Người lớn không nên dắt trẻ cùng đi thăm bệnh với mình! - Thời sự 17 giờ 14/12/2017

(VOH) - Công tác phòng chống nhiễm trùng bệnh viện đã và đang đặt ra với nhiều thách thức vì nếu không làm tốt việc chống nhiễm khuẫn tác hại rất khó lường.

Thực tế trong môi trường bệnh viện, người bệnh càng nằm lâu thì khả năng bị nhiễm khuẩn rất cao và đáng lo nhất là nguy cơ tử vong vì nhiễm trùng bệnh viện lại lớn hơn gấp nhiều lần so với căn bệnh mà bệnh nhân đang điều trị. Vi khuẩn tại môi trường bệnh viện tấn công vào cơ thể rất đáng sợ vì nó kháng thuốc, khi nhiễm vào rất khó điều trị, nguy cơ tử vong bệnh nhân sẽ càng cao, mà vừa qua, câu chuyện đau lòng về 4 trẻ sinh non tử vong tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh là một minh chứng. Thực tế hiện nay, có rất nhiều thói quen mà vô tình chúng ta lại gián tiếp làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện.

Vấn đề này sẽ được Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cảnh báo qua cuộc phỏng vấn với phóng viên VOH.

*VOH: Thưa bác sĩ, công tác phòng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện có vai trò quan trọng như thế nào?

- Bác sĩ Diễm Tuyết: Đối với các bệnh viện sản phụ khoa như chúng tôi thì chúng tôi đặt công tác phòng chống nhiễm khuẩn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của bệnh viện vì nếu không làm tốt công tác này thì nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị, tốn kém chi phí điều trị, bệnh nhân sẽ nằm điều trị lâu hơn thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

Chúng tôi đã xây dựng các quy trình đặc biệt vừa rồi Bộ Y tế ban hành quy chế công tác phòng chống nhiễm khuẩn để các bệnh viện tuân thủ, trên cơ sở đó chúng tôi sẽ xây dựng các bảng kiểm để kiểm tra đánh giá hàng tuần, hàng tháng và hàng quý để báo cáo cho Ban Giám đốc trên cơ sở đó có sự chấn chỉnh kịp thời.

*VOH: Thực ra thì nhiễm trùng bệnh viện rất nguy hiểm, nhân đây bác sĩ cảnh báo?

- Bác sĩ Diễm Tuyết: Nhiễm khuẩn bệnh viện sẽ làm cho tình trạng bệnh cơ bản nặng hơn, và vi khuẩn trong bệnh viện rất đáng sợ vì nó kháng thuốc, thậm chí đa kháng thuốc không còn thuốc để điều trị. Nhiễm những con vi khuẩn, vi trùng đó rất khó điều trị thậm chí có điều trị đi chăng nữa cũng rất tốn kém vì những thuốc đó sẽ rất đắt tiền.

*VOH: Tại Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện sản, như vậy quy trình chăm sóc trẻ sau sinh đặc biệt là những bé sinh non sức đề kháng rất yếu sẽ được thực hiện như thế nào thưa bác sĩ?

- Bác sĩ Diễm Tuyết: Thì cũng giống như chuẩn quốc gia của Bộ Y tế cũng như những biện pháp ban hành từ Sở Y tế chúng tôi tuân thủ tuyệt đối. Với những trẻ sinh non đặc điểm cơ thể trẻ còn rất non yếu nên phải có những biện pháp hỗ trợ cho trẻ làm giảm nguy hại cho trẻ. Tùy theo bệnh lí sẽ phân vào khu chăm sóc đặc biệt hoặc những khu khác tùy theo bệnh lí trẻ mắc.

*VOH: Những biện pháp nào chúng ta có thể làm giảm nhiễm trùng bệnh viện, thưa bác sĩ?

- Bác sĩ Diễm Tuyết: Văn hóa người Việt Nam là khi người bệnh thì sẽ đi vào thăm bệnh là văn hóa rất hay và nhân bản nhưng đôi khi người ta biến cuộc đi thăm bệnh thành cuộc đi chơi, đi shopping, mang em bé vào cả bệnh viện đi thăm bệnh, rất hồ hởi đi vào bệnh viện thực sự điều này nguy hiểm vì vào bệnh viện là môi trường lây nhiễm , thứ hai nữa những vi khuẩn trong bệnh viện rất có hại và thứ ba nữa là vô hình chung mình sẽ lan truyền sự lây nhiễm chéo với nhau.

*VOH: Bác sĩ có lưu ý gì trong câu chuyện hằng ngày có những thói quen làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện?

- Bác sĩ Diễm Tuyết: Một trong những biện pháp giảm nhiễm khuẩn bệnh viện quan trọng và hiệu quả nhất là rửa tay. Đây là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất, đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rồi. Việc rửa tay phải được thực hiện từ nhân viên y tế, của bệnh nhân, của người nhà bệnh nhân khi chăm sóc bệnh viện, của người đi thăm bệnh .Việc này mang lại hiệu quả rất lớn, ít tốn kém và chúng ta làm sao phải tuyên truyền cho được. Một biện pháp như vậy rất mong chúng ta tuân thủ để góp phần cùng ngành y tế phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

*VOH: Cảm ơn bác sĩ!

Nhất Hương

Bình luận

Đọc Báo