Mục tiêu cuối năm 2020, tỉ trọng thanh toán bằng tiền mặt dưới 10% - Thời sự 5 giờ30 ngày 25/12/2017

(VOH) - Đây là mục tiêu đặt ra trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đến năm 2020, toàn thị trường có ít nhất 300.000 máy quẹt thẻ (POS) được lắp đặt. Trong đó, 100% Kho bạc Nhà nước các quận và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thiết bị chấp nhận thẻ phục vụ thu ngân sách nhà nước. Kế hoạch phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua thiết bị chấp nhận thẻ giai đoạn 2017-2020 cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành hướng tới mục tiêu xã hội không sử dụng tiền mặt. Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Lệ Loan phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM.

VOH: Thưa ông! Triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ nghĩa là thời gian tới, thương mại điện tử hay thanh toán trực tuyến sẽ là mảnh đất màu mỡ để phát triển. Tại địa bàn TPHCM, sau thời gian triển khai hình thức thanh toán này, ông có đánh giá gì về tính hiệu quả của loại hình này?

Ông Nguyễn Hoàng Minh:  Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, trong quá trình triển khai thực hiện nghị định 80, sửa đổi một số điều của nghị định 101 tại thanh toán không dùng tiền mặt tại địa bàn TPHCM, thì hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay mà các tổ chức tín dụng cung ứng cho nền kinh tế mang lại hiệu quả rất lớn cho người dân, doanh nghiệp, khách hàng mà sử dụng các dịch vụ của ngân hàng.

Theo tôi có 3 tiết kiệm lớn nhất, đó là tiết kiệm về mặt thời gian, chi phí vận chuyển, chi phí giao dịch. Nếu thanh toán không bằng tiền mặt thì mình sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển này. Và thứ 3 rất quan trọng đó là không có rủi ro và tính an toàn rất cao. Thì bạn cứ hình dung bạn cứ ngồi ở nhà, bạn có thể chuyển tiền, sẽ có sự khác biệt khi bạn đem tiền đến nộp ngân hàng để nhờ chuyển đi. Điều này những khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng có thể thấy rõ nhất.

Theo số liệu thống kê của TPHCM, nếu trong giai đoạn 2010 trở về trước, tỉ trọng tiền mặt chiếm trong tổng thanh toán chiếm khoảng 20% đến 21%. Sau quá trình triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là khi có nghị định 101 và nghị định 80 về thanh toán không dùng tiền mặt, thì tỉ trọng này hiện nay ở mức 11%-12%. Tức là chỉ hơn khoảng 5, 6 năm thôi, thì tỉ trọng thanh toán tiền mặt từ 20%-21% giảm xuống còn 11%-12%. Và dự kiến của Ngân hàng Nhà nước, tới cuối năm 2020, sẽ còn trên dưới khoảng 9%. Điều đó cho thấy việc giảm này là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước – đây là cơ quan chủ trì, chủ đạo, triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt trong giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể là trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành rất nhiều thông tư để hướng dẫn cho các tổ chức tín dụng thực hiện. Ví dụ thông tư về trang bị, lắp đặt, quản lý, vận hành đảm bảo an toàn bảo mật của hệ thống các máy ATM… Thứ hai là những thông tư về dịch vụ thẻ miễn phí liên quan, dịch vụ thanh toán không dủng tiền mặt, dịch vụ trung gian thanh toán… Và thông tư về mở và sử dụng tài khoản tiền gởi thanh toán.

Đây là hiệu quả rất lớn khi nhà nước triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt theo đề án của Chính phủ, hỗ trợ nhiều cho các doanh nghiệp, khách hàng, kể cả các tổ chức cá nhân. Theo đánh giá của chúng tôi, đáp ứng được sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân.

VOH: Ông nhìn nhận thế nào về tính bảo mật và độ an toàn khi sử dụng hình thức thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt này?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Trong điều kiện hiện nay tại thị trường Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ cho yêu cầu về việc thanh toán không dùng tiền mặt. Như chúng ta biết, hoạt động này chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và sẽ chịu tác động rất lớn của sự phát triển công nghệ thông tin. Đến nay qua các hoạt động của ngân hàng thương mại trong việc sử dụng nguồn vốn của mình để tạo nên bộ máy, hệ thống khoa học kỹ thuật khá hiện đại. Thì cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật hiện đại của các ngân hàng hiện nay mà cốt lõi là thanh toán điện tử không liên ngân hàng, thì có thể nói là đáp ứng các yêu cầu của các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt là cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho nền kinh tế, đảm bảo nhanh chóng, tiện ích, an toàn, bảo mật.

VOH: Về rủi ro trong thanh toán điện tử, ông có lưu ý và khuyến cáo gì với người dùng?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Trong thời gian vừa qua vẫn còn một số hiện tượng khách hàng bị mất tiền trong tài khoản của mình, bỗng dưng tiền trong tài khoản không cánh mà bay, thì vừa rồi Ngân hàng Nhà nước cũng có ban hành thông tư 30 để quy định về việc này. Nếu do lỗi của khách hàng thì khách hàng phải chịu, mà do lỗi của ngân hàng thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi hoàn cho khách hàng trong vòng 5 ngày.

Do đó chúng tôi cũng yêu cầu, khuyến cáo khách hàng tăng cường tính bảo mật, an toàn cho khách hàng của mình, đồng thời tạo sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa ngân hàng với khách hàng. Ai có lỗi thì người đó chịu. Do đó chúng tôi cũng mong các khách hàng khi sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cung cấp thì cũng phải hiểu, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Đặc biệt những yêu cầu về thông tin cá nhân, tài khoản của người chủ tài khoản… có như thế, rủi ro sẽ không đến với ngân hàng, khách hàng của mình.

VOH: Xin cảm ơn ông!

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo