cả gia đình và nhà trường, thậm chí có chiều hướng gia tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Nhiều nhất lại chính là người có mối quan hệ với trẻ như người thân, giáo viên, bảo mẫu. Tin bà giúp việc nên phụ huynh mới giao con, tin các cô bảo mẫu - những người mặc nhiên luôn yêu thương trẻ nhỏ để gửi con mình, để rồi nhận lại những hình ảnh bạo hành đến xót xa, nhức nhối. Và hậu quả để lại không chỉ những nỗi ám ảnh trong ký ức tuổi thơ, thậm chí cướp đi sinh mạng các bé, gây ra những đau thương mất mát cho phụ huynh, mà còn là sự mất niềm tin về tình người, về đạo đức của những giáo viên mầm non.

Những số liệu báo cáo, nhưng vụ việc gây bức xúc được các cơ quan báo chí phát hiện dường như mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Liệu còn bao nhiều nhóm lớp, điểm giữ trẻ có hành vi hành hạ trẻ em tương tự chưa bị phát giác?

Ai cũng thấy, ai cũng đau nhưng nhiều đứa trẻ vẫn sống trong sợ hãi, những bàn tay tàn bạo vẫn không được ngăn chặn dứt điểm.

Cần nhìn nhận rằng thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực và đạt nhiều thành tựu trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em; được thể hiện từ xây dựng hoàn thiện khung chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường năng lực đội ngũ nhân sự và đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em…

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều những mặt tồn tại, mà lỗ hổng trong việc thực thi pháp luật, kiểm tra, giám sát chưa quyết liệt và nghiêm minh đã gây mất lòng tin người dân.

Ngay sau vụ việc bạo hành trẻ ở cơ sở Mầm Xanh, lãnh đạo Thành phố ngay lập tức đã có chỉ đạo quyết liệt. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang thì yêu cầu tổng kiểm tra toàn bộ các cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn, đặc biệt không được để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, ngược đãi hành hạ, xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm.

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu yêu cầu triển khai không chậm trễ việc lắp camera tại tất cả các nhóm trẻ trên địa bàn thành phố, không chấp nhận có một lần thứ hai như cơ sở Mầm xanh. Viện Kiểm sát nhân dân quận 12 đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam bà Phạm Thị Mỹ Linh - chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh - về tội hành hạ người khác.

Những hành vi bạo lực với trẻ, vi phạm pháp luật rồi sẽ bị nghiêm trị. Song thực tế, những xử phạt hay bồi thường thế nào cũng khó có thể bù đắp được những đau đớn, mất mát mà các bé và phụ huynh phải gánh chịu. Hậu quả của bạo hành đối với trẻ em là lâu dài và ghê gớm hơn nhiều so với những vết thương trên cơ thể, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ sau này.

Hướng tới một xã hội tốt đẹp, trẻ em được yêu thương, được chăm sóc để phát triển toàn diện cả về thể chất và nhân cách, những hành vi bạo hành trẻ em phải được ngăn chặn từ trứng nước.

Các cấp, các ngành chức năng chính quyền địa phương phải sâu sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra một cách thực chất, rồi sự vào cuộc của gia đình, nhà trường, xã hội không chỉ dừng ở lời nói, mà phải bắt tay ngay vào hành động, chung tay bảo vệ trẻ bất cứ khi nào có thể. Có vậy mới mong ngăn chặn dứt điểm thực trạng nhức nhối bạo hành trẻ như đã và đang xảy ra. 

Hồng Lĩnh

Bình luận

Đọc Báo