Ngày làm việc thứ 4- Kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khoá 14 - Thời sự 17h 24/5/2018

(VOH) - Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) và dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi). 

Ngày làm việc thứ 4- Kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khoá 14, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) và dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi). 

Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; đồng thời, tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh lý dự thảo Luật. Trong phiên làm việc buổi sáng, nhiều đại biểu tán thành với quan điểm của Chính phủ thể hiện trong dự án luật là chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp trên cơ sở kế thừa quy định của luật hiện hành. Việc quy định như vậy nhằm tránh tình trạng lợi dụng tố cáo tràn lan, sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai- Đoàn Hà Nội nêu ý kiến: "Hình thức tố cáo qua điện thoại thì rất khó để đảm bảo với yêu cầu của tố cáo là phải đảm bảo tính chính xác của thông tin tố cáo và nội dung phải rõ ràng. Khi nhận tố cáo qua điện thoại thì người tiếp nhận vẫn phải hướng dẫn người tố cáo viết thành văn bản hoặc ghi nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo kí tene hoặc xác nhận bằng văn bản nên thực chất quy trình lại quay về hình thức tố cáo bằng văn bản. Việc áp dụng hình thức tố cáo qua điện thoại sẽ rất mất thời gian cho quá trình xác minh danh tính của người tố cáo, xác minh tính chính sách của thông tin tố cáo gây áp lực trong công việc cho các cơ quan trực tiếp giải quyết tố cáo. Từ các lý do như trên tôi xin đề nghị giữ nguyên hình thức tố cáo như luật Tố cáo hiện hành là tố cáo bằng văn bản và tố cáo trực tiếp…".

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử… vì đây là các hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay. Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức cũng đã thiết lập đường dây nóng, hộp thư bạn đọc… để tiếp nhận thông tin phản ánh, tố cáo, qua đó đã thanh tra, kiểm tra và kịp thời phát hiện, xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu- Đoàn Nghệ An tranh luận: "Tố cáo qua điện thoại không phải như các đại biểu đã nói. Tôi lấy ví dụ muốn tố cáo qua điện thoại rất rõ ràng, chúng ta tố cáo rồi chúng ta ghi lại và sau đó điện thoại kiểm tra lại họ có đúng hay không và chúng ta hẹn hò đúng thời gian địa điểm như vậy họ cung cấp cho  chúng ta ngay. Cảnh sát 113 hàng ngày vẫn nhận được rất nhiều thông tin trong đó thông tin nào là chính xác họ lọc được rất nhanh. Chúng ta có công nghệ để chúng ta lọc chứ không phải chúng ta bảo tố cáo qua đó khó quá chúng ta không làm. Tôi nghĩ là Luật phòng chống tham nhũng 2005 tiến bộ như thế mà sao chúng ta không kế thừa mà chúng ta lại bỏ nó đi như vậy. Để cho người dân người ta thực hiện được quyền hiến định thực sự , đừng có vì việc khó khăn của cơ quan nhà nước mà chúng ta chọn việc dễ chúng ta làm, việc khó chúng ta thôi thì tôi thấy không ổn…".

Trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Nhiều ý kiến đại biểu tán thành quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, nhưng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh. Một số ý kiến đề nghị quy định Cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.

Đại biểu Lê Anh Tuấn- Đoàn Hà Tĩnh nêu ý kiến: "Điều 4 của dự thảo về nguyên tắc áp dụng của dự thảo sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội đã xử lý được một phần mối quan hệ giữa luật canh tranh với các luật chuyên ngành có liên quan. Tuy nhiên với quy định như dự thảo dễ dẫn đến cách hiểu là khi có các vụ việc xảy ra thì chỉ có các vi phạm liên quan đến hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế mới được xử lý theo quy định của luật cạnh tranh. Còn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị xử lý theo quy định của luật chuyên ngành. Như vậy quy định này đã làm vô hiệu hóa, xung đột pháp luật với việc xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định ngay trong luật cạnh tranh". 

Ngọc Ánh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo