Liên hoan đã đi được 1/3 chặng đường với 7 vở diễn mang những màu sắc và gia vị khác nhau. Có thể có sự khác biệt về chất giọng, về phong cách dàn dựng, biểu diễn của mỗi vùng miền, nhưng điều đọng lại nhiều nhất trong lòng khán giả trong những ngày qua là cái tình, sự chân thành và say nghề mà mỗi nghệ sĩ mang đến liên hoan, đặc biệt là sự trân trọng mà họ dành cho khán giả TPHCM.
Khai màn liên hoan là tác phẩm của Nhà hát kịch Việt Nam với kịch bản “Kiều” (dựa theo tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, đạo diễn: NSND Anh Tú), dù được kỳ vọng nhiều nhưng tác phẩm chỉ dừng lại ở mức vừa phải chứ không có quá nhiều đột phá. Điều đáng tiếc nhất của vở diễn này chính là tạo hình cho nhân vật. Vương Thúy Kiều, nhân vật trung tâm của vở diễn làm cho mình trở nên nhạt nhòa cả trong diễn lẫn ngoại hình bên ngoài. Cái “tham” trong dàn dựng mà không có điểm nhấn cụ thể làm câu chuyện đi đều đều, 1 chiều, nhàm chán.
1 vở diễn khác của nhà hát kịch Việt Nam và cũng dưới đôi tay dàn dựng của NSND Anh Tú lại mang đến cho khán giả những rung cảm thật đặc biệt trong “Bão tố Trường Sơn” (tác giả:Trương Minh Phương). Nói về chiến tranh nhưng không làm người xem căng não, nhẹ nhàng sâu lắng nhưng thấm đẫm tình người, tình đồng chí, đồng đội. Phần âm nhạc và xử lý cảnh trí của vở diễn là điểm cộng vở diễn. Đặc biệt, sự duyên dáng, biết làm chủ vai diễn và tiết chế sân khấu – NSUT Xuân Bắc với vai anh nuôi vui tính. Tha thứ để yêu thương – là thông diệp mà “Bão tố Trường Sơn” gửi lại cho khán giả, ký ức của một thời hoa lửa, chỉ thế thôi nhưng đã làm người xem cảm nhận khác về những vở kịch vốn được xem là khô khan như thế này. NSND Anh Tú – đạo diễn của vở cho biết, anh đặc biệt yêu phần âm nhạc trong bản dựng của mình, và quả thật là phần âm nhạc của “Bão tố Trường Sơn” quá hay, quá lay động, tạo nên hiệu ứng rất tốt cho diễn xuất của diễn viên: “Từ phần nhạc, tôi lại càng cảm xúc và dàn dựng càng thăng hoa hơn, nó bỗ trợ cho nhau, cái nó nó giúp cho cái kia, tôi rất an tâm và hài lòng khi được làm việc với 1 ekip vừa tài năng, vừa tâm huyết, và nghiêm túc trong nghề nghiệp như vậy”.
Đoàn kịch Thanh Hóa tiếp nối với kịch bản “Tình Đồng đội” 1 câu chuyện rất nóng, nói về sự tha hóa biến chất của 1 số cán bộ, về sự chi phối khủng khiếp của đồng tiền trong cuộc sống hiện tại, nhưng lại không đủ sức truyền tải đến khán giả vì lối dàn dựng cũ kỹ và diễn xuất của diễn viên chưa thật đồng đều. Tuy nhiên, khán giả lại tỏ ra thích thú vì đề tài mà đơn vị này chọn vì nó chạm được vào cuộc sống của hiện tại. Để đến được với liên hoan năm nay, các nghệ sĩ đến từ Thanh Hóa đã phải vượt qua 1 chặng đường rất dài và gặp không ít khó khăn. Kinh phí dàn dựng vở cũng chỉ gói ghém vừa phải nên có đôi chỗ họ xử lý chưa thật sự hợp lý nên làm hạn chế cái hay của vở. Diễn viên Ngọc Nguyên - 1 trong những diễn viên chính của vở đã chia sẻ như vậy và cũng đặt nhiều kỳ vọng: “Mình chỉ có 1 khát khao lớn nhất, mà không phải mình, ngay cả các nghệ sĩ không chỉ phía Bắc, mà cả phía Nam là có 1 đội ngũ tác giả có thể chuyển tải được những đề tài nóng của xã hội. Trước tiên là kịch bản tốt, sau đó là bàn tay gọt dũ của đạo diễn , thật hay thì vở diễn mới thành công được. Thường kịch bản ngoài Bắc cái gì nói mạnh quá, đề tài nóng quá thì bị cắt gọt khá nhiều, chẳng hạn như kịch bạn hôm nay mà đoàn mình diễn.Sau đó là phải có 1 nguồn đạo diễn trẻ, làm chủ công nghệ 4.0, năng động, yêu nghề, như vậy thì mới đuổi kịp khán giả”.
“Hiu hiu gió bấc” của sân khấu kịch Buffalo là vở diễn mở màn cho sân khấu phía Nam với khán phòng chật kín khán giả. Dễ thương, thấm được cái tình, cái nghĩa. Đặc biệt là sự kết nối của danh hài NSƯT Hoài Linh, anh làm cho khán giả cười nghiêng ngã, nhưng ngay sau đó lại lặng người. Đạo diễn trẻ Nhật Minh đã mang đến 1 phong cách dựng rất mới mẻ, rất dễ chịu từ bục bệ, cảnh trí đến không gian ước lệ đầy chất thơ và lãng mạng của sông nước phương Nam.
“Thiên thần nhỏ của tôi” - kịch bản được chuyển thể dựa theo truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, do diễn viên Lan Phương dàn dựng, tác phẩm dự thi của sân khấu kịch Hồng Hạc cũng làm thổn thức trái tim của nhiều khán giả bởi lối dẫn chuyện khá mới mẻ và tương tác cao. 1 vở diễn mà chỉ toàn diễn viên thiếu nhi, người lớn chỉ đóng vai trò dàn bao. Câu chuyện đưa người lớn trở về với thế giới tuổi thơ, đưa trẻ nhỏ đi vào vùng trời đầy mơ mộng, có cỏ cây, có khu vườn của ngoại, có chim muông, có những rung động thời niên thiếu. Lối tả thực dễ hiểu và chỉ vỏn vẹn đúng 90 phút là lợi thế của vở diễn này. Hơi tiếc vì vở khá đều, không có nhiều cao trào, nhân vật trong vở đều là nhân vật 1 chiều, không phản diện nên không có nhiều tình tiết giải quyết xung đột kịch. Tuy nhiên nhìn chung thì đây là 1 vở diễn dễ chịu, dễ xem và dễ đọng lại cảm xúc trong lòng khán giả, đặc biệt là khán giả thiếu nhi. Ông Phan Duy Khương – Giám đốc sân khấu Hồng Hạc cho biết, mang vở kịch đến Liên Hoan chỉ mong muốn được giới thiệu 1 thể loại kịch mới đó là ngắn, tương tác giao lưu, lắng nghe khán giả để tìm thêm cái mới cho các bản dựng chứ không nghĩ đến huy chương, vui và học hỏi các bạn nghề là chính: “Đây là 1 vở diễn mà lâu nay chúng tôi vẫn luôn nói nó luôn là 1chiếc thuyền ước mơ, có thể chở được cả gia đình đi xem… tôi nghĩ đây sẽ là 1 màu sắc khác của liên hoan năm nay”.
Riêng trong ngày hôm qua, đoàn kịch nói Hải Phòng mang đến liên hoan kịch bản “Thiên đường”, 1 câu chuyện về đề tài gia đình. Cái tứ tương đối tốt nhưng cách xâu chuỗi câu chuyện lại khá hời hợt, diễn xuất của diễn viên có phần lố, không chân thực. Dàn dựng lê thê, dàn trải làm cho câu chuyện bị lơi.
Buổi tối cùng ngày, Sân khấu kịch “Nụ cười mới” của TPHCM lại mang đến những tiếng cười sảng khoái, những lời cảnh tỉnh tế nhị. Cười để ngẫm chuyện đời và bắt gặp mình trong đó là lời nhắn mà vở diễn “Đám cưới chùm” gửi đến khán giả. Trung thành với phong cách hài hiện đại, sân khấu Nụ Cười mới nhiều năm qua đã khẳng định thương hiệu của mình trong lòng công chúng qua nhiều kịch bản như: Người nhà quê, Ra giêng anh cưới em, Cổ tích một tình yêu…Đến với liên hoan năm nay, vở diễn “Đám cưới chùm” 1 lần nữa khẳng định thương hiệu của sân khấu này cũng như cách làm nghề chỉn chu của 1 ekip toàn người trẻ. Diễn viên Vũ Văn Long (nghệ danh Long đẹp trai) - Giám đốc của sân khấu bày tỏ: “Nụ cười mới đến với liên hoan kỳ này chủ yếu là diễn viên trẻ… chúng tôi mong các em được tôi rèn thêm nghề của mình và là 1 làn gió mới cho liên hoan năm nay”.
So với nhiều mùa liên hoan trước thì liên hoan năm nay đặc biệt thu hút khán giả. Hiện tại dù thời tiết khá nóng, mỗi ngày thi diễn 2 vở, buổi chiều lúc 14h00 và buổi tối lúc 20h nhưng khán phòng luôn chật cứng khán giả. Trước đó ban tổ chức khá lo lắng vì sợ không có khán giả, nhưng nay thì có buổi phải kê thêm cả ghế phụ, chẳng hạn như vở “Hiu hiu gió bấc” của sân khấu Buffalo.
Cho đến thời điểm hiện tại, liên hoan hoan cũng đi qua mới 1 phần 3 chặng đường nhưng cũng mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc. Tuy nhiên có thể thấy rõ, các sân khấu xã hội hóa tại TPHCM có phần lấn át các sân khấu khác bởi cách chọn đề tài, cách dàn dựng, bởi sự hiện đại, trẻ trung và rất phóng khoáng trong diễn xuất. Điều đó cũng dễ hiểu vì TPHCM có 1 đời sống kịch nói rất sôi động, họ làm nghề liên tục nên trong suy nghĩ, trong dàn dựng và trong cách viết kịch bản dễ đi vào cuộc sống hơn.
Từ đây đến cuối liên hoan sẽ còn khoảng 20 vở với đa dạng đề tài. Chúng ta mong sẽ tìm được nhiều vở diễn hay, hấp dẫn, nhất là tìm được những phong cách dàn dựng độc đáo, hấp dẫn để kịch ngày càng thu hút khán giả hơn.
Ngày 15/4, liên hoan sẽ tiếp tục với 2 vở diễn: “Sóng muôn đời thao thức” của nhà hát kịch quân đội lúc 14h00 và lúc 20h00 là “Đàn bà dễ có mấy tay” của sân khấu kịch Hồng Vân.
Liên hoan sẽ diễn ra cho đến ngày 25/4/2018.